Multimedia Đọc Báo in

Ukraine nhất quyết không trả Nga khoản vay 3 tỷ USD sắp đáo hạn

20:48, 19/12/2015

Ukraine sẽ không trả Nga khoản vay 3 tỷ USD vì theo nước này, Nga không chấp thuận các điều khoản được các chủ nợ khác thông qua cho Ukraine.

Theo AP, tuyên bố trên của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cũng đồng nghĩa với việc Ukraine chính thức tuyên bố không đủ khả năng để trả khoản vay nói trên (sẽ hết hạn vào ngày 20-12) cho Nga. Ngoài ra, động thái trên cũng có thể khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngừng cung cấp gói cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine.

Phát biểu trên truyền hình ngày 18-12, ông Yatsenyuk nhấn mạnh: “Sau khi Nga không chấp thuận đề nghị của chúng tôi bất chấp những nỗ lực để tái cấu trúc khoản nợ của mình, Chính phủ Ukraine tuyên bố chính thức ngừng việc chi trả khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Nga và sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý với Nga”. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ đưa Ukraine ra tòa nếu nước này không chịu chi trả khoản vay này đúng hạn.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk chính thức tuyên bố sẽ không trả khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Nga. Ảnh AP
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk chính thức tuyên bố sẽ không trả khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Nga. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Nataliya Yaresko ngày 17-12 bày tỏ hy vọng rằng, tranh cãi giữa Ukraine và Nga liên quan đến khoản nợ nói trên vẫn có thể được giải quyết. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ quan điểm này và cho rằng “cách duy nhất lúc này là ra tòa”.

Không chỉ ngừng chi trả khoản vay của Chính phủ cho Nga, Ukraine cũng quyết định dừng trả số tiền trị giá 507 triệu USD mà 2 tập đoàn nhà nước của nước này vay từ các ngân hàng của Nga. Hiện vẫn chưa rõ việc Ukraine ngưng trả các khoản nợ cho Nga có tác động gì đến IMF bởi trước đó, IMF vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cho Ukraine vay để trả nợ nếu như nước này “có thiện chí” để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.

Mặc dù vậy, chuyên gia William Jackson thuộc hãng tư vấn Capital Economists nhận định, tuyên bố của phía Ukraine đã “gây lo ngại rằng chương trình cứu trợ của IMF đối với nước này đang phải đối mặt với quá nhiều rủi ro”. Theo ông Jackson, bản thân IMF gần đây cũng bày tỏ lo ngại về việc Quốc hội Ukraine từ chối thông qua dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2016 và việc áp đặt luật thuế mới tại Ukraine “càng làm tăng nguy cơ chương trình cứu trợ của IMF dành cho Ukraine có thể bị đình lại”.

Trong vài năm qua, nền kinh tế của Ukraine đã gặp phải rất nhiều khó khăn và nước này buộc phải tiến tới thỏa thuận để tái cấu trúc nợ với nhiều chủ nợ quốc tế nhưng lại không có Nga. Tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất việc tái cấu trúc nợ cho Ukraine, trong đó nêu rõ, Nga sẵn sàng đồng ý cho Ukraine chi trả mỗi năm 1 tỷ USD cho khoản vay của nước này cho đến năm 2018. Tuy nhiên, Ukraine đã từ chối đề xuất này và tuyên bố sẽ không chấp thuận một thỏa thuận sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Nga hơn thỏa thuận mà Ukraine đạt được với các chủ nợ khác. Theo đó, thỏa thuận giữa Ukraine và các chủ nợ khác sẽ tạo điều kiện để Ukraine xóa 20% khoản nợ của mình và giúp giảm số tiền vay nợ của nước này với các chủ nợ khác từ 19 tỷ USD xuống còn 15,5 tỷ USD.

Nhà phân tích Vadim Karasyov bày tỏ lạc quan rằng, việc tuyên bố không đủ khả năng trả khoản vay cho Nga sẽ không đồng nghĩa với việc nền tài chính của Ukraine bị tổn hại. “Hiển nhiên là ông Yatsenyuk đã trình bày ý tưởng này với các chủ nợ quốc tế khác của Ukraine và nhận được sự bảo đảm của họ”, ông Karasyov cho biết.

Trong một diễn biến khác, trước đó, vào ngày 16-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh theo đó từ ngày 1-1-2016, Nga sẽ đình chỉ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ukraine.

Sắc lệnh nêu rõ do tình hình đặc biệt ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh kinh tế của Liên bang Nga và đòi hỏi thông qua các biện pháp tức thời, Nga quyết định đình chỉ từ 1-1-2016 Hiệp định thương mại tự do, ký tại thành phố St. Petersburg ngày 18-10-2011 với Ukraine. Từ ngày 1-1-2016, Hiệp định liên kết giữa Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực, tạo ra khu vực thương mại tự do giữa Kiev và EU. Nga đã bày tỏ lo ngại trong trường hợp đó, thị trường Nga sẽ tràn ngập hàng hóa của EU.

Moskva tuyên bố sẽ có biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình ngay khi hiệp định tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả hủy bỏ FTA với Ukraine, để ngăn chặn ảnh hưởng của hàng miễn thuế từ EU vào Nga. Nga, Ukraine và EU cũng đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán về vấn đề này, song chưa đạt được thỏa hiệp cuối cùng.

Một siêu thị ở Kiev, Ukraine. (Nguồn: aisberg.com)
Một siêu thị ở Kiev, Ukraine. (Nguồn: aisberg.com)

Nga hiện vẫn đang là nhà xuất khẩu hàng hóa chính cho Ukraine. Theo cơ quan Thống kê Quốc gia Ukraine, kể từ tháng 1 đến tháng 10-2015, Ukraine đã nhập khẩu hàng hóa từ Nga với tổng giá trị lên tới 6,4 tỷ USD - dù thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn cao hơn so với các nước khác như Đức - xuất khẩu 3,3 tỷ USD vào Ukraine, Trung Quốc - 3 tỷ USD, Belarus - 2 tỷ USD và Ba Lan là 1,9 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn trên, Nga vẫn là quốc gia nhập khẩu hàng hóa chính từ Ukraine với tổng giá trị đạt 4 tỷ USD, thấp hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (22,5 tỷ USD) và tiếp đến là Trung Quốc (2,12 tỷ USD), Ai Cập và Ba Lan đều đạt 1,6 tỷ USD.

Trong bối cảnh chỉ hai tuần tới, từ ngày 1-1-2016, hiệp định liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực, Thủ tướng Nga Dmitry Metvedev cho rằng Ukraine không thể cùng lúc tham gia vào hai hiệp định thương thương mại tự do với cả EU và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Thủ tướng Nga nhấn mạnh Moskva sẽ dựa vào tình hình để quyết định tiếp tục áp đặt cấm nhập khẩu thực phẩm đối với Ukraine. Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố Kiev đã thiệt hại 600 triệu USD do lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Hiện EU đã khẳng định không bồi thường những thiệt hại của Ukraine khi mất thị trường Nga sau khi hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 tới.

Hà Dương (Tổng hợp theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc