Multimedia Đọc Báo in

Hàng nghìn người di cư mắc kẹt tại khu vực Balkan

15:30, 21/10/2015
Hàng nghìn người di cư mắc kẹt tại các đường biên giới của khu vực Balkan khi các ngả đường dẫn đến các nước Bắc Âu và Tây Âu đều đã bị phong tỏa.
 
Cuối tuần qua, các đường biên giới của Slovenia, cửa ngõ mới của người di cư đã chính thức bị đóng cửa để hạn chế người di cư. Theo ghi nhận của BBC, có ít nhất 500 người đã phải qua đêm trong giá rét tại khu vực biên giới giữa Croatia - Slovenia. Trong khi đó, có từ 1.800 đến 2.000 người đã phải ngủ lại trên một con tàu đang “bị mắc kẹt” tại biên giới của Croatia. Những người này đang tìm đường vào Slovenia. Họ đến đây từ rất sớm song đã ngay lập tức vấp phải hàng rào cảnh sát và dây thép gai. 
Binh sỹ Hungary bịt kín khoảng trống ở hàng rào dây thép ngăn dòng người di cư tại khu vực biên giới với Croatia ngày 17-10. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Binh sĩ Hungary bịt kín khoảng trống ở hàng rào dây thép ngăn dòng người di cư tại khu vực biên giới với Croatia ngày 17-10. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Trước Slovenia, Croatia, Hungary đều cũng đã có động thái tương tự. Trong tuần qua, có hàng trăm nghìn người di cư đến từ Syria, Châu Phi, Afghanistan đã đổ về khu vực Balkan để tìm đường đến Đức, Thụy Điển và các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu.

Trang tin N24 của Đức ngày 18-10 đưa tin Slovenia cho biết nước này không thể thực hiện kỳ vọng của Croatia về việc tiếp nhận mỗi ngày 5.000 người tị nạn. Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Bostjan Sefic cho biết người di cư trên thực tế không muốn ở lại Slovenia, song do trước đó, quốc gia láng giềng Áo ở miền Bắc tuyên bố sẽ chỉ có thể cho phép 1.500 người tị nạn vào nước này mỗi ngày, nên Slovenia cũng không thể tiếp nhận nhiều hơn con số đó. 
 
Slovenia và quốc gia láng giềng phía Nam là Croatia tuy nằm khá xa tuyến lộ trình ưa thích của người di cư qua khu vực Balkan để vào châu Âu, song do Hungary đã đóng biên giới với Serbia và với Croatia, nên người tị nạn giờ đây chỉ còn tìm cách tới Tây Âu qua đường Slovenia để tiếp tục vào Áo. 
 
Phát ngôn viên của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn Babar Baloch đã lên án việc Hungary đóng biên giới với Croatia, điều sẽ tạo thêm những đau khổ, phiền phức cho người tị nạn cũng như có thể gây ùn tắc cho các tuyến lộ trình ở Balkan. Theo ông, chỉ tính từ thời điểm Hungary đóng cửa biên giới với Croatia, tới nay đã có khoảng 4.000 người đổ vào Slovenia. Trong khi đó vẫn còn hàng nghìn người mắc kẹt trong ngày 18-10 ở Croatia và Serbia để chờ cơ hội tiếp tục vào Tây Âu.
 
Để kiểm soát dòng người tị nạn, Slovenia cuối tuần qua tuyên bố sẽ đưa quân đội hỗ trợ lực lượng cảnh sát tại các điểm kiểm soát ở biên giới với Croatia.
 
Vấn đề người nhập cư cũng đang làm nóng tình hình tại các quốc gia châu Âu khác. 
Míttinh phản đối người nhập cư tại Prague (Séc) chiều 17-10. (Ảnh: Vietnam+)
Mít tinh phản đối người nhập cư tại Prague (Séc) chiều 17-10. (Ảnh: Vietnam+)

Hai cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối nhập cư đồng thời diễn ra tại quảng trường Vaslav chiều 17-10 ở trung tâm thủ đô Prague (Cộng hòa Séc) lại một lần nữa làm nóng vấn đề về người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi. Cuộc biểu tình ủng hộ người nhập cư thu hút gần 500 người tham dự diễn ra trước tượng đài Thánh Vaslav. Những người tham dự hô các khẩu hiệu kêu gọi tình đoàn kết với người nhập cư, chống tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và hận thù giữa các dân tộc. 

Cuộc biểu tình phản đối người nhập cư với chủ đề "Vì nền văn hóa và an ninh của đất nước" thu hút gần 1.000 người tham dự và được tổ chức ở phía sau tượng đài Thánh Vaslav và trước Viện bảo tàng quốc gia. Những người tham dự trưng các biểu ngữ chống nhập cư trái phép, kỳ thị Hồi giáo và chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) về chính sách phân bố hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư đối với các nước thành viên, trong đó có Cộng hòa Séc. 
 
Di cư cũng trở thành vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử ở Thụy Sĩ. Kết quả thăm dò mới nhất trước bầu cử cho thấy đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cực hữu được đánh giá là chính đảng mạnh nhất ở nước này khi vấn đề di cư đã giúp SVP tăng thêm được 2 điểm phần trăm, đạt 28% số phiếu ủng hộ so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm (26,6%). Thụy Sĩ dự kiến sẽ tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 người di cư, chủ yếu từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq và Afghanistan, đồng thời đang cân nhắc khả năng viện trợ nhân đạo với số tiền được đề xuất từ 50-100 triệu franc (tương đương 52-104 triệu USD) để giúp các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động ở Iraq hay Syria.
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc