Multimedia Đọc Báo in

Kinh nghiệm làm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của người Israel

07:46, 10/01/2016

Các biện pháp như tưới tiêu nhỏ giọt, gom nước từ khí trời cho đến dùng thuốc trừ sâu sinh học... đã giúp Israel lo đủ lương thực từ những năm 50 ở thế kỷ trước, và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững. Đây là những bài học quý cho thế giới, đặc biệt là cho các nước đang phát triển.

1. Tưới tiêu nhỏ giọt 

Tưới tiêu nhỏ giọt là một cách mạng thực sự trong nông nghiệp của Israel. Nó được khai sinh bởi kỹ sư Simcha Blass, người tình cờ phát hiện thấy nhỏ giọt chậm và cân bằng nước dẫn đến tăng trưởng đáng kể cho cây trồng. Năm 1965, dựa trên phát minh của mình, Kibbutz Hatzerim đã xây dựng một ngành công nghiệp tưới tiêu hoàn toàn mới có tên Netafim.

Tưới tiêu nhỏ giọt theo cách của người của Israel bắt đầu lan rộng khắp thế giới. Các mô hình mới nhất là hệ thống tự làm sạch và duy trì tốc độ dòng chảy thống nhất bất kể chất lượng lẫn áp lực nước nhiều hay ít. Ví dụ, tại Senegan mới đây, người ta đã lắp đặt hệ thống tưới nước kiểu này có tên Tipa (nghĩa là nhỏ giọt), đi theo mô hình Israel phát triển. Đây là hệ thống tưới tiêu đơn giản, sử dụng lực hấp dẫn khi thiếu nguồn nước hoặc áp lực nước không đủ tại các vùng nông thôn, giúp 700 hộ gia đình nông dân ở Senegan canh tác trên đất cằn cỗi nhiều vụ thay vì một vụ như trước đây.

2. Sử dụng kén để đựng hạt giống

Người Israel đã thiết kế ra loại kén dùng để đựng hạt giống (Grain cocoons) có tên GrainPro, vừa đơn giản, rẻ tiền và rất tiện cho nông dân. “Kén” thực chất là những chiếc túi lớn, do chuyên gia tư vấn công nghệ thực phẩm quốc tế, giáo sư Shlomo Navarro phát minh, hiện có mặt tại hầu hết ở các nước đang phát triển, giữ kín khí lẫn nước, kể cả ở những nơi nhiệt độ và độ ẩm không khí cao. Những chiếc túi này làm giảm đáng kể lượng thất thoát, hư hỏng ngũ cốc sau thu hoạch, có nơi lên tới 50%.

3. Kiểm soát dịch bệnh bằng sinh học

Công ty Bio-Bee của Israel  đã nuôi giống côn trùng thân thiện và bọ ve cho việc diệt trừ sâu bệnh, giúp ong bướm thụ phấn tự nhiên trong nhà kính và trên cách đồng mở. Bio-Bee còn kinh doanh cả loài ruồi giấm triệt sản Địa Trung Hải để kiểm soát sâu bệnh cho nhóm cây ăn quả. Tiến sĩ Shimon Steinberg ở Bio-Bee cho biết, sản phẩm bán chạy nhất của công ty trên toàn thế giới là cam nhện dài 2mm, hình quả lê - khắc tinh đối với côn trùng gây hại mùa màng, đặc biệt là ve nhện (spider mite) loài sâu chuyên tàn phá nông nghiệp. Tại Israel, các sản phẩm Bio-Bee đã giúp nông dân canh tác các loại quả mọng và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tới 75%. Hiện Bio-Bee đã xuất khẩu 8 loài côn trùng đảm nhận vai trò tác nhân kiểm soát sinh học, kết hợp thụ phấn tới 32 quốc gia từ Nhật Bản đến Chile và nhiều quốc gia đang phát triển khác.

4. Chăn nuôi bò sữa

Một số công ty của Israel như Hof Hasharon Dairy Farm, SAE Afikim và SCR Precise Dairy  đã và đang thương phẩm khắp thế giới các hệ thống quản lý đàn, giám sát và nuôi dưỡng bò sữa tiên tiến. Hãng SAE Afikim là một trong 10 công ty hàng đầu của Israel tham gia vào dự án dài 5 năm ở Việt Nam nuôi bò sữa có vốn đầu tư 500 triệu USD. Đây là dự án lớn nhất về chăn nuôi bò sữa trên thế giới với quy mô 30.000 con bò, 12 nhà máy chế biến sữa cung cấp 300 triệu lít sữa mỗi năm. Đến cuối năm 2012, 500.000 lít sữa được sản xuất mỗi ngày. Trung Quốc cũng đã cử các nhóm học viên quản lý trang trại bò sữa tới Israel để tìm hiểu và học cách sản xuất bò sữa kiểu này.

5. Cho ra đời giống khoai tây chịu được môi trường khắc nghiệt

Sau gần 3 thập kỷ nghiên cứu, Giáo sư David Levy ở Đại học Hebrew (Israel) cùng các cộng sự đã cho ra đời giống khoai tây mới có thể phát triển trong môi trường khí hậu khắc nghiệt như nóng, khô, và chịu được nước mặn. Khoai tây là một trong những nguồn lương thực chính cho hàng triệu người trên thế giới, với giải pháp này đã tạo lối thoát cho nông dân ở những nơi không được thiên nhiên ưu đãi như tại các vùng sa mạc, ven biển ở Trung Đông, giải pháp “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả cho nông dân ở nhiều nơi trên thế giới.

6. Công nghệ “gom nước” trong không khí

Công ty công nghệ Tal-Ya Water Technologies (TWT) của Israel mới đây đã cho ra đời công nghệ tưới nước bằng khay nhựa tái chế, gom nước từ hơi ẩm có trong không khí, tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước dùng cho nông nghiệp. Đây là loại khay vuông có răng cưa, được làm từ nhựa tái chế, có các bộ lọc tia cực tím, kèm theo phụ gia là vôi bao quanh gốc cây.Với sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm, hơi nước được hình thành, đọng lại trên bề mặt của khay sau đó qua các rãnh đi thẳng vào rễ cây. Nếu trời mưa, các khay này sẽ hứng nước mưa, làm tăng hiệu quả tưới tiêu cao tới 27 lần. Chưa hết, các khay này còn có nhiệm vụ hạn chế ánh mặt trời, khống chế cỏ dại, bảo vệ cây trồng trước sự thay đổi nhiệt độ tại vùng sa mạc, đất cằn, đồng thời làm giảm sự ô nhiễm cho nguồn nước ngầm.

7. Công nghệ bảo vệ cây trồng thân thiện

Mới đây Công ty chuyển giao công nghệ thuộc ĐH Hebrew, Israel đã  hợp tác với Makhteshim Agan, công ty hàng đầu thế giới về sản phẩm bảo vệ cây trồng, phát triển và thương mại hóa sản phẩm thuốc diệt cỏ nhả chậm và thuốc trừ sâu không gây tổn hại cho côn trùng có ích. Phương án bảo vệ cây trồng của Israel mang tính thân thiện, đó là các loại thuốc diệt cỏ có đặc tính vật lý giống đất sét, mang điện tích âm, giúp nhả chậm vào đất, dễ kiểm soát, làm giảm thẩm thấu vào các lớp đất sâu nên hiệu quả diệt cỏ cao,  không gây nhiễm độc nguồn đất và nguồn nước.

   Đối với thuốc trừ sâu, Israel cho ra đời các loại thuốc đặc hiệu, chỉ tiêu diệt  sâu bệnh có hại, còn côn trùng có ích thì vô sự, nên bảo đảm tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tốt hơn so với các loại thuốc diệt cỏ truyền thống.

8. Nuôi cá trong sa mạc

Nhiều quốc gia đau đầu vì muốn phát triển nghề cá hiềm nỗi diện tích nuôi trồng lại hạn hẹp bởi thiếu nguồn nước. Để khắc phục tình trạng này người Israel đã phát minh ra công nghệ GFA, có nghĩa là nuôi cá mọi nơi (Grow Fish Anywhere). Thực chất đây là hệ thống nuôi cá khép kín và có thể lắp đặt ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước cũng như môi trường bên ngoài. Đặc biệt, GFA sử dụng các vi khuẩn để làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh cho cá nên ao nuôi không cần thay nước, không cần vệ sinh nên mang tính kinh tế cao. Nắm 2010, công nghệ GFA đã được người Mỹ ứng dụng, xây dựng cơ sở sản xuất được 100 tấn cá, chủ yếu là cá tráp biển và cá rô phi.

9. Sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính

Seambiotic, Công ty công nghệ sạch của Israel mới đây đã xây dựng một trang trại tảo thương mại tại Trung Quốc, Mỹ và Italia. Tảo là loài thực vật có thể mang lại giá trị cao gấp 30 lần so với bất kỳ loại cây trồng nào, đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học và cũng là “nhà máy” sản xuất dưỡng khí ôxy cho con người, cho thiên nhiên. Thức ăn chính của tảo là CO2 và ánh sáng, hệ thống của Seambiotic sẽ tận dụng CO2  thải từ các nhà máy biến thành nguồn cung cấp thức ăn cho tảo.  Rất nhiều nơi như châu Phi và Trung Đông, ánh sáng mặt trời phong phú nên việc nuôi tảo rất thuận lợi.

10. Tạo hạt giống chất lượng cao

Nhóm chuyên gia ở Đại học Hebrew, Ilan Sela và Haim D. Rabinowitch mới đây đã phát triển thành công công nghệ TraitUP, cho phép cấy ghép vật liệu di truyền vào hạt giống mà không sửa đổi cấu trúc AND nguyên thủy, tạo ra hạt giống cây trồng có chất lượng cao ngay trước khi được gieo trồng. Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể đưa các đặc tính về kháng sâu bệnh, tăng cường các đặc điểm thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu vào các hạt giống để nâng cao chất lượng cây trồng. Công nghệ này mở ra các cơ hội cho việc phát triển các giống cây trồng đặc chủng, kháng sâu bệnh cho từng vùng miền có khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau để tối ưu hóa năng suất, chất lượng,  giúp tăng sản lượng, tăng thu nhập cho người nông dân và  bảo đảm tốt mục tiêu an ninh lương thực.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo ISRAEL21c)


Ý kiến bạn đọc