Multimedia Đọc Báo in

Báo động về tình trạng săn trộm tê giác ở châu Phi

07:09, 22/08/2011

Cho tê giác ăn ở khu bảo tồn thiên nhiên Mauricedale ở Malelane, Nam Phi. Sừng của chúng đã bị cắt đi để ngăn chặn những kẻ có ý định săn trộm.
Tê giác đang được nuôi dưỡng tại khu bảo tồn thiên nhiên Mauricedale ở Malelane, Nam Phi. Sừng của chúng đã bị cắt đi để ngăn chặn những kẻ có ý định săn trộm.
Theo các nhà chức trách Nam Phi, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 265 con tê giác bị săn trộm, tính ra trung bình một ngày có hơn một con bị giết. Con số này cho thấy năm 2011, số lượng tê giác bị săn trộm có lẽ sẽ vượt con số 333 con của năm ngoái. Trong khi đó, cả năm 2007 chỉ có khoảng 13 con tê giác bị sát hại.

Nguyên nhân của tình trạng săn trộm tê giác gia tăng là do người ta tin rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư và nhiều căn bệnh nan y khác. Đặc biệt nhu cầu mua sừng tê giác tăng rất cao từ những khách hàng nhiều tiền lắm của ở Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, những nhóm săn trộm ngày càng sử dụng nhiều phương tiện tinh vi như: trực thăng, thuốc an thần, áo giáp, thiết bị quan sát trong đêm... để truy tìm dấu vết của tê giác. 
 
Sau khi chặt sừng của một con tê giác, bọn săn trộm thường để cho con vật chảy máu đến chết. Sừng tê giác được chuyển lậu ra khỏi Nam Phi bởi một nghiệp đoàn quốc tế. Giá của sừng tê giác hiện nay là 35.000 bảng Anh/kg (ước khoảng hơn 1,2 tỷ đồng/kg), đắt hơn cả vàng! 
 
Tình trạng săn trộm gia tăng đã khiến nhiều nhân viên lâm nghiệp phải vũ trang để chống lại bọn săn trộm. Theo thống kê của Hiệp hội Các công viên quốc gia Nam Phi, năm nay chỉ riêng ở Công viên quốc gia Kruger đã có tới 17 kẻ săn trộm bị tiêu diệt bởi những người bảo vệ rừng trong khi cả năm ngoái chỉ có 15 người. Một số chủ sở hữu tê giác chuyển sang thuê bảo vệ là những cựu nhân viên quân sự. Ông Tom Milliken, Giám đốc mạng lưới giám sát việc buôn bán động vật hoang dã ở đông và nam châu Phi, cho biết: “Những kẻ được vũ trang tận răng đã đột nhập vào tận những khu vực được bảo vệ để giết  hại tê giác. Tình trạng này khiến việc bảo vệ tê giác đang phải đối mặt với những thách thức và việc chống trả săn trộm bằng súng được nhiều người chọn lựa. Việc này đang tạo ra một cuộc chiến tranh tê giác ở Nam Phi”.  
 
Hiệp hội Các công viên quốc gia Nam Phi thì cho rằng giải pháp cứng rắn của họ đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong việc chống bọn săn trộm trong hai tháng qua. Năm nay, cảnh sát đã thực hiện 131 vụ bắt giữ liên quan đến các vụ săn trộm tê giác. Hồi đầu tháng này, hai người Việt Nam đã bị kết án 10 năm và 8 năm tù sau khi sừng tê giác được tìm thấy trong hành lý của họ tại sân bay Johannesburg. 
Theo ước tính, hiện nay ở châu Phi còn khoảng 25.000 con tê giác; trong đó ở Nam Phi có khoảng 20.800 con (gồm 19.000 con tê giác trắng và 1.800 con tê giác đen). Tiến sĩ Joseph Okori, Giám đốc Chương trình tê giác châu Phi của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới, cho biết: “Chúng tôi tin rằng tình trạng săn trộm tê giác đang ở mức đáng báo động. Nhu cầu mua bán sừng tê giác và giá trị của sừng tê giác đang gia tăng có thể khiến việc săn tê giác ngày càng ráo riết hơn”.
 
Ông Okori cũng cho biết, tuần trước, tại Hội nghị về Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật nguy cấp (CITES) được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), các nước châu Phi đã đưa ra cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ tê giác và đã thành lập một bộ phận thực hiện việc này. Ông Oko cho rằng nếu không có những hành động quyết liệt ngăn chặn tình trạng săn trộm thì tê giác sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. 
 
Hải Như ( Theo Guardian)
 

Ý kiến bạn đọc