Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ công tác xã hội hóa thể thao ở TX. Buôn Hồ

08:47, 27/06/2015
Những năm qua, phong trào xã hội hóa thể thao ở TX. Buôn Hồ đã đạt được những kết quả đáng kể, đóng góp tích cực vào thành tích thể dục thể thao của thị xã trong thời gian qua.

Xuất phát từ niềm đam mê thể thao, nhận thấy thực tế tại địa phương các sân chơi thể thao cho thanh thiếu niên còn hạn chế nên vào năm 2012, ông Phan Thanh Tùng ở phường An Lạc đã quyết định đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 1 bể bơi trên mảnh đất trống của gia đình tại tổ dân phố 4, phường An Lạc đồng thời thành lập Câu lạc bộ bóng đá mang tên Đồng Tâm. Ông Tùng chia sẻ: “Niềm yêu thích môn thể thao vua cộng với suy nghĩ muốn đóng góp, cùng với địa phương chăm lo cho sự nghiệp thể thao đã thôi thúc tôi đầu tư xây dựng sân bóng đá, bể bơi. Làm vì niềm đam mê thôi chứ thực tế qua tính toán nguồn thu cũng chẳng thấm vào đâu so với kinh phí mà gia đình bỏ ra”. Cùng chung niềm đam mê thể thao, đặc biệt là say mê môn cầu lông, vào năm 2006 ông Trịnh Văn Hào ở phường An Lạc đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ cầu lông với 15 thành viên. Sau một thời gian hình thành, đến nay câu lạc bộ đã phát triển mạnh với hàng trăm thành viên và là một trong những câu lạc bộ đóng góp vào bảng thành tích của nền thể thao địa phương với hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng khi tham gia các giải đấu trong và ngoài tỉnh. Ông Trịnh Văn Hào tâm sự: “Các thành tích mà CLB đạt được trong hơn 10 năm qua như một sự bù đắp cho sự nỗ lực cống hiến hết mình cho thể dục thể thao của các thành viên trong câu lạc bộ. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào của những người yêu thích môn cầu lông như tôi”.

Giải quần vợt mùa xuân TX. Buôn Hồ được tổ chức tại Sân quần vợt An Nguyên Gia.
Giải quần vợt mùa xuân TX. Buôn Hồ được tổ chức tại Sân quần vợt An Nguyên Gia.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao TX. Buôn Hồ cho biết: “Thời gian qua, để phát triển phong trào thể dục thể thao tại địa phương, UBND TX. Buôn Hồ mà trực tiếp là Phòng Văn hóa và Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng công tác xã hội hóa thể thao. Ngoài việc thỏa mãn niềm đam mê với môn thể thao yêu thích, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn còn có điều kiện mở rộng kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau, vì vậy đã thu hút nhiều cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ người chơi thể thao trên địa bàn”. Có thể nói, trong những năm qua, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao của TX. Buôn Hồ đã có những phát triển đáng kể về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ phong trào xã hội hóa thể thao, đến nay TX. Buôn Hồ có 16 sân bóng cỏ nhân tạo, trên 20 câu lạc bộ: bóng chuyền, cầu lông, Aerobic, dưỡng sinh…; 100% các trường trung học phổ thông trên địa bàn có nhà đa năng tương đối khang trang, thực hiện có hiệu quả chương trình dạy bộ môn thể dục chính khóa. Để thúc đẩy sự phát triển của phong trào, hằng năm các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động thị xã… thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, hội thao thu hút nhiều công nhân viên chức lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Thị xã còn tổ chức hàng chục giải thi đấu đều có sự tham gia tài trợ kinh phí của các đơn vị như: Giải quần vợt Agribank, BIDV; Bóng đá Cúp Bình Điền - Mekong. Chỉ tính riêng tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VII vừa qua, các vận động viên TX. Buôn Hồ đã giành được 120 huy chương các loại, xếp thứ 3 toàn đoàn.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa trên địa bàn thị xã vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, có sự chênh lệch lớn khi đầu tư giữa các môn thể thao. Thông thường, các hoạt động thể thao mang tính phổ cập, diễn ra thường xuyên thì dễ thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa hơn như: bóng đá, cầu lông... Còn các môn thể thao khác như điền kinh, võ thuật, bóng chuyền… thường không thu hút được nhiều cá nhân, doanh nghiệp mặn mà bỏ kinh phí tài trợ, đầu tư bởi khó thu hồi vốn. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác luyện tập của vận động viên. Anh Nguyễn Thanh Tùng, đội trưởng đội bóng chuyền Xưa và nay cho biết: “Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp, khả năng tài chính không nhiều nên mỗi khi có giải đấu, chúng tôi phải mượn sân tập. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cá nhân quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho môn bóng chuyền”.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.