Multimedia Đọc Báo in

Eurozone khai thông thế bế tắc trong khủng hoảng nợ Hy Lạp

19:04, 14/07/2015
Sau cuộc họp nước rút đêm 12-7, hôm 13-7, các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt thỏa thuận khai thông bế tắc cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.
 
Theo thỏa thuận, Eurozone đồng ý sớm triển khai các cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 trị giá khoảng 86 tỷ euro dành cho Hy Lạp, nhằm kéo nước này khỏi bờ vực phá sản. Hãng tin Pháp AFP dẫn một nguồn tin châu Âu ngày 13-7 cho biết lãnh đạo các nước Hy Lạp, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt “thỏa hiệp” về một thỏa thuận cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp. Đề xuất này sau đó đã được chuyển tới lãnh đạo 19 nước Eurozone. 
Người dân Hy Lạp tại thủ đô Athens. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân Hy Lạp tại thủ đô Athens. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussel, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, sự nhất trí cao của các lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu đã mở đường để bà trình bày trước Quốc hội Đức về gói chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã tìm thấy được con đường để đi tiếp, nơi đó luôn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của châu Âu. Quyết định vừa nêu giúp không chỉ giải cứu đồng euro mà còn cho thấy được tinh thần đoàn kết của các thành viên trong khối cũng như là trách nhiệm của Hy Lạp cần phải thực hiện”.

Thủ tướng Đức cho biết, nhóm các Bộ trưởng đồng tiền chung euro cũng sẵn sàng kéo dài kỳ hạn vay nợ cho Hy Lạp ngay sau khi xem xét thành công gói đề xuất mới của Hy Lạp trong một vài ngày tới.
 
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ không xảy ra kịch bản Hy Lạp phải rời khỏi liên minh tiền tệ đồng euro. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã hoan nghênh “thái độ mang tính xây dựng” của Hy Lạp khi giúp khôi phục được lòng tin với các đối tác. Cơ chế bình ổn châu Âu ( ESM) đang sẵn sàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp. Ông Tusk nói: “Sau một đêm thảo luận, chúng tôi đã đạt được một thoả thuận về nợ Hy Lạp. Các nhà lãnh đạo trong khối Eurozone đã nhất trí được trên nhiều vấn đề. Bản thỏa thuận đó sẽ bao gồm nhiều nội dung trong đó hối thúc Quốc hội Hy Lạp sớm thông qua và sẽ ban hành về luật về một số vấn đề liên quan đến cải cách. Bằng cách đó, chúng tôi cũng sẽ làm việc để mang lại niềm tin trong quá trình đàm phán với Hy Lạp cũng như giữa các quốc gia thành viên”.
 
Ông Tusk cho biết thêm sau kết quả tích cực này các Bộ trưởng Tài chính Eurogroup sẽ bắt tay vào các cuộc đàm phán khẩn cấp để thảo luận về khoản vay bắc cầu cho Hy Lạp. Theo đề xuất của Nhóm các Bộ trưởng Tài chính euro (Eurogroup), Hy Lạp đang cần gấp một khoản tiền 19 tỷ euro để thanh toán các khoản nợ sắp tới hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
 
Hoan nghênh kết quả đạt được khi coi đây là bước đi củng cố niềm tin cho toàn khối, Chủ tịch Quỹ tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde nói: “ Các lãnh đạo Eurozone đã đạt được một bước tiến tốt đẹp giúp  xây dựng lại niềm tin và sẽ còn có nhiều bước đi như vậy nữa. Tôi tin chắc rằng điều đó sẽ được chứng minh bằng việc các bên thực hiện những gì đã được thỏa thuận. Tôi có cảm giác rằng, bước đi tích cực đầu tiên này đã xây dựng được niềm tin cho sự tăng trưởng. Giờ là lúc chúng ta triển khai các biện pháp đó và tiếp tục đi về phía trước”.
 
Theo giới quan sát, mặc dù đạt được một thỏa thuận khó khăn vơi các chủ nợ, song hiện Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đang chịu những sức ép lớn. Đó là trong vòng 2 ngày ông phải nỗ lực để thuyết phục được Quốc hội Hy Lạp thông qua được gói đề xuất mới của nước này.
 
Phản ứng trước những thông tin tích cực về giải quyết vấn đề nợ Hy Lạp, thị trường chứng khoán của châu Á, châu Âu đã ghi nhận sự tăng điểm đồng loạt tại phiên giao dịch hôm nay.
 
Trước đó, EU đã bất ngờ thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, dự kiến diễn ra trong ngày 12-7 để bàn về số phận của Hy Lạp do các bộ trưởng tài chính Eurozone vẫn phải tiếp tục các cuộc đàm phán khó khăn về gói cứu trợ mới cho Athens. 
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sau khi đạt một thỏa thuận với các lãnh đạo EU ở Brussels hôm 13-7 (ảnh: AP)
Thủ tướng Hy Lạp Tsipras sau khi đạt một thỏa thuận với các lãnh đạo EU ở Brussels hôm 13-7 (ảnh: AP)

Tuy nhiên, một quan chức Hy Lạp giấu tên nói rằng vẫn còn hai vấn đề lớn chưa ngã ngũ, đó là sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào chương trình cứu trợ trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và việc lập quỹ tín thác là tài sản nhà nước của Hy Lạp trị giá 50 tỷ euro.

Báo chí Đức dẫn bản Dự thảo Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ngày 12-7 cho biết khối này tính toán tới cuối tháng 8, Hy Lạp cần khoảng 19 tỷ euro cho nhu cầu tài chính ngắn hạn của nước này.
 
Theo dự thảo, Eurogroup kêu gọi Chính phủ Hy Lạp cần có thêm nhiều biện pháp vượt khỏi khuôn khổ những đề xuất cải cách hiện nay. Gói biện pháp đầu tiên cần được Quốc hội Hy Lạp thông qua trước ngày 16-7 để tăng cường lòng tin về tinh thần sẵn sàng cải cách của Chính phủ Hy Lạp.
 
Việc xúc tiến đàm phán về gói cứu trợ thứ ba sẽ chỉ được thực hiện khi Athens gắn với những cải cách như đã yêu cầu. Trong khi đó, việc xóa hay trừ nợ cho Hy Lạp không được nhắc tới trong bản dự thảo.
 
Eurogroup cũng dự định kéo dài việc hoãn trả nợ với thời hạn trả nợ dài hơn nhằm giải quyết "núi nợ" của Hy Lạp. Ngoài ra, Eurogroup cũng yêu cầu Hy Lạp củng cố hệ thống thuế quan của nước này nhằm nâng cao nguồn thu của nhà nước, thực hiện tự do hóa hơn nữa thị trường nội địa và thực thi các khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Bên cạnh đó, Hy Lạp cần đẩy mạnh việc tự do hóa thị trường lao động, củng cố lĩnh vực tài chính thông qua việc thực thi các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
 
Eurogroup tính toán Hy Lạp cần có 7 tỷ euro trong tháng 7 này và 12 tỷ euro trong tháng 8-2015. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số tiền này sẽ lấy từ đâu.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 
 
 

Ý kiến bạn đọc