Bỉ "dội gáo nước lạnh" vào thỏa thuận thương mại EU-Canada
07:37, 24/10/2016
Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn cho Bỉ đến cuối ngày 24-10 phải thông qua Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện Liên minh châu Âu (EU)-Canada (CETA), nếu không hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch nhằm ký kết văn kiện này sẽ bị hủy bỏ.
Theo một nguồn tin từ EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ thảo luận với Thủ tướng Bỉ Charles Michel vào ngày 24-10, sau đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ quyết định có tới Brussels để ký kết CETA hay không.
Nếu Thủ tướng Michel không thể bảo đảm rằng Bỉ có thể sẽ đồng ý để EU ký thỏa thuận trên, Hội nghị thượng đỉnh EU-Canada dự kiến diễn ra ngày 27-10 tới sẽ bị hủy bỏ vô thời hạn.
Thỏa thuận thương mại tự do EU-Canada đang có nguy cơ bị đổ vỡ khi Bỉ không thể thông qua văn kiện trên do sự phản đối của vùng Wallonia thuộc Bỉ.
Trước đó, vào ngày 21-10, chính quyền vùng Wallonia của Bỉ tuyên bố phản đối Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa EU và Canada (CETA). Tuyên bố đã dội một gáo nước lạnh vào Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels, nơi mà thỏa thuận này trở thành tâm điểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: European External Action Service) |
Ngày 22-10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) với hy vọng tìm ra hướng cứu vãn thỏa thuận này.
Trước đó, ông Donald Tusk ngày 20-10 cảnh báo EU sẽ không thể thương lượng các thỏa thuận thương mại mới nếu Bỉ không thông qua CETA.
Theo kế hoạch, CETA sẽ được ký kết trong chuyến công du của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Brussels vào ngày 27-10 tới. Tuy nhiên, tuần vừa qua, cơ quan lập pháp vùng Wallonie của Bỉ đã bỏ phiếu phủ quyết việc ký kết CETA do những lo ngại liên quan đến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu sẽ bị hạ thấp, cùng với đó là thị trường lao động bị đe dọa.
Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Bỉ không thể thông qua thỏa thuận CETA bởi theo quy định, Chính phủ Bỉ chỉ có thể thông qua CETA khi nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan lập pháp cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này. Diễn biến trên đã đẩy văn kiện này rơi vào tình trạng "lấp lửng" sau quá trình đàm phán kéo dài 7 năm.
Nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit) và tình trạng tăng trưởng trì trệ. Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, từng cho rằng nếu EU không thể ký một thỏa thuận tốt với Canada - một trong những đồng minh thân cận của khối này thì thế giới sẽ đặt câu hỏi rằng liệu EU có phải là đối tác đáng tin cậy hay không.
Hồng Hà (Theo
Vietnam+, VOV)
Ý kiến bạn đọc