Multimedia Đọc Báo in

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiếp tục triệu tập họp khẩn về Syria

07:41, 26/09/2016
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã nhất trí triệu tập cuộc họp khẩn vào tối 25-9 (theo giờ Hà Nội) để thảo luận về tình hình chiến sự đang leo thang tại thành phố Aleppo của Syria, sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất bị đổ vỡ.
 
Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của Anh, Pháp và Mỹ, nhằm thảo luận về chiến dịch vũ trang của quân đội Syria và lực lượng đồng minh nhằm giành lại quyền kiểm soát Aleppo. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng cảnh báo việc sử dụng các vũ khí hạng nặng tại một khu vực đông dân cư có thể bị xếp vào tội ác chiến tranh. 
 
Các lực lượng Chính phủ Syria làm nhiệm vụ tại trại Handarat, Aleppo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các lực lượng Chính phủ Syria làm nhiệm vụ tại trại Handarat, Aleppo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria tiếp tục siết chặt vòng vây truy quét quân khủng bố tại điểm nóng Aleppo, Đông Bắc Syria. Sau hai ngày giao tranh, ngày 24-9, quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát trại Handarat - nơi ở của người tị nạn Palestine nằm ở phía Bắc Aleppo, đồng thời siết chặt vòng vây tại khu vực phía Đông thành phố chiến lược này. Đợt tấn công quân sự mới nhất vào Aleppo được xem là cuộc chiến trên bộ lớn chưa từng có trong 5 năm xung vừa qua đột ở Syria.
 
Cùng ngày, phát biểu tại Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem khẳng định quân đội nước này đang đạt bước tiến trong "cuộc chiến chống khủng bố", đồng thời bày tỏ tin tưởng về chiến thắng cuối cùng. Ông cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang "đồng lõa" với các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố vũ trang khác, đồng thời lên án cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào binh lính Syria cách đây một tuần là hành động cố ý chống lại chính phủ Syria.
 
Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định cam kết ủng hộ các giải pháp chính trị theo tinh thần hội nghị Geneva, nhưng nêu rõ các giải pháp phải dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
 
Mỹ và các đồng minh châu Âu ngày 24-9 cho biết Nga có thể mang lại lệnh ngừng bắn ở Syria thông qua các “bước đi phi thường”. Các nước hối thúc Nga gây ảnh hưởng để chính quyền Syria cho phép tiến hành công tác cứu trợ nhân đạo, tạo điều kiện cần thiết để khôi phục đàm phán về chuyển giao chính trị do Liên hiệp quốc bảo trợ. 
 
Lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần do Nga và Mỹ dàn xếp đã kết thúc hôm 19-9 và những nỗ lực nhằm khôi phục ngừng bắn đều thất bại. Cùng ngày một đoàn xe cứu trợ bị không kích mà sau đó Nga và Mỹ đổ lỗi cho nhau gây ra sự cố này.
 
Hôm 24-9, các cuộc không kích dữ dội đã trúng các tòa nhà, giết chết ít nhất 45 dân thường tại Aleppo, 2 ngày sau khi quân đội Syria thông báo cuộc tấn công nhằm tái chiếm phần phía Đông thành phố Aleppo. 
 
Chiến sự tại Syria đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát cho người dân tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: AP.
Chiến sự tại Syria đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát cho người dân tại quốc gia Trung Đông này. (Nguồn: AP)
 
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc khôi phục lệnh ngừng bắn ở Syria phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan chứ không chỉ phụ thuộc vào "những nhượng bộ đơn phương của Nga”.
 
Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình Vesti on Saturday,  ông Lavrov nói: "Việc khôi phục lệnh ngừng bắn chỉ có thể phụ thuộc vào nền tảng tập thể". 
 
Bên cạnh đó, ông kêu gọi tiến hành điều tra về vụ không kích đoàn xe viện trợ hôm 19-9 gần Aleppo của Syria làm 20 người chết, đồng thời khẳng định lại rằng các lực lượng không quân của Nga và Syria không liên quan tới vụ tấn công này.
 
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi tách các lực lượng đối lập khỏi phong trào Mặt trận al-Nusra và cho biết gần đây Nga đã phát hiện các tay súng đối lập gia nhập mặt trận này.
 
Hà Dương (Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.