Liên minh châu Âu năm 2010: Một năm nợ nần chồng chất và bất ổn xã hội
Tình hình tài chính ảm đạm, nợ nần chồng chất, cắt giảm chi tiêu và bất ổn xã hội đang là thách thức đối với Liên minh châu Âu. Dư luận đang bàn đến tương lai của đồng euro. Một năm sau khi chính thức có hiệu lực, Hiệp ước Lisbon lại được đưa ra bàn bạc để sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng dài hạn. Có thể nói, 2010 là năm ảm đạm đối với EU.
Châu Âu đang trải qua mùa Giáng sinh trong cái lạnh tê người, nhưng đường phố lại nóng bởi các cuộc biểu tình, đình công, để phản đối tình trạng thất nghiệp, cắt giảm ngân sách mà nguyên nhân là từ sự trì trệ của nền kinh tế, từ khủng hoảng nợ công khởi đầu từ Hy Lạp. Tháng 5 vừa qua, Athens đã đứng bên bờ vực phá sản vì “núi” nợ công và chỉ tạm được cứu thoát nhờ gói cứu trợ 110 tỷ euro (tương đương 145 tỷ USD) phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, Athens phải thực hiện một chương trình cải cách kinh tế hà khắc, bao gồm cắt giảm chi tiêu trong khu vực nhà nước và tăng thuế, đồng thời phải chịu sự giám sát hằng quý từ IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thế nhưng, chính việc chậm tìm được tiếng nói chung để giải cứu Hy Lạp đã khiến cuộc khủng hoảng nợ công lan “như cháy rừng” sang các nước Bồ Đào Nha, Italy, Ireland và cả Bỉ. Ireland, quốc gia từng được xem là hình mẫu thành công trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, cuối tháng 11 vừa qua đã buộc phải chấp nhận gói trợ giúp 85 tỷ euro (tương đương 50% GDP của mình) từ EU và IMF để củng cố tài chính công và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Còn Tây Ban Nha, dù Thủ tướng J.Zapatero khẳng định nước này có kế hoạch đảm bảo để không phải cứu trợ từ bên ngoài và tỷ lệ nợ của Tây Ban Nha đối với GDP vẫn thấp hơn mức trung bình của EU. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nếu nước làng giềng Bồ Đào Nha theo chân Hy Lạp và Ireland, xứ Bò tót cũng khó cầm cự được lâu dài bởi Tây Ban Nha hiện không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Bồ Đào Nha mà còn là chủ nợ lớn nhất của nước này với tổng nợ nắm giữ lên tới 78 tỷ USD.
Cùng với khủng hoảng nợ công là tình trạng thất nghiệp. Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở khối sử dụng đồng euro đã đạt đến mức kỷ lục trong 12 năm qua là 10,1%. Tỷ lệ này đạt đến 20% tại Tây Ban Nha và thấp hơn ở một số nước khác như Đức (7,5%), Hà Lan (4,4%). Thất nghiệp, đời sống suy giảm, sự thất vọng đối với chính sách kinh tế kém hiệu quả là nguyên nhân của các cuộc xuống đường, đình công và cả bạo lực thời gian qua tại các nước trong khối EU. Và hậu quả là các cuộc khủng hoảng chính trị liên hoàn.
Các chính phủ châu Âu đang đau đầu trước việc giải quyết nợ, đồng thời không gây ảnh hưởng tới người lao động. (Nguồn: Internet) |
Thủ tướng Ireland, sau khi nhận gói cứu trợ 85 tỷ euro để thoát khỏi thảm cảnh vỡ nợ, đã buộc phải chấp nhận một cuộc bầu cử trước thời hạn. Chưa hết, ngày 30-11 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero đã bị giáng một đòn mạnh khi Đảng Xã hội cầm quyền bị “thảm bại” trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tại vùng Catalonia giàu có của xứ sở bò tót. Đây là kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử 32 năm tồn tại và phát triển của Đảng Xã hội Tây Ban Nha. Các cuộc biểu tình, đình công cũng xảy ra như cơm bữa tại các nước được cho là vững vàng của EU như: Pháp, Anh, Đức. Nếu như nước Pháp rung chuyển vì các cuộc đình công của hàng trăm ngàn người để phản đối kế hoạch cải cách hưu trí tăng độ tuổi nghỉ hưu, thì Anh, dù không nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, cũng đang nóng lên vì các cuộc biểu tình của sinh viên tại nhiều thành phố của nước này nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu, tăng mức học phí lên gấp đôi do Chính phủ đề xuất và được Hạ viện chấp thuận.
EU năm 2010 đứng trước thách thức lớn về mặt xã hội, chính trị và đặc biệt là kinh tế. Những bất đồng trong cách thức duy trì sự hồi phục kinh tế, cũng như vượt qua khủng hoảng nợ đã cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng trong EU. Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu hiện nay đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế châu Âu, làm mất lòng tin vào đồng tiền chung euro, khiến một số nước, trong đó có Slovakia nghĩ đến việc rút khỏi khu vực đồng tiền chung EU và quay lại sử dụng đồng nội tệ.
Chính bởi vậy, trong cuộc họp giữa tháng 12-2010, Liên minh châu Âu đã buộc phải thông qua đề xuất viết lại Hiệp ước Lisbon nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng dài hạn, thành lập quỹ ổn định thường xuyên khu vực đồng Euro. Lịch trình của quá trình sửa đổi Hiệp ước Lisbon sẽ được thông qua vào tháng 3-2011 sau các cuộc tham vấn giữa các bên. Sự đồng thuận giữa các nước liên quan đến việc viết lại Hiệp ước Lisbon là niềm an ủi cuối năm đối với EU, nhưng nó chưa đủ để giải quyết khủng hoảng, bất ổn xã hội vẫn đang tồn tại trong khu vực này, chưa đủ để thay đổi màu xám của bức tranh toàn cảnh của EU.
Ý kiến bạn đọc