Nga, NATO "giao chiến" tại diễn đàn an ninh Munich
Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức tiếp tục trở thành một diễn đàn tranh cãi đầy căng thẳng giữa các nước lớn về nhiều vấn đề của thế giới. Đáng lưu ý là cuộc khẩu chiến giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi NATO quyết định thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu mới đây.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hôm 13-2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga và các nước phương Tây đã rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh “đường lối chính trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga vẫn là thù địch và đóng kín”. Thủ tướng Medvedev khẳng định dù thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa thực tế, song ông hy vọng các nước phương Tây hiểu rằng chúng hoàn toàn khác, không liên quan tới Nga.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và ông Stoltenberg khi làm Thủ tướng Na Uy. Ảnh: Sputnik. |
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Nga là một cường quốc thế giới, NATO không muốn Chiến tranh Lạnh với Nga. Người đứng đầu NATO nhấn mạnh Nga là láng giềng lớn nhất của liên minh quân sự này và là một cường quốc thế giới. NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Moskva và không muốn Chiến tranh Lạnh giữa hai bên. Tổng Thư ký NATO cho rằng quan hệ với Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại". Theo ông, NATO sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn và xây dựng hơn với Nga, đồng thời thiết lập đối thoại xây dựng nhằm bảo đảm sự ổn định lâu dài ở châu Âu, tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ của các vụ tai nạn đụng độ giữa lực lượng hai bên.
Đề cập đến hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, Tổng Thư ký NATO tuyên bố NATO không từ bỏ dự án trên, đồng thời cho rằng răn đe hạt nhân vẫn là một phần trong chiến lược của khối quân sự này. Theo ông Stoltenberg, NATO tiếp tục phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và hệ thống này không nhằm chống lại Nga. NATO cũng đã đề nghị Nga hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa.
Trước đó, vào ngày 10-2, NATO đã thông qua kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại các nước thành viên ở sườn phía Đông của liên minh quân sự này. Động thái của NATO làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh sắp nổ ra giữa Nga với NATO và với cả Mỹ.
Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, một lực lượng đa quốc gia sẽ được thành lập để cho thấy việc tấn công một nước sẽ là hành động tấn công nhằm vào tất cả các nước đồng minh. Phản ứng trước kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu của NATO, đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko tuyên bố, NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Ông Grushko lưu ý rằng Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu. Phá hoại thỏa thuận đó sẽ làm mất đi những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự - chính trị, làm mất ổn định thêm tình hình tại châu Âu. Ông Grushko nhấn mạnh, tình hình an ninh tại châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ giữa Nga và NATO cũng như nền tảng của quan hệ đó.
Theo kế hoạch của NATO, lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu sẽ được tăng gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 người; đồng thời NATO sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ. Ngoài 6 trung tâm chỉ huy đã mở ở Đông Âu trong năm 2015, từ nay đến cuối năm 2016, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới.
Một trong những cuộc diễn tập triển khai binh sĩ của NATO tại Latvia. |
Thực tế, trong những năm gần đây đã manh nha xuất hiện cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới và nguy hiểm hơn giữa Mỹ và Nga. Giáo sư Đại học Princeton của Mỹ Stephen Cohen nhận định việc Mỹ tăng gấp 4 lần chi phí cho các lực lượng Mỹ để chống lại Nga, Lầu Năm Góc đang đẩy thế đối đầu Mỹ - Nga vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, mà mức độ còn nguy hiểm hơn trước rất nhiều, thậm chí leo thang thành chiến tranh hạt nhân như nhận định của Giáo sư Stephen Cohen trên tờ The Nation trước đây. Các kịch bản xung đột giữa Nga và NATO hay Nga và Mỹ thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo giáo sư Cohen, việc Lầu Năm Góc liên tiếp tăng chi tiêu quân sự, việc NATO tăng cường sự hiện diện gần biên giới Nga và vẫn đang kêu gọi các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với Nga... sẽ buộc Mátxcơva đưa ra biện pháp trả đũa, và có lẽ, các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ được Nga triển khai ở biên giới châu Âu.
Hà Dương (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+, SGGP)
Ý kiến bạn đọc