Multimedia Đọc Báo in

Xuất hiện bằng chứng về việc liên quân Arab sử dụng bom chùm ở Yemen

09:59, 05/05/2015
Yemen ngày càng lún sâu vào bất ổn và khủng hoảng khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 3-5 lên tiếng cáo buộc liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu thả bom chùm trong các cuộc không kích chống nhóm nổi dậy Houthi tại nước này. Bạo lực leo thang tại Yemen cũng khiến hàng triệu người không được tiếp cận đầy đủ các nguồn cung về điện, nước, thực phẩm cũng như các dịch vụ chăm sóc y  tế thiết yếu.
 
Theo Sputnik/AFP, trên trang web chính thức, HRW cho rằng liên minh các nước tiến hành chiến dịch quân sự tại Yemen đã sử dụng bom chùm sản xuất tại Mỹ khi không kích vào các vị trí của phiến quân Houthi. Theo hiệp ước năm 2008 có chữ ký của 116 quốc gia, bom chùm bị cấm sử dụng vì gây nguy cơ nghiêm trọng cho người dân do diện tích tàn phá lớn.  
 
Cảnh đống đổ nát của những căn nhà bị sập sau các vụ oanh tạc của liên quân chống phiến quân Houthi tại Sanaa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những căn nhà bị sập sau các vụ oanh tạc của liên quân chống phiến quân Houthi tại Sanaa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang web của HRW nhấn mạnh rằng qua các "hình ảnh, video và bằng chứng khác" xuất hiện vào giữa tháng 4 có thể thấy rằng lực lượng liên quân sử dụng bom chùm ở tỉnh Saada, miền Bắc Yemen. Giám đốc phòng vũ khí của HRW, ông Steve Goose cho biết: "Các cuộc không kích bằng bom chùm đã diễn ra tại các khu vực gần làng mạc địa phương, gây nguy cơ đe dọa dân thường". 

Cùng ngày, giao tranh vẫn diễn ra rất quyết liệt tại thành phố Aden. Lực lượng Houthi muốn giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này nên đã liên tục mở các đợt tấn công và vấp phải sự đáp trả của lực lượng quân sự trung thành với Tổng thống Yemen. Đụng độ diễn ra dữ dội nhất tại khu vực sân bay quốc tế của Aden. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác của Yemen như Taiz,  hay thủ đô Sanaa cũng chứng kiến giao tranh khốc liệt.
 
Cũng trong ngày 3-5, liên quân 8 nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã gửi bộ binh đến thành phố Aden, miền Nam Yemen để đối phó với lực lượng vũ trang Houthi, vốn theo Hồi giáo dòng Shiite.
 
Chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen của liên quân gồm 8 nước do Saudi Arabia đứng đầu được phát động kể từ hôm 26-3 vừa qua đang hứng chịu không ít chỉ trích. Mục đích ban đầu của chiến dịch này là nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đà tiến của lực lượng nổi dậy Houthi, tuy nhiên, số lượng dân thường thiệt mạng do các đợt không kích của liên quân ngày càng tăng. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, giao tranh tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, trong đó có hơn 500 dân thường vô tội. Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, đã có ít nhất 115 trẻ em thiệt mạng. 
 
Xung đột và chiến sự còn khiến người dân Yemen đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhiều người dân ở Sanaa đang xếp hàng dài trước các cửa hàng bánh mì, các máy nước hay các trạm nhiên liệu. Một người dân tại Sanaa cho biết: “Tình hình của chúng tôi, như bạn có thể thấy, chúng tôi đang bị khủng hoảng về nước, khủng hoảng về dầu diezen, khủng hoảng về khí đốt. Bây giờ thậm chí chúng tôi còn có một cuộc khủng hoảng ngay tại các cửa hàng bán bánh, nơi mọi người xếp hàng dài để chờ được mua bánh mì”.
 
Nhiều người dân Yemen cho biết, mọi mặt của đời sống đều bị ảnh hưởng kể từ khi liên quân do Saudi Arabia bắt đầu chiến dịch không kích tại quốc gia đầy bất ổn này. Thủ đô của Yemen không được cung cấp điện thường xuyên trong vài tuần qua. Một số người dân còn cho biết, điện gần như bị mất hoàn toàn. Nhiều người đang phải sử dụng đến các máy phát điện, tuy nhiên nguồn nhiên liệu cũng đang dần cạn kiệt. Ông Omar Abdel Malek, một chủ cửa hàng bánh mì cho biết: “Nếu chúng tôi không có dầu diezen trong tuần tới, cửa hàng của chúng tôi chỉ đủ hoạt động trong tuần này thôi và như vậy, có lẽ chúng tôi sẽ phải đóng cửa. Nhiều cửa hàng bánh ở đây cũng đã phải đóng cửa”. 
 
Một tay súng thuộc phiến quân Houthi tại khu vực bị không kích ở Yemen (Ảnh: Reuters.)
Một tay súng thuộc phiến quân Houthi tại khu vực bị không kích ở Yemen (Ảnh: Reuters.)

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn cản trở các hoạt động của các tổ chức từ thiện tại Yemen. Hôm 30-4 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc cho biết họ đã buộc phải rút khỏi tỉnh Hudaydah ở phía Tây Yemen vì không còn nhiên liệu và có thể họ sẽ phải rút khỏi những nơi khác. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cũng từng cảnh báo rằng, vấn đề thiếu nhiên liệu cũng như hạn chế nhập khẩu hàng hóa đã khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn trong hoạt động y tế của mình.

Trong một diễn biến liên quan, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ ngày càng quan ngại về chiến dịch can thiệp quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen cũng như về cách thức lập lại hòa bình tại quốc gia bị tàn phá do xung đột xuất phát từ tình trạng chia rẽ phe phái này. 
 
Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Nhà Trắng cũng quan ngại về số dân thường thương vong sau một tháng triển khai chiến dịch không kích của liên quân nhằm vào phiến quân Houthi tại Yemen. Dự kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể đến thăm Saudi Arabia vào tuần tới để thảo luận với giới chức chủ nhà về vấn đề trên, đồng thời thăm dò những động thái mới nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở Yemen. 
 
Ngoài ra, chuyến công du của ông Kerry cũng nhằm khởi động các nỗ lực trung gian hòa giải giữa lực lượng phiến quân Houthi dòng Hồi giáo Shiite và chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen lưu vong Mansour Hadi.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc