Multimedia Đọc Báo in

Tuần hành ở nhiều nước phản đối bạo lực và ủng hộ nhân dân Pháp

11:02, 12/01/2015
Hơn 4 triệu người – một con số kỷ lục - đã xuống đường tại Pháp hôm 11-1, trong đó riêng ở thủ đô Paris là khoảng 1,3 triệu người, để tưởng niệm 17 nạn nhân vụ xả súng và hai vụ bắt cóc khủng bố. Trên khắp thế giới, phong trào xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Pháp cũng diễn ra đồng loạt tại nhiều nơi.
 
Từ trước đó nhiều giờ đồng hồ, người người từ khắp các ngả đường đã đổ về quảng trường Cộng hòa, đa số là đi tàu điện ngầm hoặc ôtô đến gần rồi đi bộ đến quảng trường. Con số người tham gia đạt mức ngoài sức tưởng tượng 1,3 triệu người, cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của Bộ Nội vụ Pháp là khoảng vài trăm nghìn người. Với lực lượng an ninh được tăng cường khoảng 5.500 cảnh sát và lính trong Paris và các vùng ngoại vi, các nhóm cấp cứu trực sẵn sàng, cuộc xuống đường lịch sử tại Paris đã diễn ra an toàn, không có sự cố lớn nào. Dẫn đầu đoàn tuần hành chính thức là gia đình, người thân của 17 nạn nhân của các vụ xả súng và bắt cóc do ba tên khủng bố tiến hành. Đi sau họ là hàng trăm nghìn người mang theo các dòng chữ “Tôi là Charlie”, họ cùng hát vang bài quốc ca Pháp và cùng dành những tràng vỗ tay không ngớt về phía các nhân viên an ninh có mặt tại đó. 
Người dân Pháp tập trung tại Quảng trường Republique (Paris).
Người dân Pháp tập trung tại Quảng trường Republique (Paris).
Có mặt trong cuộc tuần hành lịch sử cùng người Pháp là nhiều cộng đồng thuộc nhiều quốc gia khác nhau và đặc biệt là khoảng 50 nguyên thủ quốc gia các nước. Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có nguyên thủ các nước đạo Hồi và đạo Do Thái đã nắm chặt tay nhau dẫn đầu đoàn tuần hành tại Paris. Reuters dẫn lời các nhà bình luận cho biết đây là cuộc tuần hành lớn nhất tại thủ đô Paris kể từ sau lễ giải phóng thủ đô khỏi tay Phát xít Đức năm 1944. 
 
Tổng thống Francois Hollande, lãnh đạo các nước Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Israel và Palestine đã bắt đầu cuộc tuần hành từ Cung Cộng hòa và hòa mình cùng hàng triệu người dân Pháp. “Paris ngày hôm nay là thủ đô của thế giới. Toàn thể nhân dân Pháp sẽ đứng lên và thể hiện những điều tốt đẹp nhất”, Tổng thống Pháp Hollande nói. Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cùng 44 lãnh đạo các nước đã tham gia cuộc tuần hành. Bà Markel bước đi bên trái ông Hollande và Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita bước đi bên phải ông. Trong một khoảnh khắc xúc động rất hiếm khi thể hiện trước công chúng, ông Hollande đã ôm bà Merkel tại bậc thềm điện Elysee trước khi cả hai cùng tuần hành. 
 
Thủ tướng Italy Renzi khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu sẽ giành được thắng lợi cả về chính trị chứ không chỉ là kinh tế. “Điều quan trọng nhất là các giá trị về văn hóa và tư tưởng của châu Âu, và đó là lý do mà chúng ta có mặt tại đây”, ông Renzi nói. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng tham gia cuộc tuần hành và đi cách nhau vài bước. “Cũng giống như cách mà thế giới văn minh đang sát cánh cùng nước Pháp chống lại những kẻ khủng bố, thế giới cũng cần sát cánh cùng Israel trong việc này”, ông Netanyahu tuyên bố trong một buổi lễ tại một giáo đường Do Thái tại Paris.
Tuần hành tại Bỉ phản đối vụ tấn công, khủng bố tại Pháp. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Tuần hành tại Bỉ phản đối vụ tấn công, khủng bố tại Pháp. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã kết thúc cuộc tuần hành, Tổng thống Pháp Hollande đã dừng lại để động viên những người may mắn sống sót và các thân nhân trong vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Trong khi hàng trăm nghìn người vẫn tham gia tuần hành trong yên lặng tại các đường phố ở thủ đô Paris. "Chúng tôi sẽ không để một nhóm nhỏ những kẻ bịt kín mặt gây tổn hại đến cuộc sống của chúng tôi”, ông Fanny Appelbaum, 75 tuổi, nói và khẳng định: “Ngày hôm nay, chúng ta đang đoàn kết với nhau”. 

Trong khi đó, anh Zakaria Moumni, một người Pháp gốc Morocco, 34 tuổi, cũng đồng tình với điều này: “Tôi có mặt tại đây để cho những kẻ khủng bố biết rằng chúng vẫn chưa giành được chiến thắng. Việc chúng làm chỉ khiến những người thuộc mọi tôn giáo khác nhau xích lại gần nhau hơn”. 

Trong khi đó, người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo Pháp, Roger Cukierman cho biết, ông Hollande đã cam kết rằng các trường và các giáo đường của người Hồi giáo sẽ được tăng cường bảo vệ với sự có mặt của các binh sĩ Pháp nếu thấy cần thiết. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng tuyên bố, các bộ trưởng an ninh châu Âu đã nhóm họp ngày 11-1 và thống nhất các biện pháp hợp tác để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai. Ông Cazeneuve cũng kêu gọi việc thành lập một hệ thống dữ liệu về thông tin hành khách máy bay và khẳng định châu Âu cần phải lên tiếng chống việc sử dụng Internet để truyền bá những tuyên bố gây hận thù.
 
Tại nhiều nước trên thế giới cũng đã diễn ra các hoạt động tương tự phản đối bạo lực và ủng hộ nhân dân Pháp sau loạt vụ tấn công làm tổng cộng 17 người thiệt mạng tại nước này. 
Người dân Pháp đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân gần trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo.
Người dân Pháp đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân gần trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo.
Dưới khẩu hiệu bằng tiếng Pháp và tiếng Hà Lan "Cùng chống lại thù hận" chiều 11-1, khoảng 20.000 người Bỉ đã tham gia tuần hành tại thủ đô Brussels nhằm bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp. Tại trung tâm thủ đô Brussels, đoàn người giơ cao biểu ngữ tiếng Pháp "Je Suis Charlie" (Tôi là Charlie) hoặc những tấm ápphích bằng tiếng Anh "Freedom of speech" (Tự do ngôn luận). Nhiều người cầm theo biểu tượng cái bút và quyển sổ, là những vật dụng bất ly thân của phóng viên. Cuộc tuần hành tại thủ đô Brussels do Tổ chức Phóng viên chuyên nghiệp (AJP) tổ chức, quy tụ sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, họa sĩ, phóng viên, công đoàn viên, giới chủ, hiệp hội chống sự bài ngoại và chủ nghĩa chủng tộc, đại diện các đảng phái chính trị của Bỉ và Pháp. Kết thúc cuộc tuần hành, những người tham gia đã ký kiến nghị thư kêu gọi toàn thế giới xóa bỏ hận thù, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và hãy sống khoan dung. Cùng ngày, nhiều cuộc tuần hành ủng hộ tòa soạn báo Charlie Hebdo và nhân dân Pháp cũng diễn ra tại thành phố Gent và Verviers của Bỉ.
 
Còn tại Canada, 25.000 người đã xuống đường trong cuộc tuần hành tại hai thành phố nói tiếng Pháp Montreal và Quebec để tỏ tình đoàn kết với nước Pháp và tưởng niệm 17 nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố vừa qua. Đoàn người giương cao cờ Canada, Pháp và tỉnh Quebec, cùng hô vang khẩu hiệu "Tôi là Charlie". Hoạt động tuần hành cũng diễn ra tại các thành phố Vancouver, Toronto và Ottawa của Canada.
 
Thủ đô London của nước Anh bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp bằng cách "khoác áo xanh-trắng-đỏ" cho tất cả các danh lam thắng cảnh của thành phố theo màu quốc kỳ Pháp. Việc "tô màu" nhờ hệ thống đèn rọi cho các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô Anh được bắt đầu từ 23:00 (giờ Hà Nội) ngày 11-1, cùng giờ với cuộc tuần hành ở thủ đô Paris nước Pháp, và kéo dài trong 1,5 giờ. Sau đó tất cả mọi đèn công cộng đều được tắt, thể hiện sự tưởng niệm đối với các nạn nhân xấu số.
 
Còn tại Paris, ngay trước cuộc tuần hành phản đối chủ nghĩa khủng bố, Bộ trưởng Nội vụ các nước châu Âu tham dự đã nhóm họp và ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi tăng cường kiểm soát tại biên giới giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước ngoài khối, cũng như đấy mạnh hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm ngăn chặn những trang mạng quảng bá cho tư tưởng cực đoan. Ngoài ra, các bộ trưởng Nội vụ cũng chỉ ra sự "cần thiết khẩn cấp" phải thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin giữa các sân bay trong khối về việc di chuyển của hành khách. 
Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng các nhà lãnh đạo thế giới vòng tay đoàn kết cùng đoàn người tuần hành ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng các nhà lãnh đạo thế giới vòng tay đoàn kết cùng đoàn người tuần hành ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Truyền thông Trung Đông cũng lên tiếng phản đối vụ thảm sát Charlie Hebdo ngày 7-1. Rất nhiều tờ báo Arab đã đăng tải các tuyên bố chính thức của quan chức các nước trong khu vực cho rằng vụ tấn công này là một thảm sát. Tờ Al-Sharq al-Awsat, một tờ nhật báo có trụ sở tại London, giật tít: “Paris: Vụ thảm sát tại một cuộc họp tòa soạn”. Trong khi đó, tại Algeria, hai tờ báo tư nhân El Khabar và Al-Fadjr đều cho rằng “đây là một vụ thảm sát giữa lòng Paris”. Tờ nhật báo Al-Yawm al-Sabi của Ai Cập thì lại cho rằng, “những kẻ khủng bố tại Pháp và châu Âu đã thành công trong việc phá vỡ hàng rào an ninh và tình báo tại đây”. Tờ báo này cũng bày tỏ lo ngại “không ai có thể được an toàn”. Trong một bài viết của mình, tờ Jerusalem Post của Israel nhận định: “Đường phố châu Âu và Pháp đang biến thành chiến trường của những kẻ Hồi giáo cực đoan và cuồng tín”. Tại Iran, nhật báo Sharq đã lên tiếng cho rằng, vụ xả súng tại Paris là một “vụ tấn công khủng bố” và bày tỏ lo ngại việc những tên phiến quân mang đã có thể sử dụng các loại vũ khí hạng nặng ngay giữa lòng thủ đô Paris. “Vụ việc này cho thấy, những kẻ mang hộ chiếu Pháp hoặc châu Âu có thể tiến hành các vụ tấn công như thế này ở bất cứ nước châu Âu nào”, tờ báo này cảnh báo. 
 
Các họa sĩ biếm họa tại Bắc Phi đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các đồng nghiệp của mình bị thiệt mạng trong vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charline Hebdo và cực lực lên án vụ sát hại này. Tờ Le Matin dẫn lời họa sĩ biếm họa nổi tiếng của nước này Ali Dilem lên tiếng cho rằng, vụ tấn công này là “vụ 11-9 nhằm vào những họa sĩ biếm họa”. Họa sĩ Ali Dilem đã đăng tải hai bức biếm họa trên trang Facebook của mình. Trong đó một bức là về tạp chí Charlie Hebdo và bức thứ hai có hình một người đàn ông viết những dòng chữ bằng máu: “Những kẻ ngu xuẩn đã giết chết tôi”. Biếm sĩ người Tunisia Nadia Khiari, người sáng tạo ra hình ảnh chú mèo Willis ở Tunis, đã vẽ bức hình chú mèo này nắm chặt một cây bút chì nhúng đầy máu với dòng chữ: “Ngày hôm nay các người có thể giết hại những người họa sĩ nhưng sẽ có một thế hệ những họa sĩ mới được sinh ra”. Trong khi đó, tờ nhật báo Al-Nahar của Lebanon lại lên tiếng cho rằng vụ xả súng tại Paris là “một vụ tấn công mới nhằm vào quyền tự do ngôn luận mà bản thân tờ Al-Nahar cũng đã từng phải hứng chịu vào năm 2005 khi hai nhà báo Gebran Tueni và Samir Kassir của chúng tôi bị ám sát”.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc