Hội nghị an ninh Munich: Tìm lời giải cho nhiều "bài toán khó"
Ngày 13-2, Hội nghị an ninh Munich thường niên lần thứ 52 đã bước sang ngày họp thứ 2. Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng xuyên biên giới từ cuộc nội chiến Syria tới luồng người nhập cư ngày càng vượt tầm kiểm soát tại châu Âu, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ngày càng tàn bạo hay dịch bệnh do virus Zika mới đây, có thể nói chưa bao giờ bài toán đoàn kết được nhắc tới nhiều như lúc này.
Hội nghị tập trung thảo luận về vấn đề Syria, cách thức phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn, tương lai của trật tự an ninh châu Âu. Bên cạnh đó, sự ổn định ở khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và kiểm soát vũ khí trong không gian mạng.
Theo Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger, các cuộc xung đột và khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt là nghiêm trọng và nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh và không chỉ giới hạn trong biên giới một nước. Ông Ischinger kêu gọi các nước thể hiện nhiều hơn nữa tình đoàn kết và tìm kiếm câu trả lời chung cho các cuộc khủng hoảng thay vì các giải pháp mới chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thì cho rằng, hội nghị lần này là nền tảng quan trọng cho đối thoại. “Hội nghị an ninh Munich là nền tảng quan trọng cho thảo luận và đối thoại. Và sự kiện càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt một môi trường an ninh mới, với những đòi hỏi và thách thức lớn hơn bao giờ hết”, ông Stoltenberg nói.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 13-2, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cảnh báo trong thời gian tới "chắc chắn" sẽ có thêm những vụ tấn công khủng bố quy mô lớn ở châu Âu. Ông Manuel Valls nhấn mạnh thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới có sự hiện diện lâu dài của chủ nghĩa "khủng bố thái quá", bởi vậy chắc chắn sẽ có thêm những vụ tấn công khủng bố, thậm chí là những vụ khủng bố quy mô lớn trong thời gian tới. Theo người đứng đầu chính phủ Pháp, chủ nghĩa "khủng bố thái quá" sẽ còn tồn tại, cộng đồng quốc tế cần phải ý thức đầy đủ và phản ứng lại mối đe dọa này một cách mạnh mẽ và rõ ràng.
Một sự kiện có ý nghĩa chỉ vài giờ trước khi khai mạc hội nghị là việc các cường quốc phương Tây đã nhất trí được một lệnh ngừng bắn tại Syria. Dù bị đánh giá là khá mong manh, song thỏa thuận này được xem là động lực cho nỗ lực giải quyết cuộc nội chiến tại Syria nói riêng và các cuộc khủng hoảng xuyên biên giới khác.
Tại Đối thoại Syria diễn ra ở Munich (Đức), 17 quốc gia đồng ý thực thi một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria trong vòng 1 tuần để thiết lập các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho người dân. Phát biểu sau cuộc họp báo tại hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết lệnh ngừng bắn nói trên không áp dụng đối với các tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay Mặt trận al-Nusra. Các hoạt động quân sự chống lại những nhóm Hồi giáo cực đoan này sẽ vẫn được tiến hành. Cũng theo ông Lavrov, cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cần được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể với sự tham gia của tất cả các nhóm đối lập Syria. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh các bên tham chiến tại Syria ngừng bắn là một bước tiến đến khởi động đàm phán giữa các bên Syria. Đàm phán giữa các bên Syria cũng không nên có bất cứ điều kiện tiên quyết nào và phải bao gồm đại diện rộng rãi phe đối lập. Vòng đàm phán đã 2 lần bị trì hoãn và đang rơi vào bế tắc vì cả hai phe chính phủ và lực lượng đối lập Syria không chấp nhận nhượng bộ. Đặc phái viên Liên hiệp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura phải tuyên bố hoãn vòng đàm phán tới ngày 25-2.
Binh sĩ Syria làm nhiệm vụ tại thị trấn Salma, Latakia ngày 12-1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận kế hoạch ngừng bắn này là khá tham vọng và thành công của nó còn phụ thuộc vào việc những lực lượng mặt đất cần tôn trọng cam kết. Một lực lượng chuyên trách do Mỹ và Nga cùng điều hành sẽ có trách nhiệm thực thi thỏa thuận ngừng bắn thông qua các cuộc tham vấn với những lực lượng tham chiến của Syria. Tuy đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhưng việc Nga khẳng định tiếp tục không kích IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khiến Anh, Mỹ không hài lòng. Ông Kerry một lần nữa nhắc lại việc các cuộc không kích của Nga đã nhằm vào những mục tiêu mà phương Tây gọi là lực lượng nổi dậy ôn hòa chứ không phải khủng bố như phía Mátxcơva vẫn gọi. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, việc ngừng bắn chỉ thực thi được khi Nga dừng các đợt không kích truy quét khủng bố của họ.
Tại hội nghị, các cường quốc cũng nhất trí tăng cường và mở rộng viện trợ nhân đạo đối với Syria. Một lực lượng đặc nhiệm của LHQ sẽ được thiết lập để bảo đảm tất cả các bên đều có thể nhận viện trợ nhằm tránh việc hàng cứu trợ rơi vào tay của lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Hồng Hà (Tổng hợp từ VOV, TTXVN, SGGP)
Ý kiến bạn đọc