Multimedia Đọc Báo in

Chuyện "ao làng" ở SEA Games!

15:00, 26/08/2017

Kể từ năm 1977, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được tổ chức định kỳ 2 năm/lần và các quốc gia trong khu vực luân phiên đăng cai. Đây thực sự là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp được thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời làm “bàn đạp” để tiến xa hơn ở những giải thể thao mang tầm vóc châu lục và thế giới.

Bên cạnh mặt nổi bật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể thao khu vực, SEA Games vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế bởi căn bệnh “chạy theo thành tích”. Cụ thể là hầu như quốc gia nào khi đăng cai tổ chức cũng đưa ra quy định theo hướng có lợi cho mình từ việc chọn môn thi đấu thế mạnh đến công tác tổ chức, trọng tài…

SEA Games 29 đã và đang diễn ra trên đất nước Malaysia, bên cạnh niềm vui chung thì vẫn còn đó những câu chuyện “dở khóc, dở cười”, như ở môn thể thao vua (bóng đá) - bộ môn được xem là quan trọng nhất tại SEA Games, khi đội chủ nhà Malaysia đưa ra thể thức bốc thăm kỳ quặc với mục đích chính là mang lại lợi thế cho đội bóng của họ và dĩ nhiên tất cả các quốc gia còn lại đều phản ứng, không đồng tình nên phải hủy bỏ.

Tâm điểm của kiểu làm mang nặng “bệnh thành tích” là trận đấu vòng bảng môn Cầu mây nữ giữa chủ nhà Malaysia và Indonesia (diễn ra ngày 21-8). Trong séc đấu thứ 2, khi đội khách Indonesia đang tạm dẫn chủ nhà Malaysia tỉ số 16-10 (séc thi đấu đầu tiên Malaysia thắng tỉ số 22-20), trong một tình huống phát cầu, trọng tài cho rằng VĐV Indonesia phạm luật. Ban huấn luyện và VĐV đội Indonesia liền lao vào sân phản ứng gay gắt vì cho rằng họ không hề phạm luật và bị “xử ép”. Sau thời gian phân bua nhưng không thay đổi được quyết định trên, toàn đội Indonesia đã có hành động thiếu chuyên nghiệp khi bỏ cuộc chơi và “khăn gói” ra về, nhường phần thắng cho chủ nhà!

Chưa bàn đến chuyện đúng, sai ở tình huống này nhưng rõ ràng cách hành xử của đội tuyển cầu mây nữ Indonesia đã gây nên hiệu ứng không tốt đối với một giải đấu mang tính chuyên nghiệp cao. Đành rằng, phản ứng của VĐV khi bị trọng tài “phủ nhận” kết quả, khiến bao nhiêu công sức luyện tập hàng năm trời “trôi sông” được người trong nghề cảm thông. Tuy nhiên, đã là VĐV chuyên nghiệp, khi chấp nhận cuộc chơi phải tuân thủ quy định của Ban tổ chức, trọng tài điều hành trận đấu. Khi trận đấu diễn ra, bất kể lý do gì đi chăng nữa, VĐV cũng phải thi đấu đến khi trận đấu kết thúc, sau đó có đơn kiến nghị để có hình thức xử lý sau, không có chuyện tự ý rời bỏ giải như vậy.

Những vấn đề tồn tại của SEA Games trong nhiều năm qua được lý giải là do căn bệnh thành tích đã “ăn mòn” tinh thần thể thao cao thượng. Cũng chính vì sân chơi “ao làng” thiếu tính chuyên nghiệp nên thể thao Đông Nam Á luôn được coi là vùng trũng của thể thao thế giới. Đến bao giờ SEA Games mới thực sự trở thành sân chơi mà các VĐV Đông Nam Á làm nền tảng để hướng xa hơn đến tầm châu lục và thế giới vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng!

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.