Multimedia Đọc Báo in

Còn đâu “thiên đường” châu Âu

19:10, 04/11/2010
Các vụ đánh bom bằng bưu kiện tại nhiều nước châu Âu từ mấy ngày qua vẫn tiếp diễn và lan rộng ra nhiều địa điểm, gây mối lo ngại lớn về an ninh tại châu lục này.

Tối 3-11, một số bộ phận tại sân bay Glassgow ở Scotland đã phải sơ tán sau khi các nhân viên an ninh sân bay phát hiện một thùng hàng khả nghi tại khu vực kiểm tra an ninh đối với hành khách trước khi lên máy bay. Riêng tại Hy Lạp, chỉ trong 3 ngày (kể từ ngày 1-11), có 13 bưu kiện đáng ngờ, trong đó 11 bưu kiện được xác định bên trong có chất nổ và đã phát nổ, được phát hiện, phần lớn tại các trụ sở cơ quan ngoại giao của các nước châu Âu ở Athens.
Sân bay Glasgow (Scotland) đã phải sơ tán khẩn cấp sau khi nhân viên an ninh phát hiện một kiện hàng khả nghi
Sân bay Glasgow (Scotland) đã phải sơ tán khẩn cấp sau khi nhân viên an ninh phát hiện một kiện hàng khả nghi
Theo các chuyên gia an ninh châu Âu, làn sóng đánh bom bằng bưu kiện cho thấy phạm vi hoạt động của các tổ chức cực đoan ở Hy Lạp đã “leo thang” từ trong nước ra nước ngoài. Chiến dịch này cũng cho thấy “lỗ hổng” an ninh trong các hệ thống chuyển phát quốc tế. Những kẽ hở an ninh của châu Âu đã được giới chuyên gia cảnh báo cách đây không lâu khi mà hàng loạt chính phủ các nước thành viên đồng loạt triển khai chính sách “thắt lưng buộc bụng” để cắt giảm chi tiêu nhằm đối phó với nạn thâm hụt ngân sách. Trong các lĩnh vực bị cắt giảm chi tiêu, lĩnh vực quốc phòng cũng không bị loại trừ. Chỉ trong năm nay, chi phí an ninh - quân sự của hầu hết các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý… đã tụt xuống dưới mức của năm 2008. Chi phí dành cho an ninh không đủ đã tạo điều kiện cho bọn khủng bố tận dụng các kẽ hở để dò đường tấn công châu Âu. Trước khi đối mặt với làn sóng khủng bố bằng bom thư, châu Âu cũng đã phải đối mặt với làn sóng những cuộc biểu tình, đình công dai dẳng và bạo lực của hàng triệu người lao động phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng” của các chính phủ. Hầu hết, chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa có chính sách dứt điểm để thoát khỏi khủng hoảng.
Có thể nói những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nợ công đang nhấn chìm châu Âu. Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng “suy nhược”, thì hệ thống an ninh cũng “mất sức đề kháng”, xã hội xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các nước ở châu lục này đã bày tỏ lo ngại đặc biệt trước làn sóng đánh bom mới kể trên, đồng thời kêu gọi nâng cao cảnh giác trước các mối đe dọa khủng bố và phối hợp hành động giữa các nước trong khối cũng như quốc tế nhằm đối phó với những âm mưu đánh bom nguy hiểm.
Một kẻ tình nghi bị bắt giữ tại Athens
Một kẻ tình nghi bị bắt giữ tại Athens
Trong tuyên bố đưa ra tại Brussels ngày 3-11, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ cùng với Bỉ, nước chủ tịch đương nhiệm của EU, triệu tập một cuộc họp đặc biệt của các chuyên gia về an ninh hàng không các nước thành viên EU trong ngày 4-11 để bàn các biện pháp đối phó với những đe dọa đánh bom bằng bưu kiện diễn ra liên tiếp trong những ngày qua. Ủy ban châu Âu nhấn mạnh rằng EU sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Canada, Australia thực hiện siết chặt hơn nữa các quy định về an toàn hàng không. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi tăng cường và phối hợp quốc tế thực hiện kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vận tải hàng không. Bộ trưởng Nội vụ các nước Anh và Pháp cũng tuyên bố chính phủ các nước này sẽ tăng cường đầu tư cho những nỗ lực chống khủng bố nhằm ngăn chặn các âm mưu khủng bố ngay từ bên ngoài. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Italia tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra về vụ gói bưu kiện có chất nổ từ Athens (Hy Lạp) được ghi gửi đến Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, nhưng đã bị nhà chức trách nước này phát hiện và chặn lại từ sân bay Bologna (Italia) ngày 2-11.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc