Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu vật vã đối phó với “bão nợ công”

11:37, 19/08/2011

Ngày 16-8, trong khuôn khổ của cuộc gặp cấp cao Pháp – Đức, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành châu Âu, tại điện Elysee. Cuộc thảo luận này không chỉ nhằm khắc phục “cơn bão nợ công” mà còn tìm giải pháp đưa các nước châu Âu thoát khỏi “cơn lốc khủng hoảng xã hội”.

Không còn đủ sức khống chế khủng hoảng nợ công
Trong cuộc gặp diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thành lập một “chính phủ cộng đồng” để giúp đỡ 17 thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giải quyết khủng hoảng nợ. Các nước eurozone phải thông qua luật cân bằng ngân sách đến giữa năm 2012 để ổn định tình hình tài chính trong nước.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso cho rằng Liên minh châu Âu (EU) không còn đủ sức khống chế khủng hoảng nợ công. Đây là cảnh báo đầy bi quan của về tình hình kinh tế châu Âu hiện nay. Thậm chí, ông còn cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ tiếp tục nhấn chìm các nền kinh tế lớn tại châu lục này và đẩy thế giới vào một thời kỳ suy thoái mới.

Khủng hoảng nợ công không còn gói gọn ở Hy Lạp mà đã lan sang các nước Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và mới nhất là Ý- nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu. Có những ý kiến còn cho rằng, những khó khăn tài chính ở Ý và Tây Ban Nha thậm chí còn có thể lan tới những quốc gia hàng đầu khác của EU như: Đức với tổng nợ công 2.000 tỷ euro, tương đương 82% GDP; Pháp 1.600 tỷ euro, tương đương 92% GDP; Anh 1.300 tỷ euro, tương đương 80% GDP.

Trước thực tế không thể dập tắt căn bệnh nợ công nguy hiểm, các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh… buộc phải triển khai các chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, với hy vọng không phải đi theo vết xe đổ của những nước láng giềng. Trước đó, để tránh nguy cơ tiếp tục rơi vào tình trạng vỡ nợ Hy Lạp buộc lòng chấp nhận thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ, để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai, bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân.

Vẫn chưa có lời giải tốt cho nợ công ở châu Âu. (nguồn: Internet)
Vẫn chưa có lời giải tốt cho nợ công ở châu Âu. (nguồn: Internet)
Chính sách thắt lưng buộc bụng gây bức xúc
Chính sách thắt lưng buộc bụng nhiều nước châu Âu đưa ra nhằm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công. Nhưng việc áp dụng chính sách này hiện đang gây ra quá nhiều khó khăn cho dân chúng, đặc biệt là khi các chính phủ cắt giảm các chương trình an sinh xã hội, đầu tư, giáo dục, chăm sóc y tế, làm nảy sinh tâm trạng bất mãn, gây nên tình trạng bất ổn xã hội. Sự cắt giảm đó đã gây ra hậu quả làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và giảm công ăn việc làm, khiến những vấn đề nhức nhối trong xã hội càng trầm trọng thêm. Hàng vạn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại hàng loạt các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đức…

Cuộc bạo loạn ở Anh là làn sóng bạo động mới nhất tại châu Âu. Bác bỏ khẳng định của Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng đây chỉ là vấn đề thuộc phạm vi đạo đức, báo Guardian nhận định ông Cameron đã nhìn nhận một cách quá giản đơn. Trên thực tế, làn sóng biểu tình ở Anh đã xuất hiện từ cuối năm 2010 khi chính phủ mạnh tay cắt giảm kinh phí giáo dục. Đến tháng 8 năm nay, cuộc bạo động đã bùng nổ khi nạn thất nghiệp tràn lan, kinh tế khó khăn, khoảng cách giàu nghèo nới rộng.

Các chuyên gia phân tích nhận định, những người biểu tình đổ ra đường vì họ cho rằng hệ thống chính trị hiện tại không đáp ứng được nguyện vọng của người dân, chỉ phục vụ lợi ích các nhóm đặc quyền, đặc lợi. Dân chúng chỉ trích rằng chính các ngân hàng phương Tây, các thể chế tài chính mới là những kẻ cướp phá, khi yêu cầu chính phủ rót tiền cứu trợ, khắc phục hậu quả do họ gây ra. Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo của chính phủ đã dẫn tới việc quốc gia phải ngập trong nợ nần, để rồi bắt người dân phải è cổ dưới gánh nặng thắt lưng buộc bụng.

Phát biểu mới nhất của Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Largarde trên tờ Financial Times đã cảnh báo các chính phủ không nên cắt giảm chi tiêu để tránh làm nổ ra một cuộc suy thoái mới và kìm hãm sự hồi phục kinh tế.

Theo SGGP

 


Ý kiến bạn đọc