Multimedia Đọc Báo in

EURO "sau lũy tre làng"

11:52, 11/07/2016
Không ồn ào, náo nhiệt, cũng không có điều kiện để được thưởng thức các trận bóng đá đỉnh cao tại những địa điểm sang trọng như nhiều người dân nơi phố thị, nhưng người hâm mộ môn thể thao “Vua” vùng nông thôn cũng thể hiện tình yêu với trái bóng tròn theo cách của riêng mình...
 
Mùa hè này, không khí từ vòng chung kết (VCK) giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016) tràn ngập khắp mọi nơi từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng bàn tán xôn xao những câu chuyện xoay quanh trái bóng tròn. EURO 2016 đang đi tới chặng đường cuối cùng và trong gần 1 tháng qua, người dân vùng sâu, vùng xa cũng đã có khoảng thời gian tuyệt vời mà 4 năm 1 lần họ mới có dịp được say đắm bên màn hình tivi, hòa mình với triệu triệu trái tim người hâm mộ trên toàn thế giới trong những trận bóng đỉnh cao. Theo lịch thi đấu tại VCK EURO năm nay, các trận đấu tại vòng đấu loại trực tiếp (từ vòng 1/8 trở đi), giờ bóng lăn chủ yếu vào thời điểm từ 11 giờ đêm hôm trước cho tới 4 giờ sáng ngày hôm sau. 
 
Sau giờ làm việc mệt nhọc ngoài đồng, tối đến những người có chung niềm đam mê với trái bóng tròn thường tập trung tại nhà một thành viên nào đó để được “cháy” hết mình với các trận cầu sôi nổi bên trời Âu. Cái khác giữa không khí bóng đá nơi miền quê và phố thị chính là người hâm mộ nơi đây được xem bóng đá bên những nồi ngô luộc, lạc luộc hay những tiếng í ới gọi nhau đi xem, những câu chuyện quanh ấm chè xanh nóng hổi. Và thật thú vị làm sao khi được nghe các “bình luận viên” của thôn, xóm phân tích, bình luận trận đấu và đưa ra một số nhận định. Các chuyên gia “chân đất” mặc dù không nhớ rõ tên cũng như đặc điểm của từng cầu thủ, từng đội bóng nhưng cũng bình luận khá sôi nổi, đôi khi cũng xảy ra những cuộc cãi vã kịch liệt nhưng sau đó lại vui vẻ, hòa đồng. Thế mới biết tình yêu bóng đá của người dân quê lớn đến nhường nào và dường như bóng đá còn là “sợi dây” gắn kết tình cảm giữa những người quê với nhau…

Anh Nguyễn Hữu Hiệp (thôn Điện Tân, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cho biết:“EURO lần này quy tụ 24 đội bóng mạnh nhất “lục địa già”, cùng với đó là sự góp mặt của những “ngôi sao” bóng đá nổi tiếng thế giới tham gia tranh tài trong màu áo đội tuyển quốc gia. Hơn nữa, giải đấu 4 năm mới diễn ra 1 lần, vì vậy sẽ là phí phạm nếu không theo dõi các trận đấu. Khổ nỗi, quả bóng EURO 2016 lăn theo giờ châu Âu, trái ngược với giờ giấc người Việt. Tuy nhiên, với người nông thôn chúng tôi có lợi thế hơn so với thành phố bởi đa phần là dân lao động nên có thể sắp xếp công việc đồng áng hợp lý để tận hưởng niềm vui bên trái bóng. Chẳng hạn như hôm nào thức thâu đêm xem bóng đá, sáng hôm sau có thể ngủ bù mà không phải lo gì. Công việc nhà nông nay không làm thì ngày mai hoặc ngày mốt làm, rảnh lúc nào làm lúc đó”. Anh Phan Hữu Thế, công nhân Nông trường Cao su Cư M’gar là tín đồ của môn thể thao “Vua”, vì vậy để vừa hoàn thành công việc vừa được thưởng thức bóng đá, khi màn đêm buông xuống anh đi ngủ sớm, đặt sẵn đồng hồ hẹn giờ đến khi trận đấu diễn ra. Khi trận bóng kết thúc, anh tranh thủ đi cạo mủ và xong việc thì về nhà… ngủ bù. Còn với nhóm thanh niên trẻ như anh Lê Văn Hoàng (thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), để “giết” thời gian trong khi chờ đến giờ bóng lăn, anh và nhóm bạn hay tụ tập lại và tổ chức trò chơi giải trí như đánh bài tiến lên hay chơi cờ tướng. “Để cho không khí thêm sôi nổi, khi trận đấu diễn ra, bọn em thường chia ra hai phe rồi “bắt độ” trận đấu bằng một vài gói mỳ tôm hay gói kẹo, chai nước ngọt… để “bồi dưỡng” sức khỏe để thức đêm xem bóng đá” - anh Hoàng chia sẻ. Dù mỗi người mỗi cách xem EURO nhưng chung quy lại đó là tình yêu bất tận với trái bóng tròn, sống hết mình với niềm đam mê.

Có thể thấy, EURO không chỉ giúp người dân thôn quê tạo sự hứng khởi vui tươi trong cuộc sống mà còn là “sợi dây” gắn kết giúp tình cảm ngày càng bền chặt hơn. Những câu chuyện về bóng đá dường như khiến mọi mệt nhọc của công việc hàng ngày tiêu tan, những giọt mồ hôi kèm theo nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt như chứng minh một điều tình yêu bóng đá với người dân quê là rất lớn.
 
Thế Hùng

Bài, ảnh: Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.