Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu còn chưa đầy 2 tháng để giải quyết khủng hoảng nhập cư

09:24, 22/01/2016

Hội đồng châu Âu cảnh báo khối này chỉ còn chưa đầy 2 tháng để giải quyết cuộc khủng hoảng hoặc phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ ở phía trước là sự sụp đổ của khu vực tự do thị thực Schengen.         

Ngày 19-1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo châu Âu còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không khối Schegen sẽ sụp đổ. Ngoài ra, ông Tusk cũng cho rằng nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ thất bại với tư cách là một thực thể chính trị.

EU hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm ngoái.

Người di cư tập trung gần khu vực Gevgelija, Macedonia sau khi vượt qua biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư tập trung gần khu vực Gevgelija, Macedonia sau khi vượt qua biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, người phát ngôn cảnh sát Áo, ông Fritz Grundnig cùng ngày thông báo quân đội nước này sẽ bắt đầu tiến hành việc nhận dạng và kiểm tra hành lý của tất cả người di cư tới khu vực cửa khẩu chính giữa Áo và Slovenia từ ngày 20-1. Theo ông Fritz Grundnig, khoảng 500 binh sĩ được triển khai mới sẽ hỗ trợ cảnh sát trong quá trình xử lý lên tới 6.000 người di cư mỗi ngày tại cửa khẩu Spielfeld thuộc bang miền Nam Styria.

Trước đó, ngày 16-1, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã tuyên bố tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU. Ông Faymann nhấn mạnh Áo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới, và sẽ kiểm tra từng người một nhập cảnh nước này, đặc biệt là sẽ tăng cường kiểm tra người di cư và sẽ trục xuất những người không có quyền tị nạn. Mới đây, Áo cũng xây dựng một hàng rào dài 3,7 km dọc biên giới với Slovenia để hạn chế dòng người di cư. Đây là lần đầu tiên xuất hiện hàng rào biên giới giữa 2 nước thành viên khu vực tự do thị thực Schengen.

Áo đã công bố những kế hoạch giảm số người tị nạn tiếp nhận trong năm nay xuống chưa đến một nửa so với năm 2015. Chính phủ Áo gọi đây là “Kế hoạch B” để giải quyết khủng hoảng nhập cư trong năm 2016, theo đó hạn chế số người tị nạn trong khoảng 1,5% dân số nước này, tương đương 37.500 người. Con số này sẽ giảm hằng năm và còn 25.000 cho đến năm 2019.

Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh MDR Info của Đức ngày 21-1, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maizière cho biết Berlin sẽ tiến hành kiểm soát biên giới vô thời hạn nhằm hạn chế dòng người di cư vào nước này. Bộ trưởng de Maizière cho biết chưa có thời điểm để Đức có thể dỡ bỏ lệnh kiểm soát dự kiến hết hiệu lực vào giữa tháng Hai tới.

Từ tháng 9-2015, Đức áp đặt lệnh kiểm soát biên giới tạm thời sau khi hàng nghìn người tị nạn thông qua Áo đổ vào bang Bayern của Đức. Quy định này đã nhiều lần được gia hạn và theo kế hoạch sẽ được dỡ bỏ sau ngày 132 tới.

Theo ông de Maizière, từ vài tuần qua, Đức đã tiến hành đăng ký tị nạn đầy đủ cho gần như tất cả người di cư vào nước này và Berlin sẽ trục xuất tất cả những người tị nạn không có giấy tờ hợp lệ cũng như không nộp đơn xin tị nạn ở Đức. Về số người tị nạn tới Đức trong năm 2016, ông de Maizière không đưa ra con số cụ thể, song nhấn mạnh Đức sẽ không thể tiếp tục tiếp nhận thêm một triệu người tị nạn, mà con số này sẽ giảm mạnh. Ông de Maizière cũng cho biết liên đảng bảo thủ CDU/CSU đã nhất trí giảm rõ rệt và lâu dài số người tị nạn vào nước này, thấp hơn con số trung bình 2.000 người/ngày trong tháng 1-2016.

Phản ứng trước tuyên bố trên, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền Ralf Stegner cảnh báo những hậu quả đối với việc áp dụng trở lại quy định kiểm soát biên giới quốc gia ở châu Âu. Theo ông, hành động như vậy sẽ là "cỗ máy huỷ hoại việc làm khổng lồ" ở châu Âu.

Liên quan quyết định của Áo đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn ở mức 37.500 người trong năm 2016 và tối đa 127.000 người tới năm 2019, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nêu rõ Chính phủ liên bang Đức tiếp tục hướng tới một giải pháp chung của châu Âu nhằm giải quyết nguyên nhân dẫn tới làn sóng tị nạn cũng như giảm một cách rõ rệt và lâu dài số người tị nạn vào Đức.

Người tị nạn ở châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người tị nạn ở châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Macedonia ngày 20-1 cũng đã đóng cửa biên giới với Hy Lạp để ngăn dòng người di cư. Người phát ngôn cảnh sát miền Bắc Hy Lạp khẳng định nước này đóng cửa biên giới với Macedonia kể từ tối 19-1 vừa qua, ngăn không cho 600 người di cư vượt qua cửa khẩu tại thời điểm đó.

Có rất nhiều nguyên nhân trái ngược dẫn tới động thái mà giới chức Macedonia công bố là giải pháp “tạm thời” áp dụng dọc tuyến đường di cư qua vùng Balkan tới lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU). Cảnh sát thủ đô Skopje cho biết quyết định trên xuất phát từ đề nghị của Slovenia do xảy ra trục trặc với giao thông đường sắt nước này khiến người di cư từ Slovenia đến Macedonia không thể tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, công ty đường sắt Slovenia Slovenske Zeleznice (SZ) khẳng định các chuyến tàu của họ vẫn vận hành bình thường. SZ cũng cho biết đối với các vấn đề kỹ thuật làm gián đoạn hoạt động giao thông tại nút giao với Croatia, công ty đã tạm thời cho thay thế các tàu hỏa bằng xe buýt.

Trong khi đó, cả phía Serbia và Croatia đều tuyên bố sẽ chỉ cho phép người di cư qua khu vực biên giới hai nước này nếu họ chứng minh được nguyện vọng xin tị nạn chính đáng tại Áo hoặc Đức.

Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt.

Những thực tế này cho thấy hiệp định Schengen, vốn xóa nhòa biên giới cho người dân đi lại giữa 22 nước thành viên EU) và 4 quốc gia ngoài EU, đang dần mất hiệu lực, khiến không ít ý kiến các nước khu vực, trong đó có Đức lo ngại. Thỏa thuận Schengen về tự do đi lại vốn được coi là "nguyên tắc quan trọng” và là một trong những “thành tựu” lớn nhất của EU.

Hồng Hà (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc