Multimedia Đọc Báo in

Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự-kỹ thuật cho Syria

14:08, 16/09/2015
Theo Reuters và Sputnik, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-9 đã bảo vệ mạnh mẽ việc Moskva cung cấp viện trợ quân sự cho Chính phủ Syria, đồng thời cho rằng sẽ không thể đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi không có sự hợp tác của chính quyền Damascus.
 
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh an ninh do Moskva chi phối tại Tajikistan, ông Putin đã hối thúc các nước khác noi gương Nga và cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông Putin nói: "Chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống sự xâm lược của khủng bố. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự-kỹ thuật cần thiết cho Damascus... Nếu không có sự tham gia tích cực của chính quyền và quân đội Syria thì sẽ không thể đánh bật các phần tử khủng bố ra khỏi quốc gia đó nói riêng và cả khu vực nói chung".
 
Cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định đối thoại Nga-Mỹ là một nhân tố thiết yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. 
 
Trong khi đó, phát biểu với báo giới hôm 14-9, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng những lợi ích của Nga tại Syria không mâu thuẫn với lợi ích của các quốc gia khác, bởi Moskva chia sẻ những quan ngại tương tự về chủ nghĩa cực đoan. 
Xe tăng T-90 của Nga diễu binh trên quảng trường Đỏ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe tăng T-90 của Nga diễu binh trên quảng trường Đỏ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hai quan chức Mỹ cho biết, Nga đã điều 7 xe tăng T-90 đến khu vực sân bay Latakia ở Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis tuyên bố, những hành động gần đây của Nga cho thấy nước này đang có ý định thiết lập một trạm trung chuyển hàng không tại đây. Ngoài ra, Nga cũng đưa một số loại pháo đến khu vực này nhằm bảo vệ quân nhân Nga đang làm việc trong sân bay.
 
Trước đó, Reuters cũng tiết lộ rằng, Nga đã điều khoảng 200 lính thủy đánh bộ đến sân bay nói trên và xây dựng các khu nhà tạm, một trạm kiểm soát không lưu di động và một hệ thống phòng không. Bên cạnh đó, tuần trước, 2 chiếc máy bay quân sự chở hàng hóa của Nga cũng đã đến sân bay này. Một nguồn tin ngoại giao của Mỹ cho biết, Nga đang nâng cấp sân bay Latakia. “Có rất nhiều xe tải ra vào sân bay này. Có vẻ như đường băng trong sân bay không phù hợp với một số loại máy bay của Nga và họ đang tìm cách cải thiện tình hình”, nguồn tin này cho biết.
 
Trong một diễn biến liên quan, ngày 14-9, Tổng thống Pháp Francois Hollande có bài phát biểu bảo vệ quyết định của nước này mở rộng các cuộc không kích sang Syria nhằm vào IS.
 
Hồi đầu tuần trước, các máy bay Rafale của Pháp đã thực hiện những chuyến bay trinh sát đầu tiên tại quốc gia Trung Đông này.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là cần thiết và nước này đã thực hiện các chuyến bay trinh sát đầu tiên nhằm xác định các mục tiêu trong trường hợp cần thiết. “Chúng tôi là một phần của liên minh chống IS tại Iraq, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các  chuyến bay trinh sát để đánh giá khả năng không kích trong trường hợp cần thiết và điều này chắc chắn là cần thiết tại Syria. Chúng tôi đã chứng tỏ quyết tâm của mình thông qua các hành động tại khu vực Tây Phi”, ông Francois Hollande cho biết.
 
Tới nay, Pháp mới chỉ tham gia các chiến dịch không kích của liên quân quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng người di cư từ Syria ồ ạt đổ vào các nước láng giềng và châu Âu đã buộc ông Hollande phải có những thay đổi về chiến lược.
 
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian đã có phát biểu giải thích cho sự thay đổi này của nước Pháp. Theo ông Jean Yves Le Drian, đối với nước Pháp đây là một bước đi cần thiết bởi cuộc chơi đã thay đổi và quốc tế không thể tiếp tục để mặc Syria, vốn đã trở thành một trong những địa bàn  hoạt động chính của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trở thành  một “góc chết” trong chính sách Cận Đông.
 
Điều dư luận quan tâm là quyết định của Pháp lại được đưa ra đúng thời điểm chính phủ Mỹ cáo buộc Nga triển khai bộ binh tới Syria. Nga vốn lâu nay bị coi là đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những xung đột về lập trường giữa Nga và phương Tây đã “góp phần” đẩy cuộc khủng hoảng lún sâu hơn nữa vào bế tắc. 
Quân đội chính phủ Syria. (Ảnh: scrapetv.com)
Quân đội chính phủ Syria. (Ảnh: scrapetv.com)

Theo các nhà phân tích, quyết định của Pháp và sắp tới có thể là Anh can thiệp vào Syria không chỉ là nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhập cư chưa từng có tại châu lục, mà còn là nhằm hiện thực hóa mục tiêu buộc Tổng thống Syria al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Bộ Ngoại giao Syria mới đây cảnh báo, nước này ủng hộ các nỗ lực chống Nhà nước Hồi giáo nếu được tiến hành phối hợp với chính quyền Syria, song bất cứ các hành động nào khác đều sẽ là xâm phạm chủ quyền nước này.

Và đây cũng chính là điều khiến các nhà quan sát lo ngại, bởi can thiệp quân sự vào Syria chưa chắc đã giúp tiêu diệt các tay súng Nhà nước Hồi giáo và giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, mà thậm chí còn có thể đẩy Syria lún sâu hơn nữa vào bế tắc, nhất là trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động như hiện nay.
 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey mới đây cũng phải thừa nhận, can thiệp quân sự mà không có một đối tác đáng tin cậy tại Syria có thể tạo ra một “nhà nước thất bại”, biến các lực lượng vũ trang thành công cụ duy nhất của quyền lực. Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura ngày 14-9 đã kêu gọi một giải pháp chính trị và coi đây là cách duy nhất để chấm dứt xung đột tại Syria. “Chỉ có một kế hoạch duy nhất đó là thông cáo Geneva. Một điều không thể phủ nhận là chúng ta đang phải đối mặt với vấn đề khủng bố, song chúng ta cũng không được phép quên rằng sẽ không thể giành chiến thắng trước chủ nghĩa khủng bố nếu chúng ta không cùng nhau tìm ra được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải tìm cách duy trì các thể chế nhà nước để tránh nguy cơ sụp đổ như những gì xảy ra tại Libya”, đặc phái viên Staffan de Mistura nói.
 
Kể từ khi bùng phát năm 2011, cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người và buộc một nửa dân số Syria phải rời bỏ nhà cửa. Và điều nghiêm trọng hơn, cuộc khủng hoảng này đang tạo ra nhiều hệ lụy không dễ giải quyết không chỉ đối với khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.