Multimedia Đọc Báo in

Các nước châu Âu tiếp nhận người tị nạn

11:18, 14/09/2015
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 8-9 đã hoan nghênh kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về tái định cư người tị nạn tại các nước thành viên EU đang bị quá tải.
 
Đồng thời, bà Merkel cũng nhấn mạnh đây là bước đi quan trọng đầu tiên nhằm giải tỏa căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay. Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, bà Merkel cho biết vẫn cần một bước đi nữa bởi hiện không thể xác định được chính xác số lượng người tị nạn, vì vậy châu Âu cần thiết lập một hệ thống mở nhằm chia sẻ những người được quyền xin tị nạn.  
Người di cư chờ đợi tại thị trấn biên giới Idomeni, miền Bắc Hy Lạp để được làm thủ tục nhập cảnh vào Macedonia ngày 7-9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư chờ đợi tại thị trấn biên giới Idomeni, miền Bắc Hy Lạp để được làm thủ tục nhập cảnh vào Macedonia ngày 7-9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo đó ông Juncker sẽ công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạch tái định cư 120.000 người tị nạn đang tạm trú tại Italy, Hy Lạp và Hungary, những nước vốn đã bị quá tải bởi các dòng người di cư liên tục đổ tới trong thời gian qua. Dự kiến, Đức sẽ phải đón 26,2% số người xin tị nạn này, Pháp sẽ đón 20% và Tây Ban Nha phải tiếp nhận 12,4%...
 
Nhiều nước thành viên EU vẫn chưa có sự đồng thuận trong vấn đề này. Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố còn quá sớm để nói đến chuyện hạn ngạch cho đến khi nào biên giới bên ngoài EU chưa được bảo vệ chặt chẽ. Hungary hiện đang phải "gánh" hơn 150.000 người di cư đổ đến nước này trong năm nay và đang gấp rút hoàn tất việc xây dựng một hàng rào thép gai ở biên giới giáp với Serbia. Thủ tướng Orban đề nghị EU nên tài trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác không thuộc EU để giúp họ quản lý làn sóng người di cư và tị nạn tìm cách đi sang châu Âu.
 
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz cho rằng EU phải có sự thống nhất trong vấn đề người tị nạn, phải phân biệt rõ đâu là những người tị nạn do chiến tranh và đâu là những người sang châu Âu về mục đích kinh tế. Bà nhấn mạnh nếu phân định rõ vấn đề này, EU sẽ giảm được một nửa sức ép về cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
 
Hiện Tổng thống François Hollande đã tuyên bố sẵn sàng đón tiếp 24.000 người tị nạn trong khuôn khổ hạn ngạch do EC ấn định. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve thông báo, Pháp sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 đơn xin tị nạn trong những ngày sắp tới để làm giảm nhẹ gánh nặng của Đức trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Ông Cazeneuve cho biết, Pháp đã nhất trí với Đức tiếp nhận những người tìm kiếm tị nạn, như một phần trong kế hoạch của Liên minh châu Âu tiếp nhận hơn 100.000 người trong vòng 2 năm tới. “Chúng tôi nhất trí chỉ tiếp đón những người tỵ nạn từ Syria, Iraq và Eritrea- những người đang cần bảo vệ khẩn cấp. Những người này sẽ đến Pháp trong vài ngày tới. Họ sẽ được đưa đến từ Đức tới những trung tâm tạm thời quanh khu vực Paris”, ông Cazeneuve.
 
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã khẳng định nước Anh sẽ đón tiếp 20.000 người tị nạn trong 5 năm tới. Phát biểu trước Quốc hội ngày 7-9, ông Cameron khẳng định, đề xuất tiếp nhận người tị nạn Syria thể hiện tinh thần nhân đạo của người dân Anh. “Anh đang bị chấn động bởi những hình ảnh về cuộc khủng hoảng di cư mấy ngày qua. Điều này hoàn toàn đúng khi Anh thể hiện trách nhiệm nhân đạo của mình giúp đỡ những người tị nạn như chúng ta đã thực hiện bấy lâu nay”. “Chúng tôi đang sử dụng ngân sách hỗ trợ để làm giảm đói nghèo và ảnh hưởng tại những nước có người dân sắp đến đây. Chúng tôi là nước lớn trên thế giới giữ cam kết dành 0,7% GDP cho viện trợ”, ông Cameron tuyên bố. 
Một chiếc xuồng cao su chở người tỵ nạn chuẩn bị cập bờ. Ảnh AP
Một chiếc xuồng cao su chở người tị nạn chuẩn bị cập bờ. (Ảnh: AP)

Đang phải đối phó với dòng người xin tị nạn kỷ lục, Đức đã kêu gọi các đối tác châu Âu chia sẻ gánh nặng này. Phát biểu sau khi có khoảng 20.000 người di cư từ Hungary đến Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, gánh nặng không nên chỉ đặt trên vai của một vài nước, đồng thời trấn an người dân Đức rằng chính phủ nước này có khả năng kiểm soát khủng hoảng. Được biết, riêng trong ngày 5-9, khoảng 8.000 người di cư đã vào biên giới nước Đức. Ga đường sắt Munich đã đón khoảng 6.800 người. Những người này sau đó được đưa lên xe buýt để tới các khu nhà ở tạm thời đặt tại các tòa nhà công cộng, các khách sạn và doanh trại. Hàng trăm người Đức đã tập trung để giúp đỡ những người di cư mới đến. Tại nhà ga Frankfurt, thực phẩm, nước uống và quần áo được chuẩn bị sẵn cho những người tị nạn.

Trước đó, vào ngày 6-9 Thủ tướng Áo Werner Faymann kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi chính quyền Áo và Đức vừa mở cửa biên giới cho phép thêm hàng ngàn người di cư vào hai nước này sau nhiều ngày bị kẹt lại ở Hungary. 
 
Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố, quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người nhập cư và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo yêu cầu của EU. 
 
Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, Chính phủ Australia sẽ từng bước tăng tiếp nhận số người tị nạn từ Syria. Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Canberra, Thủ tướng Abbott cho biết đang xem xét nhận nhiều người hơn từ khu vực này, cũng như tăng viện trợ cho người tị nạn Syria đang ở trong các trại tị nạn các nước láng giềng như một phần trong cam kết bền vững của Australia với Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR).
 
Cam kết trên đưa ra sau khi tổ chức Hòa bình Xanh hối thúc Australia tiếp nhận ngay lập tức 20.000 người tị nạn Syria. Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập ở Australia Bill Shorten cho rằng, chính phủ phải tiếp nhận nhiều hơn nữa người tị nạn Syria.
 
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV, SGGP)
 
 

Ý kiến bạn đọc