65.000 chiến binh thánh chiến sẵn sàng thay thế nếu IS bị đánh bại
RT đưa tin, theo một nghiên cứu của Trung tâm Tôn giáo và Địa chính trị (CRG) - thuộc quỹ Tony Blair Faith Foundation do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair sáng lập - mới được công bố, hiện có 15 nhóm thánh chiến đã sẵn sàng thay thế vị trí của IS tại Syria nếu tổ chức này bị đánh bại.
The Sunday Times dẫn báo cáo nghiên cứu trên cho biết, các nhóm thánh chiến có tổng cộng khoảng 65.000 tay súng đang chiến đấu ở Syria và sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà IS để lại. Báo cáo này cho rằng, phương Tây đang mắc "sai lầm chiến lược" khi chỉ tập trung nỗ lực chống khủng bố của mình vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà bỏ qua các nhóm thánh chiến khác. 60% trong số các nhóm thánh chiến ở Syria có tư tưởng Hồi giáo cực đoan và có những mục tiêu tương tự như IS. Có khoảng 1/4 các nhóm được CRG khảo sát không có chương trình nghị sự về ý thức hệ, nhưng nhiều nhóm sẵn sàng chiến đấu bên cạnh những kẻ Hồi giáo cực đoan và chấp nhận tuân theo sự lãnh đạo của chúng trong thời hậu chiến ở Syria. "Phương Tây có nguy cơ đối mặt với thất bại về chiến lược vì chỉ tập trung vào IS. Đánh bại nó bằng quân sự chắc chắn không chấm dứt chủ nghĩa thánh chiến cực đoan toàn cầu. Chúng ta không thể đánh bom một ý thức hệ, nhưng chúng ta đang trong cuộc chiến về ý thức hệ", Guardian trích báo cáo cho biết.
Các tay súng cực đoan tại Syria sẵn sàng thế chỗ nếu IS bị đánh bại. Ảnh: Zuma Press |
Báo cáo của CRG được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 18-12 đã thông qua Nghị quyết về hòa bình tại Syria. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ liệt kê có 2 nhóm chiến binh ở Syria là IS và al- Nusra Front (một chi nhánh của al-Qaeda) bị cấm tham gia đàm phán về tương lai của Syria dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Báo cáo của CRG cũng cảnh báo rằng, nếu IS bị đánh bại có thể tạo động lực cho các cuộc tấn công khủng bố bên ngoài Syria dưới lời kêu gọi rằng "phương Tây đã phá hủy Caliphate".
Trong một diễn biến khác, cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cảnh báo IS đã chiếm được rất nhiều phôi hộ chiếu trắng ở Syria, Iraq và Libya và với những cuốn hộ chiếu đó, chúng có thể xâm nhập vào châu Âu một cách khó kiểm soát.
Phát biểu với báo Đức "Thế giới Chủ nhật" ngày 20-12, Giám đốc Frontex, ông Fabrice Leggeri, nêu rõ việc các đối tượng khủng bố có được những tấm phôi hộ chiếu trắng có thể gây ra những vấn đề thực sự về an ninh, trong đó chúng có thể trà trộn vào dòng người di cư rất lớn và khó có thể kiểm soát hiện nay để vào châu Âu. Ông Leggeri nói: "Ở một quốc gia nội chiến như Syria, không ai có thể bảo đảm rằng các giấy tờ, nhìn bề ngoài có vẻ thật, có phải đúng do giới chức nước đó cấp hay không hoặc có phải đúng của người mang hộ chiếu hợp pháp hay không”.
Theo tờ báo Đức, IS đã chiếm nhiều cơ quan công quyền ở các thành phố tại Syria, Iraq và Libya, trong đó chúng đã có được hàng chục nghìn cuốn phôi hộ chiếu trắng cũng như máy móc để in ấn giấy tờ thông hành. Với những tấm hộ chiếu chiếm được, các đối tượng cực đoan có thể hợp lý hóa giấy tờ thông hành để trà trộn vào dòng người tị nạn vào châu Âu. Ngoài ra, chúng có thể mang những cuốn hộ chiếu chiếm được ra bán ở thị trường chợ đen với giá từ 1.000-1.500 USD/cuốn.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức các nước châu Âu vừa được thông báo một danh sách số serie hộ chiếu bị mất của Syria và Iraq. Theo các nhà ngoại giao, danh sách trên gồm khoảng 5.000 cuốn hộ chiếu ở tỉnh Rakka và Deir al-Sor của Syria cũng như khoảng 10.000 cuốn ở các khu vực Anbar, Ninive và Tikrit của Iraq.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn khủng bố, chiều 17-12 (giờ New York), Bộ trưởng Tài chính của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết nhằm chặn đứng các nguồn thu nhập của lực lượng IS.
Nghị quyết do Nga và Mỹ đồng bảo trợ này là bản cập nhật của nghị quyết cũ để đưa thêm IS vào ngang hàng với Al-Qaeda và Taliban trong danh sách những mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng đối với thế giới. Nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có những hành động quyết liệt để ngăn chặn IS có được thu nhập nhờ bán dầu, bán đồ cổ, bắt cóc để đòi tiền chuộc và các hoạt động tội phạm khác.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng. (Nguồn: thetower) |
Nghị quyết cũng buộc các quốc gia phải tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về những mối đe dọa khủng bố và phát triển các tiêu chuẩn chung để có thể truy lùng hiệu quả hơn các hoạt động tài trợ khủng bố. Ngoài ra, các biện pháp chống khủng bố mới được thông qua cũng bao gồm cả lệnh cấm đi lại đối với các thành viên IS, phong tỏa tài sản của các đối tượng này và lệnh cấm chuyển giao vũ khí cho IS.
Tuy nhiên, một nhân viên ngoại giao của Liên hiệp quốc và một quan chức Liên hiệp quốc (yêu cầu giấu tên) cho biết không dễ chặn đứng các nguồn thu nhập của IS vì đa số ngân sách của tổ chức này đều lấy từ việc bán dầu và khí đốt, cũng như lấy từ việc thu thuế tại các khu vực mà IS kiểm soát và tống tiền. Điều này khác với Al-Qaeda, tổ chức khủng bố gây quỹ chủ yếu bằng cách bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc hay nhận tài trợ từ bên ngoài. Theo ước tính của các quan chức Liên hiệp quốc, mỗi năm IS kiếm được khoảng 500 triệu USD từ bán dầu khai thác được tại các khu vực chúng kiểm soát.
Nghị quyết ngăn chặn các nguồn thu nhập của các tổ chức khủng bố được Hội đồng Bảo an ban hành lần đầu tiên vào năm 1999 và được cập nhập theo định kỳ. Theo Hiến chương của Liên hiệp quốc, những quốc gia không tuân thủ nghị quyết này có thể bị Hội đồng Bảo an trừng phạt.
Hà Dương (Tổng hợp theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc