Đức sẽ áp dụng các luật nghiêm ngặt với người tị nạn phạm pháp
14:56, 11/01/2016
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ủng hộ việc áp dụng các luật nghiêm ngặt hơn nhằm trục xuất những người tị nạn phạm pháp tại nước này.
Tuyên bố trên được bà Merkel đưa ra trong bối cảnh xảy ra các vụ đụng độ bạo lực tại các cuộc tuần hành của phong trào Pegida ở thành phố Cologne nhằm phản đối các vụ quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa mà phần lớn được cho là do những người tị nạn gây ra.
Phát biểu tại một cuộc họp của ban lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo ngày 9-1, bà Merkel cho rằng cần phải thay đổi các luật pháp hiện hành liên quan đến người tị nạn, theo đó bất cứ người tị nạn nào phạm pháp và bị tuyên án tù, cho dù là án treo, cũng đều sẽ bị tước bỏ quyền hưởng quy chế tị nạn và bị trục xuất khỏi Đức.
Người tị nạn tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-9-2015. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bà nhấn mạnh nếu luật pháp về vấn đề này không đủ mạnh, thì cần phải thay đổi để những người phạm tội cướp bóc và quấy rối phụ nữ nhận thức rõ sức mạnh của luật pháp. Bà Merkel cam kết sẽ hành động để bảo vệ không chỉ các công dân Đức mà cả những người tị nạn vô tội, song về dài hạn sẽ hạn chế dần dòng người nhập cư vào Đức. Theo luật pháp Đức, những người tị nạn sẽ chỉ bị trục xuất nếu họ bị phạt tù ít nhất 3 năm.
Về các vụ gây rối đêm Giao thừa, bà Merkel cho rằng các vụ tấn công hàng loạt nhằm vào 120 phụ nữ tại Cologne là các hành vi phạm tội cần phải bị xử lý thích đáng. Bà nhấn mạnh các vụ tấn công này đang đặt ra những thách thức và nhiệm vụ mới cần được giải quyết triệt để.
Các tuyên bố của bà Merkel được đưa ra sau khi đêm 31-12 có tới gần 400 người thông báo đã bị tấn công, quấy rối và cướp bóc ở trước Nhà ga trung tâm Koln ở Cologne, trong đó có khoảng 40% trường hợp là bị quấy rối tình dục.
Theo điều tra của cảnh sát, hơn 20 đối tượng bị tình nghi gây ra các vụ tấn công trên là những người tị nạn đến từ các nước Bắc Phi. Vụ việc làm bùng phát các cuộc tuần hành của phong trào Pegida chống Hồi giáo hóa phương Tây cũng như các cuộc biểu tình của lực lượng phản đối Pegida. Khoảng 1.500 người biểu tình mang theo các biểu ngữ phản đối chính sách tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và kêu gọi bà từ chức, sau các vụ tấn công, quấy rối và cưỡng bức tại Cologne.
Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, buộc lực lượng cảnh sát Đức phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích. Theo người phát ngôn cảnh sát, trong số những người biểu tình có nhiều đối tượng đã nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát.
Theo kết quả một cuộc khảo sát được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Đức ngày 10-1, khoảng 50% công dân nước này muốn chính phủ chỉ tiếp nhận 200.000 người tị nạn mỗi năm. Trong khi đó, có khoảng 44% người dân được khảo sát phản đối biện pháp hạn chế tiếp nhận người tị nạn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cũng đã tái khẳng định quan điểm nhất quán là không có mức trần tiếp nhận người tị nạn ở Đức, song nêu bật mong muốn “giảm rõ rệt số người tị nạn” vào nước này.
Cũng theo nhà lãnh đạo Đức, Liên minh châu Âu (EU) một mặt cần hạn chế dòng người tị nạn, mặt khác cần duy trì việc mở cửa đường biên giới, đảm bảo việc tự do di chuyển trong khối, thay vì động thái tạm thời kiểm soát cửa khẩu mới đây của giới chức Đan Mạch và Thụy Điển.
Cảnh sát Đức điều tra tại nơi xảy ra các vụ tấn công. (Nguồn: AFP) |
Chính phủ Đức dự đoán số người tị nạn vào châu Âu trong năm 2016 có thể lên tới 1 triệu người, trong đó phần lớn người tị nạn tiếp tục tìm cách tới Đức.
Con số trên được Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ liên bang Đức Ole Schröder đưa ra trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) với những người đồng cấp Thụy Điển, Đan Mạch và Ủy viên phụ trách vấn đề người tị nạn châu Âu Dimitris Avramopoulos.
Tại cuộc gặp, ông Schröder đã lên tiếng chỉ trích Ủy ban châu Âu (EC) khi các biện pháp được thực thi nhằm hạn chế người tị nạn vào châu Âu cho tới nay vẫn chưa phát huy tác dụng. Hiện hằng ngày vẫn có trung bình 4.000 người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp để tới các nước châu Âu khác. Các quan chức hàng đầu EC nhấn mạnh rằng tới giữa năm 2016 phải giảm mạnh số người tị nạn vào EU nếu muốn kiểm soát được cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maizière đã công bố số lượng chính thức người tị nạn vào nước này trong năm 2015, theo đó có khoảng 1,1 triệu người đã xin đăng ký tị nạn ở Đức, trong đó có 428.500 trường hợp đến từ Syria. Ông cho rằng nhiều khả năng có người đăng ký hai lần, nên con số thực tế có thể dưới 1 triệu người.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc