Multimedia Đọc Báo in

Người "thuyền trưởng" tận tâm với nghề

09:43, 06/01/2017

Hơn 30 năm gắn bó với bóng đá Đắk Lắk từ thời còn là cầu thủ đến khi trở thành “thuyền trưởng” của đội tuyển bóng đá tỉnh, Huấn luyện viên (HLV) Trần Phi Ái đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cùng những kỷ niệm buồn-vui với đội bóng.

HLV Trần Phi Ái sinh năm 1969 tại Thừa Thiên - Huế nhưng theo gia đình lập nghiệp trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió từ nhỏ. Khi bước vào độ tuổi thanh niên, với tài năng chơi bóng thiên bẩm, ông khởi đầu sự nghiệp cầu thủ bằng việc thi đấu cho đội tuyển bóng đá Đắk Lắk tại giải hạng Nhất quốc gia. Với lối chơi đậm chất kỹ thuật cùng nền tảng thể lực sung mãn, ông được các chuyên gia đánh giá là mẫu cầu thủ đa năng, công-thủ toàn diện. Vì thế, trong các trận đấu chính thức, ông luôn được Ban huấn luyện xếp đá chính ở vị trí tiền vệ tấn công. Rất nhiều đội bóng muốn có ông trong đội hình, nhưng đã xem Đắk Lắk như quê hương thứ 2 nên trong khoảng thời gian hơn 10 năm thi đấu thể thao đỉnh cao, ông chỉ duy nhất khoác trên mình màu áo của đội bóng Đắk Lắk.

HLV Trần Phi Ái hướng dẫn các cầu thủ luyện tập.
HLV Trần Phi Ái hướng dẫn các cầu thủ luyện tập.
 

HLV Trần Phi Ái là người giản dị, chân thành và tâm huyết với nghề. Dường như tất cả những đam mê chơi bóng từ khi còn trẻ đến khi cầm quân đều được anh dốc hết vào những bài tập cho học trò. Với cầu thủ, anh ấy luôn nghiêm khắc trên sân tập nhưng lại hết sức nhẹ nhàng, tận tình khi khuyên nhủ, bảo ban nên được cầu thủ trẻ rất quý mến. 

 

 
Ông Võ Thành Danh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Trưởng đoàn bóng đá Đắk Lắk 

Đến năm 2003, đội tuyển bóng đá Đắk Lắk bất ngờ rớt xuống giải hạng Nhì quốc gia, Trần Phi Ái cũng giã từ sự nghiệp “quần đùi áo số” chuyển sang mảng đào tạo trẻ. Ông luôn chịu khó học hỏi và dồn cả tâm huyết cùng kiến thức mình có được để uốn nắn, trui rèn những “viên ngọc sáng” cho bóng đá Đắk Lắk. Vừa làm tốt vai trò của một nhà tuyển trạch, huấn luyện trẻ, ông không ngừng nâng cao kiến thức bóng đá, hoàn thành bằng HLV hạng C của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Với kinh nghiệm nhiều năm chơi bóng cho Đắk Lắk nên khi lên cầm quân, ông hiểu từng tính cách, lối chơi của các học trò bởi đa phần cầu thủ của đội bóng là người địa phương, trưởng thành từ lớp năng khiếu, giúp ông dễ dàng truyền đạt lối chơi, “thổi lửa” vào từng cầu thủ.

Ở mùa giải 2009, Trần Phi Ái được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao quyền HLV Trưởng đội tuyển bóng đá Đắk Lắk thi đấu tại giải hạng Nhì quốc gia và niềm vui đến với ông khi đưa đội bóng lên sân chơi chuyên nghiệp - giải hạng Nhất Quốc gia năm 2013. Mùa đầu tiên ở sân chơi chuyên nghiệp, HLV Trần Phi Ái trao lại ghế “thuyền trưởng” cho HLV Lư Đình Tuấn để làm trợ lý và kết thúc mùa giải với chiếc vé trụ hạng.

Mùa bóng 2014 và 2015, sau khi chia tay HLV Lư Đình Tuấn và Phan Tôn Lợi, ông lại lãnh trọng trách chèo lái con thuyền bóng đá Đắk Lắk vượt qua sóng gió, trụ hạng thành công. Với cương vị HLV Trưởng, hiện ông đang quyết tâm cùng bóng đá Đắk Lắk hướng tới mùa giải 2017 với khí thế mới, mạnh mẽ hơn, thành công hơn. Cầu thủ Danh Lương Thực, Đội trưởng đội tuyển bóng đá Đắk Lắk cho biết: “Thầy Ái là người rất tâm lý, giỏi chuyên môn. Trước mỗi trận đấu, thầy không đặt nặng vấn đề thành tích, chỉ động viên cầu thủ khi vào trận nỗ lực hết mình, đá với tinh thần thoải mái nhưng tuân thủ chiến thuật chặt chẽ, cố gắng hướng tới một kết quả tốt”.

Câu nói "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" thật đúng với HLV Trần Phi Ái khi sự nghiệp gắn liền trái bóng tròn với biết bao thăng trầm. Những gì ông đem lại cho bóng đá Đắk Lắk hiển hiện bằng kết quả thi đấu cùng sự yêu mến của các thế hệ cầu thủ dành cho người “thuyền trưởng” tận tâm với nghề.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.