Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng đội tuyển điền kinh nữ Đắk Lắk

09:21, 06/09/2020

Cùng với các bộ môn kick boxing, boxing thì điền kinh nữ là bộ môn “sưu tầm” được huy chương cho thể thao thành tích cao của tỉnh nhà từ đầu năm đến nay. Tấm huy chương đó được kỳ vọng là bước tạo đà cho điền kinh nữ Đắk Lắk sau một thời gian dài im tiếng.

Vận động viên góp công lớn, đem về tấm Huy chương Bạc ở bộ môn được mệnh danh là "nữ hoàng thể thao" cho Đắk Lắk là Nông Thị Hường. Gương mặt trẻ, sinh năm 2000 đến từ huyện Cư M’gar đã xuất sắc cán đích ở vị trí thứ nhì, cự ly 21 km tại Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong năm 2020 - giải đấu uy tín, lâu đời nhất của làng điền kinh Việt Nam. Tấm huy chương này khẳng định sự tiến bộ vượt bậc, ghi nhận thành quả, những nỗ lực tập luyện của Nông Thị Hường, bởi trước đó cũng tại giải này năm 2019 em chỉ đoạt huy chương Đồng. Đây cũng chính là phần thưởng xứng đáng cho thầy trò Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy sau 5 năm củng cố lại đội tuyển, rèn quân, tập luyện.

Các vận động viên nữ tập bài tập xuất phát.
Các vận động viên nữ tập bài tập xuất phát.

Đội tuyển điền kinh nữ Đắk Lắk hiện có quân số khá khiêm tốn, chỉ gồm 4 vận động viên: Nông Thị Hường, Thái Thị Kim Ngân, Nông Thị Quỳnh Như và Ngô Thị Minh Thảo. Tất cả các em đều được chính Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy tuyển chọn qua các Hội khỏe Phù Đổng, đưa lên đội tuyển từ năm 2015 mà không phải qua khâu đào tạo năng khiếu trẻ, bởi phát hiện các em có những tố chất đặc biệt, phù hợp với điền kinh.

Đơn cử như tài năng trẻ, sinh năm 2002 Thái Thị Kim Ngân đến từ huyện Ea Kar. Sở hữu thể hình thanh mảnh, sức dẻo dai, nước rút tốt, tay đua này được tập trung đào tạo ở cự ly 5 – 10 km và giành được một số thành tích ở các giải đấu như Huy chương Đồng (năm 2018), Huy chương Vàng của Giải vô địch điền kinh các lứa tuổi trẻ quốc gia 2019. Đây là động lực để vận động viên từng được triệu tập lên đội trẻ quốc gia tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tập luyện trên hành trình chinh phục đỉnh cao. Hiện Ngân đang được gửi huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng để tập luyện, thử sức ở nội dung đi bộ.

 
"Trong bối cảnh khan hiếm vận động viên cho các môn thể thao thành tích cao, nhất là môn điền kinh bởi sự khắc nghiệt, phải tập luyện trong môi trường, điều kiện nắng gió thì 4 tay đua có tố chất phù hợp với bộ môn này rất gắn bó, siêng năng tập luyện và tiến bộ mỗi ngày là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy điền kinh Đắk Lắk trong tương lại sẽ tìm lại vị thế của mình".
 
Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy

Trong khi đó, chị cả Nông Thị Hường được Ban huấn luyện kỳ vọng hơn cả. Ở cái tuổi sung sức nhất của quãng đời vận động viên (20 tuổi), với kỹ thuật tương đối hoàn thiện, thể lực sung mãn, cộng thêm sức bền nên Hường được chuyển từ cự ly 5 - 10 km sang cự ly bán marathon. Em nhanh chóng phát huy sở trường của mình, mà minh chứng cụ thể là tấm huy chương đổi màu liên tục trong 2 năm 2019 và 2020 trước sự cạnh tranh khốc liệt của các vận động viên đỉnh cao cả nước khi tất cả đều muốn vinh danh ở cự ly này. Nông Thị Hường cũng lọt vào tốp 10 vận động viên leo núi xuất sắc của Giải việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá (Bình Phước) năm 2019. Theo đánh giá của Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy thì với thái độ chuyên nghiệp, chăm chỉ trong tập luyện, giữ nếp sinh hoạt điều độ, tập trung hoàn toàn cho chuyên môn, Nông Thị Hường sẽ còn tiến xa, giúp điền kinh Đắk Lắk gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa trong tương lai.

Với hai vận động viên Nông Thị Quỳnh Như và Ngô Thị Minh Thảo (đều SN 2006), hai gương mặt rất trẻ cũng được ban huấn luyện kỳ vọng, định hướng trong chiến lược đào tạo dài hơi để các em có thể đạt được điểm rơi phong độ tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2026. Việc thường xuyên cho các em thử sức tại các giải đấu để đánh giá kết quả chuyên môn, tạo cơ hội thi đấu cọ xát bước đầu cho thấy hai em có sự tiến bộ rất đáng kể, trước mắt sẽ được thử sức tại Giải vô địch điền kinh các lứa tuổi trẻ diễn ra định kỳ hằng năm.

Thầy trò Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy (giữa) vui vẻ sau mỗi buổi tập luyện vất vả.
Thầy trò Huấn luyện viên Đặng Hoàng Thúy Vy (giữa) vui vẻ sau mỗi buổi tập luyện vất vả.

Đáp lại sự kỳ vọng của ban huấn luyện, các vận động viên đang chuyên tâm, quyết tâm vượt khó tập luyện. Đều đặn  hằng ngày không kể thời tiết nắng mưa, 5 giờ sáng các em đã ra sân, chinh phục cự ly 15 km. Phía trước vinh quang đang vẫy gọi, chờ đón đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để bước chạy của các em nhanh hơn, mạnh hơn, thần tốc hơn.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.