Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm tài năng

10:17, 24/09/2017

Nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em yêu thích bộ môn bóng đá rèn luyện, phát triển năng khiếu, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá cộng đồng Đắk Lắk đã ra đời và trở thành sân chơi, điểm hẹn yêu thích được nhiều thiếu niên, nhi đồng say mê trái bóng tròn tìm đến…

Đều đặn vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, 3 sân bóng mi ni tại địa chỉ 121 Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột), nơi CLB đang sinh hoạt lại trở nên náo nhiệt, sôi động bởi hơn 50 cầu thủ có độ tuổi từ 11 - 15 đến luyện tập. Bắt đầu một buổi tập là màn khởi động chuyên môn, chạy phối hợp vận động, căng cơ, tiếp đến là phần tập kỹ thuật, dẫn bóng, đá lồng, tâng bóng, tập đảo người, chạy suốt đường cọc chiến thuật, vượt chướng ngại vật trên đường chạy, dứt điểm vào khung thành… lần lượt các bài tập được các em thực hành nghiêm túc. Quá trình các em tập luyện, Huấn luyện viên Cao Hoàng Tín (Trường Năng khiếu thể dục thể thao) chăm chú theo dõi, kịp thời hướng dẫn, làm mẫu những động tác kỹ thuật khi các em thực hành chưa chuẩn. Đối với các em vừa mới tham gia vào CLB, bước đầu làm quen với quả bóng tròn sẽ được truyền đạt những kỹ năng cơ bản, như: giữ bóng, đệm lòng, chuyền bóng cho nhau… Buổi tập kết thúc trong không khí sôi nổi khi huấn luyện viên chia cầu thủ làm 2 đội cho các em tranh tài cùng nhau.

Cầu thủ CLB bóng đá cộng đồng Đắk Lắk luyện kỹ thuật cá nhân.
Cầu thủ CLB bóng đá cộng đồng Đắk Lắk luyện kỹ thuật cá nhân.

 

Vị huấn luyện viên gắn bó, tâm huyết với quả bóng tròn Dương Nam đang ấp ủ ước mơ, tập trung đào tạo, tuyển chọn, bổ sung cầu thủ vào đội tuyển U11 Đắk Lắk, với khát vọng đưa Đắk Lắk trở lại thời hoàng kim như khi đã từng vô địch lứa tuổi này vào các năm 2003, 2008 và 2012.

Anh Dương Nam, cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá Đắk Lắk, người sáng lập CLB, đồng thời là huấn luyện viên bóng đá thiếu niên, nhi đồng tỉnh cho biết: xuất phát từ thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu sân chơi để các em thiếu niên, nhi đồng đam mê môn thể thao vua này tập luyện một cách bài bản, chuyên nghiệp nên anh đã đứng ra thành lập CLB, với mục tiêu phát hiện, đào tạo những cầu thủ thực sự có năng khiếu, bổ sung nguồn cho đội tuyển U11 và U13 của tỉnh. Chính vì vậy chất lượng huấn luyện, đào tạo được anh Dương Nam quan tâm, đặt lên hàng đầu. Các huấn luyện viên, trợ lý tham gia huấn luyện tại CLB là những người có chuyên môn về bóng đá, tốt nghiệp các trường đại học thể dục thể thao. Khi tham gia sinh hoạt tại CLB, các em được hướng dẫn, đào tạo những kỹ thuật cơ bản, theo đúng giáo trình chuyên nghiệp, bởi thế nhiều em khi mới tham gia có cảm giác như chương trình hơi bị quá tải, song với niềm đam mê cháy bỏng, khát khao trở thành những tài năng trong tương lai, các em cũng vượt qua những khó khăn, hoàn thành các bài tập. Em Lý Văn Cổ, cầu thủ đang tập luyện tại CLB cho biết: “Em muốn sau này trở thành một cầu thủ giỏi nên đã đăng ký sinh hoạt tại CLB, được các thầy dạy cách chơi bóng cơ bản, trình độ kỹ thuật của em ngày càng được cải thiện, nâng cao”. Với em Nguyễn Trọng Quang Vinh thì kỳ vọng, CLB sẽ là nơi chắp cánh, giúp em hiện thực hóa ước mơ làm cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai.

Song song với việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật, để giúp các cầu thủ nhí có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, hình thành tư duy chiến thuật, ý thức tinh thần đoàn kết, lối chơi đồng đội, CLB đã tổ chức nhiều trận đấu giao hữu với các đội bóng của nhiều địa phương khác. 

Có thể nói, trong bối cảnh công tác đào tạo bóng đá trẻ trên địa bàn tỉnh còn một khoảng trống, chưa thật sự mang lại hiệu quả, chất lượng như mong muốn thì mô hình xã hội hóa của CLB bóng đá cộng đồng Đắk Lắk là cách làm hay, bước tạo đà vững chắc nhằm đào tạo, bổ sung nguồn cầu thủ tài năng cho các đội tuyển bóng đá trẻ của tỉnh, hướng đến mục tiêu gặt hái những thành tích cao hơn ở đấu trường trong nước. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.