Mỹ và Liên minh châu Âu chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran
Theo AFP và Tân hoa xã, Liên minh châu Âu (EU) ngày 16-1 đã nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tuyên bố rằng Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Quyết định trên, vốn đã được thông qua bởi 28 nước thành viên EU để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vẫn phải được công bố trong Công báo Chính thức của khối này để có hiệu lực, vốn được cho là sắp diễn ra.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Washington đã thực thi cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân Iran, dỡ bỏ một số lượng lớn các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran để hạn chế chương trình vũ khí của Tehran. Ông Kerry nêu rõ: "Do đó, tôi xác nhận rằng IAEA xác minh Iran đã thực hiện đầy đủ những cam kết được yêu cầu của họ... Những cam kết của Mỹ liên quan đến lệnh trừng phạt giờ đây có hiệu lực". Trong khi đó, Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một mệnh lệnh hành pháp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.
Bên cạnh đó, cả Iran và Mỹ đều tuyên bố quyết định trao đổi tù nhân. Hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 16-1 cho biết, Mỹ sẽ thả 7 công dân Iran đang bị giam giữ. Kênh truyền hình nhà nước Iran cũng thông tin, Chính phủ Iran đã thả 4 tù nhân quốc tịch Mỹ, bao gồm một phóng viên của báo Bưu điện Washington Post, một cựu lính Hải quân Mỹ và một mục sư. Danh tính tù nhân thứ 4 vẫn chưa được công bố.
Đại sứ Iran tại IAEA Reza Najafi (giữa) trước cuộc họp Ban Giám đốc IAEA tại Vienna (Áo) ngày 15-12. (Kyodo/TTXVN) |
Sau khi lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, Ủy ban châu Âu sẽ triển khai một “phái bộ đánh giá kỹ thuật” đầu tiên của Liên minh châu Âu vào tháng 2 tới nhằm khai thác các mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng với Iran. Theo thông tin được Cao ủy Năng lượng và Môi trường Liên minh châu Âu Miguel Arias Canete công bố ngày 17-1, Phái bộ đánh giá kỹ thuật đầu tiên này của Liên minh châu Âu liên quan đến lĩnh vực năng lượng gồm 15 thành viên sẽ tới Iran vào đầu tháng 2 tới. Sau chuyến đi của phái bộ này, các thành viên của Ủy ban cấp cao của Liên minh châu Âu cũng sẽ tới Iran. Theo Cao ủy Năng lượng và Môi trường Liên minh châu Âu, tiềm năng hợp tác giữa Iran và Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực như hạt nhân, dầu mỏ, khí đốt, năng lượng tái tạo là rất lớn. Việc hợp tác với Iran trong lĩnh vực năng lượng được xem sẽ giảm bớt áp lực của Liên minh châu Âu vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân là một chiến thắng vẻ vang cho quốc gia Hồi giáo này. Ông cũng bày tỏ hy vọng về một năm thịnh vượng với Iran sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.
Iran cũng cho biết nước này đã lên kế hoạch sử dụng hàng tỷ USD đang bị phong tỏa để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu, sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này được dỡ bỏ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) Valiollah Seif tuyên bố sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran sẽ có thể tiếp cận ngay lập tức khoản tài chính trị giá 30 tỷ USD bị phong tỏa của nước này. Khoản tiền này sẽ được chính quyền Iran chuyển vào một tài khoản an toàn để sử dụng. Ông Seif cũng nhấn mạnh việc dỡ bỏ phong tỏa đối với các khoản tài chính ở các ngân hàng ngoài nước cũng như mở lại hệ thống thanh toán quốc tế là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Iran.
Tháng 7 năm ngoái, quan chức này cho biết khoảng 23 tỷ USD tài sản bị phong tỏa thuộc sở hữu của CBI. Ngoài ra, khoảng 6-7 tỷ USD doanh thu của chính phủ từ các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ với các đối tác quốc tế cũng bị phong tỏa sau khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao. Liên hiệp quốc, Anh và Pháp đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran và bày tỏ hy vọng thành công này sẽ góp phần vào sự ổn định của khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 16-1 cảnh báo, Iran vẫn đang tìm cách đạt được khả năng hạt nhân quân sự bất chấp thỏa thuận được thực hiện. Theo ông Netanyahu, Iran sẽ không từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tiếp tục hành động gây bất ổn Trung Đông trong khi vi phạm các cam kết quốc tế.
Iran và Mỹ đã có những động thái tích cực cho thấy mong muốn cải thiện quan hệ của 2 bên song vẫn còn chặng đường dài phía trước để có thể làm bạn.
Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran đồng thời với quyết định trao đổi tù nhân của 2 bên đã giảm đáng kể sự thù địch giữa Tehran và Washington, điều đã gắn với bức tranh địa chính trị ở Trung Đông kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 đến nay.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong cuộc gặp tại New York, Mỹ ngày 26-9-2015. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong một tuyên bố khi tiến hành chiến dịch vận động tranh cử ngày 16-1, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, đây là những bước tiến quan trọng khiến nước Mỹ cùng các đồng minh và toàn thế giới trở nên an toàn hơn. Bà Clinton chúc mừng Tổng thống Obama đồng thời bày tỏ niềm tự hào vì đã đóng vai trò khởi động tiến trình này. Mặc dù vậy, bà Clinton kêu gọi thiết lập các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vì chương trình thử tên lửa đạn đạo của nước này. Phát biểu của bà Clinton phần nào phản ánh thực tế rằng, dù mềm mỏng hay cứng rắn thì quan điểm chung của các chính trị gia Mỹ thuộc cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn là duy trì chính sách trừng phạt không nhất quán đối với Iran, nghĩa là tách biệt các lệnh trừng phạt vì vấn đề hạt nhân với các vấn đề khác, cụ thể là chương trình tên lửa của Iran.
Mỹ sẽ không thể vội vàng trên con đường “làm bạn”, thậm chí là hướng đến việc coi Iran là đối tác lớn hay đối tác chiến lược ở khu vực như một số nhà phân tích cho rằng Washington nên làm. Nguyên nhân là vì Mỹ còn phải kiêng nể các đồng minh truyền thống vốn coi Nhà nước Hồi giáo theo dòng Shiite này là mối đe dọa như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Baranh, Jordan cũng như những nước khác trong khu vực do người Sunni lãnh đạo.
Cựu chuyên gia phân tích chính trị của Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington, ông Fahad Nazer cho rằng, theo quan điểm của Saudi Arabia, đồng minh có thể coi là hùng mạnh nhất của Mỹ ở Trung Đông, thì Washington chủ yếu đang dựa vào “củ cà rốt” cho Iran trong khi Tehran đang dùng “cây gậy” với nước Mỹ. Và vì những lý do khác nhau mà lãnh đạo các nước Arab theo dòng Sunni khác cũng chia sẻ cảm nhận này. Vì thế, bất chấp việc Mỹ bán rất nhiều vũ khí và đưa ra những bảo đảm về an ninh cho các đồng minh này, những nhà hoạch định chính sách người Sunni ở Trung Đông vẫn cảm thấy chính sách của Mỹ đối với Iran gần đây là một thách thức đối với họ.
Hà Như (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc