Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Trung - Mỹ: Tìm kiếm sự cân bằng mới

16:04, 29/05/2010

Một loạt thỏa thuận từ biến đổi khí hậu đến năng lượng, y tế cùng bản ghi nhớ thỏa thuận khung về quan hệ đối tác trong lĩnh vực môi trường... được xem là thành quả nổi bật nhất trong "Cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ vòng hai" vừa khép lại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 25-5.

Song, nếu nhìn một cách toàn diện, kết quả này vẫn chỉ là một phần trong nỗ lực kiếm tìm sự cân bằng mới của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ vừa bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng sau khi Tổng thống Barack Obama (tháng 2-2010) đồng ý bán lô vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan - thương vụ vũ khí lớn thứ hai giữa Mỹ và Đài Loan trong vòng 2 năm trở lại đây - cùng một loạt lệnh áp thuế chống bán phá giá của Mỹ với nhiều mặt hàng của Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước đứng trước không ít thử thách. Vì thế, cuộc đối thoại này (lần đầu tiên có sự tham gia của 200 quan chức thuộc 40 bộ và cơ quan ngang bộ hai nước) được cả hai bên kỳ vọng góp phần khơi thông những bế tắc trên.
Nhìn vào bản đề xuất 5 điểm chính mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ trước thềm cuộc gặp như: Tôn trọng các lợi ích cơ bản và những mối quan tâm chính của nhau; tuân thủ các quy định được quốc tế công nhận trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế và giải quyết hòa bình các vấn đề nóng của khu vực thông qua đối thoại và thương lượng... có thể thấy, cuộc đối thoại đã kết thúc trong dang dở khi hai bên vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - một trong hai nội dung quan trọng nhất của cuộc đối thoại - đã không đạt được bất cứ tiến bộ nào. Thậm chí hai bên còn chưa thể đạt được nhất trí về việc Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc.
Những bất đồng trong quan hệ kinh tế Trung - Mỹ từ lâu không còn mới mẻ. Giống như cuộc đối thoại lần thứ nhất (vào tháng 7 - 2009), một vấn đề gai góc trong quan hệ Trung - Mỹ được đề cập là tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) nhưng hai bên vẫn không thể đưa ra được bất kỳ tuyên bố nào xung quanh đồng tiền này. Lập trường cứng rắn của hai bên về đồng NDT một lần nữa cho thấy, cho dù quan hệ Trung - Mỹ có nhiều lợi ích ràng buộc, nhưng để đạt được sự đồng thuận trong vấn đề sống còn của nền kinh tế giữa hai nước thật không đơn giản chút nào.
Điểm nhấn quan trọng thứ hai trong đối thoại lần này là cuộc gặp quân sự cấp cao Trung - Mỹ lần đầu tiên kể từ khi Trung Quốc đình chỉ một phần hoạt động giao lưu, trao đổi quân sự với Mỹ sau thương vụ vũ khí của Đài Loan. Trung Quốc một lần nữa khẳng định, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vẫn là trở ngại lớn nhất trong quan hệ quân sự giữa Bắc Kinh và Washington. Với Trung Quốc, sự tôn trọng của Mỹ đối với các lợi ích và mối quan tâm chính của Trung Quốc sẽ là "chìa khóa" để nối lại đầy đủ quan hệ quân sự song phương.
Dù sao đi chăng nữa, cuộc đối thoại vừa khép lại vẫn được gọi là "thành công" trên phương diện nào đó như khẳng định của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Điều quan trọng là nó cho thấy sự sẵn sàng của đôi bên vì những lợi ích chung. Sự xích lại gần nhau của mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với sự ổn định của hai nước, mà còn góp phần duy trì hòa bình, phát triển của khu vực cũng như trên thế giới. Trong thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay, hợp tác kinh tế Trung - Mỹ được thúc đẩy còn góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của nền kinh tế khu vực và thế giới. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: Những mâu thuẫn, bất đồng còn tồn tại trong quan hệ Trung - Mỹ là tự nhiên bởi tình hình đất nước của Trung Quốc và Mỹ khác nhau. Vấn đề quan trọng là hai bên cần tôn trọng và chiếu cố đến lợi ích cốt lõi cũng như mối quan tâm lớn của nhau nhằm không ngừng tăng cường tin cậy lẫn nhau. Điều này cho thấy, một cuộc đối thoại thôi chưa đủ để hóa giải mọi bất đồng trong quan hệ Trung - Mỹ. Song, sự kiện này đã khẳng định rằng, đây là một cơ chế hữu hiệu giúp hai bên tăng cường hiểu biết và nhận thức chung về mọi vấn đề cần quan tâm.
Có nhiều lý do khiến quan hệ Trung - Mỹ ngày càng gần gũi nhau hơn trên các diễn đàn quốc tế, khu vực về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, trong thế giới đa cực, khi sự phụ thuộc lẫn nhau đã trở thành quy luật tồn tại và phát triển, cả Trung Quốc và Mỹ buộc phải tính đến sự phát triển chung của hai nước. Trong đó, cuộc kiếm tìm cân bằng mới trong quan hệ Trung - Mỹ như đang diễn ra sẽ tác động đa chiều trên bình diện toàn cầu.

Theo HNM

 


Ý kiến bạn đọc