Châu Âu tăng cường chống nạn buôn người di cư
Tổ chức Cảnh sát Liên minh châu Âu Europol ngày 22-2 đã thiết lập một đơn vị mới chuyên trách về giải quyết nạn buôn người di cư bất hợp pháp vào châu Âu. Đây là một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn muốn chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói, đang đổ dồn về châu lục này.
Europol ước tính, có tới 9/10 người tìm kiếm quy chế tị nạn tại châu Âu đến được châu lục này nhờ một mạng lưới buôn người. Trung tâm mới được thành lập của Europol có trụ sở đặt tại La Hay, Hà Lan, sẽ giúp các thành viên Liên minh châu Âu “cải thiện việc trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người di cư có tổ chức”. Giám đốc Europol, Rob Wainwright cho biết, sẽ thảo luận để hợp tác sâu hơn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nơi phần lớn người tị nạn chọn làm điểm khởi hành hướng tới châu Âu.
Người di cư vượt qua cửa khẩu biên giới tại Zakany, Hungary ngày 16-10-2015. (Nguồn: Reuters/TTXVN) |
Theo một báo cáo của Europol, riêng trong năm ngoái, mạng lưới tội phạm liên quan tới nạn buôn người đạt doanh thu ước tính khoảng từ 3 tỷ tới 6 tỷ euro. Europol cũng cho biết đã có thông tin tình báo của hơn 40.000 người bị tình nghi tham gia vào mạng lưới buôn người di cư. Chỉ riêng năm ngoái, thông tin về hơn 10.000 nghi phạm đã được chia sẻ với Europol, dẫn tới hơn 1.500 cuộc điều tra được tiến hành nhằm vào các mạng lưới đang hoạt động tại Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh dòng người di cư tiếp tục đổ về Hy Lạp và điểm nóng Balkan để vào châu Âu, các nước vùng Đông và Nam Âu vẫn tiếp tục triển khai những biện pháp mới nhằm hạn chế dòng người nhập cư.
Sau khi tuyên bố áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn, giới chức Áo đã đẩy mạnh việc bảo vệ biên giới nước này. Bộ Quốc phòng Áo cho biết, sẽ tăng cường thêm 450 binh sĩ vào lực lượng bảo vệ tại khu vực biên giới.
Việc Áo vừa quyết định chỉ tiếp nhận 80 người nhập cư mỗi ngày khiến nhiều nước lo ngại làn sóng di cư sẽ chuyển sang các nước khác ở châu Âu. Bước đi này tiếp tục vấp phải sự chỉ trích từ Liên minh châu Âu khi cho rằng sẽ làm suy yếu những nỗ lực của các quốc gia Liên minh châu Âu, nhằm tìm kiếm một giải pháp đồng nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu. Ủy viên châu Âu về chính sách di cư Dimitris Avramopoulos nhấn mạnh: “Sự thật là Áo đang chịu sức ép rất lớn, bởi vì Áo nằm ở điểm cuối khu vực Balkan và cửa ngõ hướng tới các quốc gia Trung Âu. Và chúng ta phải giúp đỡ Áo. Tôi đã ở đó, tôi đã thấy tình hình thực tế, tôi hiểu khó khăn như thế nào để đối phó với những vấn đề này”. “Người Áo đến nay vẫn làm việc này rất tốt. Họ đã thiết lập các điểm nóng, các trung tâm tiếp nhận người tị nạn, nhưng sự thật là họ đang quá tải. Mặt khác, có một số nguyên tắc và luật lệ mà tất cả các nước phải tôn trọng và áp dụng và tất nhiên Áo cũng không thể bị loại trừ khỏi tất cả những điều này”, Ủy viên châu Âu về chính sách di cư Dimitris Avramopoulos cho biết thêm.
Trong khi đó, cảnh sát Hungary cho biết, khoảng 1.500 người di cư đã tìm cách xâm nhập trái phép vào nước này từ Serbia. Riêng từ ngày 19 đến 21-2, đã có 500 người bị bắt giữ. Chính phủ Hungary tuyên bố sẽ đẩy nhanh xây dựng hàng rào tại biên giới với Romania nếu người di cư xâm nhập trái phép từ hướng này. Ngày 24-2, Chính phủ Hungary đã đệ đơn ra Ủy ban bầu cử trung ương nước này đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý xem người dân có đồng ý chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận người di cư mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ hay không. Câu hỏi trưng cầu cho người dân nước này là: Bạn có đồng ý để EU áp đặt hạn ngạch tái định cư tại Hungary người không phải công dân nước này mà không có sự phê chuẩn của quốc hội hay không?
Tối 22-2, Quốc hội Slovenia cũng đã bỏ phiếu thông qua đạo luật cho phép quân đội hỗ trợ cảnh sát kiểm soát làn sóng người nhập cư vào nước này trong 3 tháng.
Tiếp tục các nỗ lực giải quyết bài toán nhập cư đầy nan giải này, Liên minh châu Âu kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 3 tới để phối hợp các nỗ lực để ngăn chặn làn sóng di cư qua biển Aegean vào Hy Lạp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh kế hoạch hành động chung với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một ưu tiên để Liên minh châu Âu có thể thành công trong giải quyết vấn đề nan giải này.
Người di cư chờ tại Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt biển tới Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong một diễn biến khác, Hy Lạp ngày 23-2 đã phản đối việc Áo gạt nước này khỏi hội nghị bàn về vấn đề người di cư ở Balkan diễn ra vào giữa tuần này tại thủ đô Vienna của Áo.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp ra tuyên bố nêu rõ đây là hành động một chiều và thiếu thân thiện đối với Hy Lạp. Bộ Ngoại giao Hy Lạp chỉ trích những nỗ lực đưa ra quyết định mà không có Hy Lạp trong khi Hy Lạp là nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng người di cư. Hiện vẫn còn hàng nghìn người di cư đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp và chưa thể tới được các nước khác giàu có trong Liên minh châu Âu (EU).
Cho đến nay, Áo chỉ mời các bộ trưởng ngoại giao và nội vụ của các nước Albania, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia và vùng lãnh thổ Kosovo tới tham dự cuộc họp diễn ra ngày 24-2 có tên gọi "Cùng nhau quản lý vấn đề nhập cư". Hy Lạp đã chỉ trích Áo hủy hoại những nỗ lực nhằm tìm kiếm phản ứng chung của toàn châu Âu đối với vấn đề người di cư khi gạt ra những nước thành viên EU có quan điểm cứng rắn.
Hiện Áo muốn hợp tác với Nhóm Visegrad gồm 4 nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc nhằm kiểm soát biên giới bên trong Khu vực tự do di lại Schengen.
Dương Hà (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc