Multimedia Đọc Báo in

Giải hạng Nhất quốc gia 2021: Nhiều biến động trước mùa giải mới

14:37, 19/02/2021

Dù chưa xác định chắc chắn thời gian khởi tranh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Giải hạng Nhất quốc gia 2021 đã có nhiều biến động sau khi một số đội bóng buộc phải rút khỏi giải đấu chỉ xếp sau V-League 1 vì những khó khăn về tài chính.

Gia Định là đội bóng đầu tiên có đơn xin rút khỏi mùa bóng 2021 và được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấp nhận. Ở mùa giải 2020, đội bóng đến từ thành phố mang tên Bác thi đấu tại Giải hạng Nhì và xuất sắc vượt qua Công an Nhân dân với tỷ số tối thiểu 1-0 trong trận play off tranh tấm vé thăng hạng. Niềm vui lên hạng chưa lâu thì câu lạc bộ này đã gửi văn bản lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xin rút lui với lý do là chưa đáp ứng được 2 tiêu chí quan trọng của một câu lạc bộ chuyên nghiệp, bao gồm: sân thi đấu chưa đạt chuẩn và chưa có các đội trẻ, lực lượng kế cận.

Với lý do chính đáng này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấp nhận cho Gia Định rút lui và tiếp tục thi đấu tại Giải hạng Nhì 2021 trong thời gian chờ đợi đội đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn bị lực lượng đào tạo theo như các quy định. Liên đoàn cũng quyết định điền tên Câu lạc bộ Công an Nhân dân thay thế cho Gia Định.

Phía sau hai nguyên nhân trên, người hâm mộ cũng như giới chuyên môn dễ dàng nhận ra lý do Gia Định xin rút khỏi Giải hạng Nhất quốc gia 2021 là do những khó khăn về tài chính, bởi kinh phí tối thiểu để duy trì đội bóng đang chơi ở giải này là 15 tỷ đồng, chưa kể tiền đầu tư sân bãi theo đúng các tiêu chuẩn cũng như chi phí để đào tạo đội ngũ, lực lượng trẻ kế cận. Thông tin Gia Định chính thức bỏ cuộc được xác nhận chỉ sau vài tuần giành vé thăng hạng đã khiến người hâm mộ bóng đá cả nước không khỏi bất ngờ, hụt hẫng.

Một pha tranh bóng của cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk (áo vàng) trong trận gặp Tây Ninh mùa giải 2020.
Một pha tranh bóng của cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk (áo vàng) trong trận gặp Tây Ninh mùa giải 2020.

Sóng gió tại Giải hạng Nhất quốc gia 2021 chưa dừng lại khi thông tin đội bóng đã 15 năm góp mặt là Tây Ninh cũng có đơn xin rút lui. Công ty Cổ phần bóng đá Tây Ninh thẳng thắn đưa ra nguyên nhân là bởi khó khăn tài chính, nguồn thu từ tài trợ, quảng cáo không đáp ứng đủ chi phí tối thiểu 15 tỷ đồng/năm theo Điều lệ giải. Chắc chắn Tây Ninh sẽ vắng mặt ở mùa giải 2021, bởi tại lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu Giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia 2021 vừa diễn ra, Tây Ninh không có tên trong danh sách 13 đội bóng tham gia, gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ, Công an Nhân dân, Đắk Lắk, Huế, Khánh Hòa, Long An, Phố Hiến, Phù Đổng, Phú Thọ và Quảng Nam .

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam đã từng xảy ra nhiều cuộc “đào tẩu”, bỏ giải của các đội bóng khi vừa mới được thăng hạng hoặc vừa bị xuống hạng. Thực trạng này cho thấy các câu lạc bộ bóng đá nước nhà vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp như đúng nghĩa của nó, chưa thể “lấy bóng đá nuôi bóng đá” mà hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các doanh nghiệp hoặc sống nhờ “bầu sữa” ngân sách địa phương.

Và tất nhiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn, rút hoàn toàn hoặc chỉ tài trợ một phần thì đội bóng lâm vào cảnh khó khăn, không thể duy trì, nuôi câu lạc bộ, trong khi ngân sách không đủ bổ sung, cáng đáng cho phần còn lại thì câu lạc bộ xin bỏ giải. Hậu quả sau khi một đội bóng bỏ giải là rất lớn, đẩy toàn bộ cầu thủ, ban huấn luyện vào tình cảnh thất nghiệp, chỉ một số ít có trình độ, năng lực, chuyên môn tốt mới tìm được bến đỗ mới ở các đội bóng khác để duy trì sự nghiệp.

Sâu xa hơn, phía sau sự bỏ cuộc của các đội bóng phản ánh thực trạng giải đấu chưa thực sự hấp dẫn, thiếu khả năng thu hút, sự gắn bó lâu dài của các nhà tài trợ và khán giả - hai nguồn thu quan trọng giúp đội bóng không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương cấp hằng năm. Cứ mỗi khi gặp khó, một đội bóng bỏ giải thì sức cạnh tranh giữa các đội bóng lại kém đi, các khán đài lại thưa vắng khán giả, các nhà tài trợ càng không mặn mà với giải, câu lạc bộ lại thất thu, ngày càng khó khăn... Mong sao bóng đá Việt Nam sẽ không còn tình cảnh này.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.