Multimedia Đọc Báo in

EU tìm giải pháp khẩn cấp cứu khu vực Schengen khỏi sụp đổ

10:09, 26/01/2016

Các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-1 có cuộc họp tại Amsterdam (Hà Lan) để tìm giải pháp khẩn cấp cứu Khu vực miễn thị thực Schengen khỏi nguy cơ sụp đổ trước dòng người di cư ồ ạt tới châu Âu, kèm theo đó là sự xâm nhập của các phần tử cực đoan.

Cuộc họp kéo dài 2 ngày của các bộ trưởng EU nhằm thúc đẩy thỏa thuận thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới của EU trước ngày 30-6 tới. Việc ra đời lực lượng này là chủ đề thảo luận chính trong buổi chiều 25-1 khi mà các nước ủng hộ cho rằng giải pháp này sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư nước ngoài đang đổ tới đường biên giới bên ngoài khối 28 nước thành viên EU, giúp các nước thành viên tham gia Hiệp định Schengen không cần tái áp dụng các biện pháp kiểm tra bên giới nội khối. Đây được coi là một giải pháp giúp Hiệp ước Schengen tránh nguy cơ sụp đổ.

Khu vực Schengen. Ảnh: BBC.
Khu vực Schengen. Ảnh: BBC.

Trước làn sóng người nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát, 6 quốc gia thuộc không gian tự do đi lại Schengen gồm Áo, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Đức đã quyết định khôi phục tạm thời các biện pháp kiểm soát biên giới - đi ngược với quy định chung về tự do đi lại của hiệp ước này.

Theo quy định, lệnh kiểm soát biên giới hiện hành sẽ hết hiệu lực vào tháng 5-2016. Tuy nhiên, các Bộ trưởng Nội vụ EU có thể căn cứ vào các điều khoản trong Bộ quy tắc qua lại biên giới các nước tham gia Hiệp ước Schengen để kéo dài kiểm soát biên giới thêm 1 năm rưỡi, tức là đến cuối năm 2017, nếu xét thấy khu vực Schengen vẫn gặp nguy hiểm do thiếu sự bảo đảm ở khu vực biên giới vòng ngoài của EU.

Cũng tại cuộc họp ở Amsterdam lần này, các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của EU sẽ thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố và những trở ngại đang tồn tại giữa các nước thành viên trong hoạt động trao đổi thông tin về các tay súng khủng bố cực đoan nước ngoài, cũng như tìm cách loại bỏ những trở ngại này.

Theo các số liệu chính thức công bố mới đây của Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu, tháng 12-2015, đã có 108.000 người nhập cư tới Hy Lạp, nâng tổng số người nhâp cư mà quốc gia cửa ngõ vào châu Âu phải tiếp nhận trong năm 2015 vượt qua con số 1 triệu người, tức là cao gấp 5 lần so với năm 2014, trong đó chủ yếu là những người chạy trốn chiến tranh và nạn đói tại Syria và những nước Trung Đông, Bắc Phi khác.
.
Để hạn chế dòng người đang ngày càng vượt tầm kiểm soát này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 24-1 đã đề nghị xây dựng hàng rào tại biên giới giữa Macedonia và Bulgaria với Hy Lạp: “Bảo vệ Không gian tự do đi lại Schengen chỉ bằng lời nói thôi là không đủ. Hiện nay châu Âu đang chia làm 2 phe, giữa một bên là bảo vệ Schengen bằng lời nói với 1 bên là bằng hành động. Chúng tôi thuộc bên thứ 2. Những nước không làm gì để bảo vệ các biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu thì không thực sự là bạn bè của Schengen, mà đang phá hoại nó. Bởi vì, nếu chúng ta tiếp tục không làm gì, Schengen sẽ đổ vỡ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar đã phải thừa nhận, tình hình nhập cư đã hoàn toàn vượt tầm kiểm soát: "Tôi kêu gọi tất cả các nước châu Âu hãy giúp đỡ Hy Lạp nhằm tìm ra một giải pháp chung ngăn chặn dòng người nhập cư đã vượt tầm kiểm soát tại khu vực biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp, để bảo vệ không gian Schengen. Điều này sẽ bảo đảm sự ổn định tại khu vực Balkan, ngăn chặn xung đột tại biên giới các nước Balkan trong trường hợp làn sóng di cư vượt kiểm soát có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.

Hồi giữa tuần, Slovenia đã theo chân Áo thông báo từ chối tất cả người nhập cư, trừ những người muốn xin tị nạn ở Đức và các nước châu Âu khác. Bản thân Slovenia cũng đã xây dựng  một hàng rào dài 160 km ở biên giới phía Nam với Croatia để buộc những người nhập cư chỉ có thể vào nước này từ những trạm kiểm soát biên giới chính thức. Chính phủ Slovenia đã cam kết sẽ dỡ bỏ những biện pháp này ngay khi các nước Liên minh châu Âu  tìm được một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng.

Theo giới quan sát, sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) ngày 13-11-2015, việc EU thắt chặt chính sách nhập cư là điều hoàn toàn nằm trong dự đoán. Các biện pháp này đã bắt đầu được thực hiện từ cuối năm ngoái và đẩy mạnh triển khai tại nhiều nước trong những ngày đầu của năm nay.

Việc những người dân di cư từ các “điểm nóng” Trung Đông – Bắc Phi đổ về châu Âu ngày càng gia tăng, được lý giải bằng các lý do: thứ nhất, nơi đây có nhiều quốc gia giàu có, an toàn và dễ tiếp cận; thứ hai, việc phân bổ “hạn ngạch” đã tiếp thêm động lực cho những người di cư đổ về đây, khiến các quốc gia thành viên nảy sinh mâu thuẫn và buộc tội lẫn nhau. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân “gốc” phải kể đến là từ Chiến lược “Đại Trung Đông” của Mỹ cùng với sự hưởng ứng và chung tay thực hiện của các thành viên NATO.

Hơn 1 triệu người di cư đã đổ về châu Âu trong năm 2015. (Ảnh: AP)
Hơn 1 triệu người di cư đã đổ về châu Âu trong năm 2015. (Ảnh: AP)

Chính sách “Đại Trung Đông” mới của Mỹ đưa ra sau vụ khủng bố 11-9-2001 với chủ trương: “Trả lại thời nguyên thủy của Trung Đông dưới hình thức bộ lạc sẽ dễ quản lý hơn vì không có đòi hỏi dân tộc. Đàm phán với các bộ lạc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần thông mua chuộc các thủ lĩnh bằng tiền là các vấn đề có thể được giải quyết”. Giới hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, nếu chia nhỏ Trung Đông, Israel sẽ giữ vai trò cai quản như một “nước Mỹ thu nhỏ” và năm 2006, tấm bản đồ “Đại Trung Đông” mới do Ranpho Pito vẽ đã được công bố lần đầu tiên tại thành phố Rome, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên được Mỹ thông báo.

Trong khi đẩy mạnh việc triển khai chiến lược, Mỹ và NATO đã tác động tích cực làm cho cơn lốc “Mùa xuân Arab” tràn qua Trung Đông – Bắc Phi khiến cho tình hình ngày càng phức tạp hơn. Giờ đây, theo giới phân tích, “hiệu ứng trái chiều” của phiên bản “Cách mạng màu” với tên gọi “Mùa xuân Arab” đã biến thể thành cơn lốc “người nhập cư trái phép” tràn vào châu Âu, khiến EU khó bề chống đỡ.

Như vậy, theo giới phân tích, sự lúng túng trong giải pháp đối phó với “cơn lốc” người nhập cư của EU là nguyên nhân trực tiếp tạo nguy cơ sụp đổ của Hiệp ước Schengen, nhưng nguyên nhân gốc rễ vẫn phải kể đến chiến lược “Đại Trung Đông” mới của Mỹ. Vì thế, dư luận cho rằng: “quýt làm, cam chịu” là có cơ sở.

Hà Dương (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc