Multimedia Đọc Báo in

Thể thao Đắk Lắk: Vươn đến những "mùa vàng"

10:37, 31/12/2016

Những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh phát triển nhanh và mạnh, đặc biệt đã đóng góp nhiều vận động viên (VĐV) xuất sắc cho thể thao đất nước.

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2015 là việc đoàn thể thao Đắk Lắk giành giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX - khu vực II năm 2015 (tổ chức tại tỉnh Kon Tum). Như vậy, qua 9 lần tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II, Đắk Lắk đã 7 lần xếp thứ Nhất toàn đoàn, 1 lần đoạt giải Nhì và 1 lần đoạt giải Ba. Có thể dễ dàng nhận thấy, các môn thể thao được xem là thế mạnh như: đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co, bắn nỏ... đều mang “vàng” về cho thể thao Đắk Lắk. Đáng chú ý nhất có lẽ là ở bộ môn kéo co, các VĐV trong đội kéo co đã thể hiện sức mạnh vượt trội khi đoạt 6 bộ huy chương ở cả 6 nội dung thi đấu. Giám đốc Trung tâm Phát triển thể thao quần chúng tỉnh Nguyễn Xuân Trung cho biết: “Phong trào luyện tập TDTT của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua có bước phát triển mới cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hoạt động TDTT thường xuyên được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức từ 3-4 giải thể thao; cấp huyện, thị xã và thành phố bình quân mỗi đơn vị tổ chức từ 5-10 giải. Các hoạt động thể thao đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”.

Giải Đua thuyền truyền thống (tổ chức trên Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông  Ana) diễn ra mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm.
Giải Đua thuyền truyền thống (tổ chức trên Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) diễn ra mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 3 Liên đoàn, 5 Hội, 8 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện; 587 Nhà Văn hóa và khu thể thao thôn, buôn; 271 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 9 bể bơi, 50 sân quần vợt, 71 sân cầu lông, đá cầu; 782 sân bóng chuyền, 103 bàn bóng bàn... Sự đa dạng của hệ thống thi đấu TDTT từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thể thao, cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức trực tiếp các giải đấu của đông đảo quần chúng nhân dân. Đáng chú ý, tỉnh đã khôi phục các trò chơi dân gian mang tính truyền thống dân tộc tại một số địa phương như: Đua thuyền truyền thống (huyện Krông Ana, Ea Súp, Cư Kuin), môn Vật truyền thống (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc), đua Voi, đi Cà kheo, Đẩy gậy, Bắn nỏ... Những hoạt động trên nhằm bảo tồn, phát triển thể thao truyền thống và nâng cao sức khỏe, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong tỉnh, góp phần tích cực trong việc thu hút người dân tham gia hoạt động TDTT lành mạnh. Cùng với đó, công tác xã hội hóa TDTT đã được duy trì và có bước đổi mới qua việc phối hợp với nhiều ban, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các giải thể thao phong trào như: Giải đua Thuyền truyền thống trên Hồ Sen huyện Krông Ana và giải Bóng chuyền tỉnh Đắk Lắk do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ, giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc do Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn tại Đắk Lắk tài trợ, giải Quần vợt nữ 8-3 do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk tài trợ, ngày chạy Olympic vì sức khỏe cộng đồng do Ngân hàng Vietcombank tài trợ, giải Việt dã chạy vì sức khỏe cộng đồng do Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Đắk Lắk tài trợ 100% kinh phí…

Cùng với những kết quả trong các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng đã giành được thành tích đáng khích lệ. Trong năm 2015, Đắk Lắk đã cử các đoàn VĐV tham gia 31 giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế. Kết quả, đạt 89 Huy chương các loại (24 HCV, 36 HCB, 29 HCĐ). Ngoài ra, còn có 14 VĐV được phong cấp Kiện tướng quốc gia và 24 VĐV khác đạt Cấp I quốc gia. Tại SEA Game 28 trên đất Singapore, Đắk Lắk có 2 VĐV tham gia và đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 2 HCV và 1 HCB. Đánh giá về thành tích của thể thao Đắk Lắk, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: “Số lượng huy chương đạt được vẫn chưa phản ánh đúng với tiềm năng phát triển của địa phương. Một vài năm trở lại đây, ngành TDTT đã có những bước rà soát bám sát các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu SEA Game và Olympic để hướng tới tranh tài ở đấu trường lớn (Đắk Lắk hiện đã có đội tuyển Bắn cung, Bắn súng, Rowing). Trước mắt, Ngành đang tập trung vào một số môn thế mạnh như: Điền kinh, Cử tạ, Boxing, Kick-Boxing, Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền Rowing, Karatedo... để chuẩn bị lực lượng tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018”.

Hiện nay, số người luyện tập TDTT thường xuyên chiếm 26,51% dân số, số hộ gia đình thể thao chiếm 16,28%. Vì vậy, có thể nhận thấy, với bước tiến vững chắc, số lượng VĐV ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, thể thao tỉnh nhà có thêm sức mạnh, niềm tin đề vươn tới những “mùa vàng” cả ở lĩnh vực thể thao quần chúng cũng như thể thao thành tích cao.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.