Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm tại Syria

08:05, 05/11/2015

Ngày 2-11, Đặc phái viên Liên hiệp quốc Staffan de Mistura đã hối thúc các bên đối địch tại Syria tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn mới, xây dựng niềm tin vào các nỗ lực ngoại giao, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu trước khi kết thúc chuyến thăm thủ đô Damascus của Syria, ông de Mistura khẳng định việc các phe đối địch tại Syria đạt thỏa thuận ngừng bắn sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán chính trị tạo ra tác động tích cực đối với tình hình tại Syria. Đặc phái viên Liên hiệp quốc nhấn mạnh: "Ngừng bắn và giảm bạo lực là những gì chúng ta cần có trên thực địa. Điều này sẽ tạo sự khác biệt lớn, qua đó người dân Syria sẽ cảm nhận được rằng các cuộc đàm phán ở Vienna đang mang lại hiệu quả".

Trước đó, ngày 1-11, ông de Mistura đã gặp Ngoại trưởng Syria để thảo luận các vấn đề liên quan đến hội nghị quốc tế mở rộng về cuộc chiến ở Syria, cũng như trao cho Ngoại trưởng nước chủ nhà "bản báo cáo chi tiết" cuộc đàm phán giữa các cường quốc toàn cầu cũng như Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 30-10 tại thủ đô Vienna của Áo.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái), đặc phái viên về Syria của LHQ  Staffan de Mistura và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo sau hội nghị về Syria tại Vienna, Áo ngày 30-10 vừa qua. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái), đặc phái viên về Syria của LHQ Staffan de Mistura và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo sau hội nghị về Syria tại Vienna, Áo ngày 30-10 vừa qua. Ảnh: AP

Các đại diện của Liên hiệp quốc và EU cùng với các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ 17 quốc gia đã tham gia cuộc đàm phán mở rộng nói trên nhằm thu hẹp những bất đồng và chia rẽ về cuộc chiến tại Syria. Các nước tham dự hội nghị Vienna đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời nhất trí đề nghị Liên hiệp quốc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính quyền và phe đối lập để dọn đường cho một hiến pháp mới và các bầu cử có sự giám sát của Liên hiệp quốc.

Liên quan tới tình hình tại Syria, ngày 3-11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh trình báo cáo cho rằng Chính phủ nước này không nên tham gia vào các cuộc không kích tại Syria cho tới khi có một chiến lược rõ ràng nhằm triệt hạ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thiết lập trật tự tại quốc gia Trung Đông này. Chủ tịch Ủy ban trên, ông Crispin Blunt nhận định hiện tại các lực lượng chống IS tại Syria không có sự phối hợp chặt chẽ và việc Anh tham gia vào thời điểm này là chưa hợp lý. Thay vào đó, ông Blunt cho rằng Chính phủ nên tập trung ủng hộ những nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc thời kỳ xung đột vốn đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng tại Syria.
 
Chính phủ của Thủ tướng David Cameron trước đó đã bày tỏ ý định tham gia không kích tại Syria và Iraq nếu nhận được sự ủng hộ từ Hạ viện

Trong một động thái được đánh giá là bước thay đổi lớn về chính sách can dự của Mỹ tại Syria, ngày 30-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông đã quyết định gửi hàng chục lính đặc nhiệm Mỹ vào vùng lãnh thổ hiện do lực lượng người Kurd kiểm soát ở phía Bắc Syria với vai trò cố vấn cho lực lượng đối lập trong cuộc chiến với IS.

Theo Reuters, việc triển khai lính đặc nhiệm tới Syria cùng với nỗ lực ngoại giao khi tham dự vào Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria (có sự tham dự của hàng chục quốc gia trong đó có cả Iran) cho thấy có sự thay đổi lớn trong chính sách Syria của Mỹ kể từ khi nước này bắt đầu phát động chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào tháng 9-2014.

Công bố quyết định này hôm 30-10, Nhà Trắng cho biết, nhóm đặc nhiệm này có khoảng 50 người và có nhiệm vụ "đào tạo, tư vấn và hỗ trợ" cho lực lượng đối lập ở Syria. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest từ chối cho biết chi tiết về vai trò của nhóm đặc nhiệm này.

Quyết định của Tổng thống Obama đánh dấu lần đầu tiên Mỹ công khai sự hiện diện quân sự tại Syria kể từ khi nội chiến nhấn chìm quốc gia Trung Đông này. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa bộ binh vào Syria sẽ làm tăng nguy cơ thương vong đối với binh sĩ Mỹ, mặc dù các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn nhấn mạnh, lực lượng đặc nhiệm vừa được triển khai sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu chống IS tại Syria.

Chính quyền Obama đang chịu áp lực phải nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống IS. Đặc biệt là sau khi tổ chức này chiếm được thành phố Ramadi ở Iraq tháng 5 vừa rồi và sau sự thất bại của chương trình đào tạo và trang bị cho lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria. Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái triển khai đặc nhiệm Mỹ đến Syria có thể khiến cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria thêm bất ổn khi cả Nga và Iran được cho là cũng đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại lực lượng nổi dậy. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận hôm 30-10 rằng, quyết định gửi lính đặc nhiệm tới Syria sẽ đặt họ vào “con đường nguy hiểm”. Vào tháng trước, một lính đặc nhiệm Mỹ đã thiệt mạng khi cùng với lực lượng người Kurd ở Syria tham gia vào chiến dịch giải cứu các con tin bị IS giam giữ. Tuy nhiên ông Carter cũng cho biết không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai lính đặc nhiệm tới Syria.

Một số nghị sĩ Quốc hội đã hoan nghênh kế hoạch này của ông Obama, dù các nhà phê bình của Đảng Cộng hòa cho rằng động thái này là quá muộn và không thể thay đổi diễn biến của cuộc chiến hiện nay. Thượng nghị sĩ John McCain - người  từ lâu luôn đả kích chính sách đối ngoại của chính quyền Obama - cho rằng. đây là sự “thay đổi miễn cưỡng” và không đủ để giải quyết cuộc xung đột hiện nay.

Lính đặc nhiệm Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lính đặc nhiệm Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ đồn trú tại khu vực do phe đối lập kiểm soát ở miền Bắc Syria và phối hợp hoạt động tiếp vận bằng đường không cho phe đối lập, sau đó cung cấp số hàng viện trợ này cho các lực lượng đối lập đang tiến về Raqqa - thủ phủ của IS ở miền Bắc Syria. Ngoài ra họ cũng có thể phối hợp cung cấp thông tin từ mặt đất để liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc không kích.

Phản ứng trước việc Mỹ triển khai đặc nhiệm đến Syria, ngày 31-10, một nghị sĩ Quốc hội Syria nói với AP rằng, đây là một hành động xâm lược bởi nó không được sự đồng ý của Chính phủ Syria. "Điều gì đã khiến Mỹ nhận ra rằng sau gần 5 năm họ phải gửi 50 cố vấn quân sự đến Syria?", ông Sharif Shehadeh - nghị sĩ quốc hội đặt câu hỏi. "Khi Mỹ đưa bộ binh vào lãnh thổ Syria mà không có thỏa thuận với chính phủ Syria - đó sẽ là một hành động can thiệp và xâm lược", ông Shehadeh cho biết. "Liệu Mỹ có cho phép bộ binh Nga vào đất Mỹ mà không có một thỏa thuận? Tôi nghĩ câu trả lời là không", ông Shehadeh nói. Theo ông này, Mỹ đã tiến hành các chiến dịch đặc biệt tại Syria trước đây và sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều chiến dịch đơn phương khác.

Theo AP, ngay cả khi Tổng thống Barack Obama quyết định đưa quân trở lại Iraq cũng như  tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan, ông Obama vẫn nhấn mạnh không triển khai bộ binh tại Syria. Tuy nhiên giờ đây Tổng thống Mỹ đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do mình đặt ra.

Việc quyết định triển khai khoảng 50 lính đặc nhiệm đến miền Bắc Syria cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ công khai đưa bộ binh vào Syria nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự về mặt địa lý của chính quyền Obama tại Trung Đông.

Nhiều năm qua, Tổng thống Obama đã coi sự hỗn loạn tại Syria là một vấn đề mà ông phải giữ cho quân đội nước này không bị sa lầy vào sau khi được bầu làm Tổng thống. Hơn thế, Washington không có đối tác trong chính quyền Syria và cũng không có lựa chọn nào khả dĩ trong số các thủ lĩnh phe đối lập. Thậm chí, cũng không có nổi một lực lượng địa phương nào để Mỹ có thể đào tạo ngắn hạn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Syria đã trở nên không thể tránh khỏi đối với ông Obama, đặc biệt là kể từ khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo vốn sinh ra từ sự hỗn loạn này đã nhanh chóng lớn mạnh và vượt qua biên giới vào Iraq

Động thái đầu tiên của ông Obama là triển khai vài trăm binh sĩ Mỹ tới Iraq để đào tạo và hỗ trợ các lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Việc triển khai quân này đánh dấu sự trở lại Iraq của quân đội Mỹ sau khi đã rút khỏi nước này vào năm 2011 (theo cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Obama kết thúc cuộc chiến mà ông thừa hưởng từ Tổng thống George W. Bush). Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng binh sĩ Mỹ tại Iraq đã tăng lên đến khoảng 3.300 người. Bên cạnh đó trong bối cảnh IS ngày càng bành trướng, Mỹ buộc phải tiến hành chiến dịch không kích chống IS ở cả Iraq và Syria.

Cho đến nay, dù số liệu thống kê cho biết khoảng 12.000 phiến quân đã bị tiêu diệt nhưng chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh đã không làm suy yếu một cách đáng kể tổ chức Nhà nước Hồi giáo, không những thế, IS còn được bổ sung lực lượng bằng các tay súng thánh chiến nước ngoài. Tổng thống Obama hy vọng các cuộc không kích ở Syria sẽ được hỗ trợ bởi một lực lượng mặt đất được Mỹ đào tạo. Tuy nhiên, chương trình đào tạo và hỗ trợ phe đối lập ôn hòa ở Syria đã thất bại thảm hại và Mỹ phải tuyên bố kết thúc chương trình này.

Chính vì vậy, việc quyết định triển khai lính đặc nhiệm tới Syria về cơ bản có thể được xem là sự thay thế nỗ lực đã thất bại ở trên. Ngoài ra quyết định này cũng cho phép ông Obama - người đang chịu nhiều áp lực từ Lầu Năm Góc và các đối tác quốc tế khác trong cuộc chiến chống IS - tìm kiếm những cách thức mới để giải quyết cuộc khủng hoảng đang gây nhiều tranh cãi này. Nhà Trắng lập luận rằng, Tổng thống đã không phá vỡ cam kết của mình là không đưa quân vào Syria bởi việc triển khai vài chục lính đặc nhiệm chỉ trong phạm vi hẹp về quy mô và phạm vi hoạt động.

Cho đến nay, Nhà Trắng cũng không đưa ra thời gian cụ thể việc các lực lượng Mỹ sẽ ở lại Syria trong bao lâu dù ông Obama trước đó từng tuyên bố chiến dịch chống IS tại Syria và Iraq có thể kéo dài hơn nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Điều đó có nghĩa là, ông Obama, người đã trải qua 2 cuộc chiến sẽ "dành" cuộc chiến thứ 3 cho người kế nhiệm.

H.T (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc