Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết khủng hoảng Ukraine, khôi phục quan hệ Nga-Đức

10:38, 12/05/2015
Ngày 10-5, trong chuyến thăm Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy giải pháp ngoại giao để giải quyết các bất đồng hiện nay và cam kết cùng nỗ lực vì sự hợp tác.
 
Trước khi hội đàm, Tổng thống Nga Vladimia Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ vô danh gần điện Kremlin. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng, bà rất hạnh phúc khi đến Moscow nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 để mặc niệm những nạn nhân vô tội, tưởng nhớ những người dân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc chiến. Bà Merkel cho biết: “Tôi đến Moscow trong giai đoạn khó khăn của quan hệ Nga – Đức. Điều quan trọng đối với tôi là vào dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, tôi được tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến này cùng với Tổng thống Putin”.
 
Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) cho biết trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin nhận định nhiều vấn đề tồn tại giữa Nga và Đức cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Trong khi đó, bà Merkel nhấn mạnh Nga và Đức cần tăng cường hợp tác hơn nữa trước tình hình phức tạp hiện nay, thúc đẩy giải quyết các bất đồng thông qua các kênh ngoại giao.
 
Phát biểu sau hội đàm với Tổng thống Putin, bà Merkel nhận xét vẫn chưa có một thỏa thuận ngừng bắn thực sự tại miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng xung đột bạo lực vẫn gia tăng. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố cần tổ chức bầu cử tại miền Đông Ukraine. Nhân danh cá nhân và thay mặt người đồng cấp Pháp Francois Hollande, bà Merkel bày tỏ sẵn sàng tiếp nối các nỗ lực theo hướng này. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, bà Merkel nói: "Có bốn vấn đề (cần làm ở miền Đông Ukraine) đó là về kinh tế, nhân đạo, xã hội và thông qua bầu cử địa phương. Việc tổ chức cuộc bầu cử địa phương cần dẫn đến việc bảo đảm kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới".  
 
Lãnh đạo Nga và Đức nhất trí thúc đẩy biện pháp ngoại giao giải quyết các bất đồng. (Nguồn: ZUMA PRESS)
Lãnh đạo Nga và Đức nhất trí thúc đẩy biện pháp ngoại giao giải quyết các bất đồng. (Nguồn: ZUMA PRESS)

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi Ukraine ngừng phong tỏa kinh tế khu vực Donbass, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cuộc việc đối thoại trực tiếp giữa các bên xung đột. Ông nói: "Giải pháp lâu dài và đáng tin cậy chỉ khả thi thông qua đối thoại trực tiếp giữa Kiev, Donetsk và Lugansk... Chúng tôi cho rằng cần phải ngừng phong tỏa kinh tế, khôi phục các quan hệ tài chính và ngân hàng và tiến hành sửa đổi hiến pháp với sự tham gia của các khu vực miền Đông Ukraine". Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý đây chính là những điều khoản trong các thỏa thuận Minsk và các bên phải thực thi những thỏa thuận này.

Việc Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu duy nhất đến thăm Nga trong dịp kỷ niệm 70 Ngày Chiến thắng Phát xít đã một lần nữa chứng tỏ những nỗ lực của nước Đức trong việc đóng vai trò gạch nối giữa Nga với phương Tây. Tuy nhiên 2 bên vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Mối quan hệ thương mại nhiều tỷ đôla với các liên kết năng lượng xuyên biên giới Nga - Đức đã trở nên xấu đi nhanh chóng sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga tháng 3 năm ngoái. Ngay trong cuộc gặp lần này, Thủ tướng Đức Merkel vẫn gọi đây là hành động “vi phạm luật pháp quốc tế”, là một “trở ngại nghiêm trọng” trong quan hệ Đức-Nga và là “một sự vi phạm nguyên tắc chung của hệ thống chính trị vì hòa bình ở châu Âu”. Đáp lại, Tổng thống Putin cũng thừa nhận, quan hệ Nga và Đức đang trải qua giai đoạn khó khăn vì những khác biệt trong việc đánh giá sự kiện ở Ukraine. Điều này khiến thương mại song phương trong năm 2014 lần đầu tiên giảm 6,5% trong vòng 5 năm qua.
 
Đúng như nhận định của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder tại một hội nghị mới đây có tên “Tất cả trên mặt trận phía Đông”, Nga và phương Tây không phải là kẻ thù và ông cho rằng cả hai bên cần duy trì quan hệ thân thiện với nhau vì lợi ích chung của cả thế giới. Theo chính trị gia kỳ cựu này, an ninh ở châu Âu có thể được đảm bảo khi hợp tác với Nga và không chống lại Nga. Cả hai bên cần xây dựng mối quan hệ đối thoại và hợp tác với nhau, nếu không châu Âu “sẽ không phải là một ngôi nhà an toàn cho chúng ta và các thế hệ tương lai”.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc