Khó đạt được sự đột phá trong đàm phán hạt nhân Iran
Tối 18-2, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) khởi động vòng đàm phán tiếp theo tại Thủ đô Vienna (Áo) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài và toàn diện cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Đây là vòng đàm phán cấp cao đầu tiên giữa các bên, kể từ khi đạt được thỏa thuận sơ bộ lịch sử tháng 11-2013 ở Geneva (Thụy Sĩ).
Vòng đàm phán được khởi động bằng cuộc họp toàn thể kéo dài 45 phút và được các bên đánh giá là tích cực. Các quan chức Mỹ và Iran sau đó có cuộc gặp riêng rẽ khoảng 80 phút. Phát biểu sau cuộc gặp, trưởng đoàn đàm phán Mỹ Wendy Sherman cho biết, các cuộc đối thoại rất hữu ích, tập trung vào các vấn đề hướng đến một thỏa thuận toàn diện. Hai bên đang thảo luận từng chi tiết của thỏa thuận tạm thời để giúp nó hoạt động hiệu quả.
Một vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 |
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định, Iran sẵn sàng soạn thảo một hiệp định loại bỏ hoàn toàn những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của mình. Nếu hai bên có thể nhất trí chương trình nghị sự trong 2 và 3 ngày tới, đây sẽ là các bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận toàn diện.
Lợi ích sẽ rất nhiều nếu hai bên tổ chức thành công các cuộc đàm phán, giúp giải tỏa những bất đồng kéo dài nhiều năm qua giữa Iran và phương Tây, ngăn chặn một cuộc chiến tranh Trung Đông, tạo xung lực kinh tế mới cho phương Tây và Iran.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Iran đều không đặt nhiều hy vọng sẽ đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán lần này. Phát biểu trước thềm các cuộc đàm phán, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố ủng hộ các cuộc đối thoại với nhóm P5+1, nhưng cho rằng, các cuộc đối thoại này sẽ không dẫn đến điều gì, đặc biệt trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức các nước Hồi giáo ở thủ đô Tehran ngày 18-2, Tổng thống Iran Rowhani tiếp tục kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này: “Áp đặt các biện pháp trừng phạt không công bằng và gây sức ép thực tế cũng là một hình thức bạo lực. Các biện pháp trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến người dân Iran mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của chính những người áp đặt các biện pháp trừng phạt”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã bày tỏ nghi ngờ thiện chí của Mỹ trong nỗ lực đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân ngay sau ngày đàm phán đầu tiên kết thúc.
Theo Ngoại trưởng Zarif, việc Chính phủ Mỹ thỏa luận về các lệnh trừng phạt mới với Iran trong những tháng gần đây đã khiến người Iran phải đặt câu hỏi liệu Mỹ có nghiêm túc trong các cuộc đàm phán. Theo ông Zarif, dù hiểu những đặc điểm chính trị tại Mỹ, song Iran không thể phớt lờ những gì đang diễn ra tại Mỹ trong 2 tháng qua. Song Ngoại trưởng Iran cũng nhấn mạnh, vẫn còn cơ hội để đạt được thỏa thuận, bởi các bên không còn lựa chọn nào khác và con đường duy nhất để giải quyết vấn đề là thông qua đàm phán.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, đây là một tiến trình đàm phán phức tạp, khó khăn và kéo dài và có lẽ hai bên sẽ không đạt được một thỏa thuận như mong muốn.
Những nhượng bộ từ hai bên có hiệu lực trong vòng 6 tháng và trong thời gian này, Iran và nhóm P5+1 sẽ đàm phán một thỏa thuận toàn diện nhằm xác định quy mô hoạt động hạt nhân có thể chấp nhận được dành cho Iran. Các nước phương Tây muốn thỏa thuận sắp tới có thể hóa giải những quan ngại của họ về việc Iran có thể sản xuất bom nguyên tử, trong khi Iran đặt mục tiêu chấm dứt những biện pháp trừng phạt đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Các cuộc thảo luận tiếp tục kéo dài trong 20-2.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc