Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ Hungary phản đối EU bất chấp kết quả trưng cầu ý dân

08:22, 04/10/2016
Ngày 2-10, Ủy ban bầu cử quốc gia Hungary tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra về kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) không có giá trị pháp lý do số người đi bỏ phiếu chưa đạt mức tối thiểu 50%.
 
Theo Ủy ban trên, mặc dù có tới 98,2% cử tri phản đối kế hoạch tiếp nhận người di cư theo phân bổ của EU, song chỉ có 3,8 triệu trong số 8 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, chưa đủ tỷ lệ tối thiểu 50% (khoảng 4 triệu cử tri đi bỏ phiếu).
 
Ngay sau thông báo trên, phe đối lập tại Hungary đã kêu gọi Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chức, cáo buộc ông quá vội vã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân khi số người xin tị nạn tại Hungary không nhiều. 
 
Cử tri Hungary đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 2-10. (Ảnh: Reuters)
Cử tri Hungary đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 2-10. (Ảnh: Reuters)
 
Bất chấp điều đó, phe của Thủ tướng Orban vẫn tuyên bố chiến thắng và tiếp tục phản kháng mạnh mẽ việc tiếp nhận người tị nạn theo phân bổ của EU. Báo chí châu Âu liên tục đưa tin kết quả cuộc trưng cầu là một thất bại làm suy yếu Chính phủ cánh hữu cứng rắn của Thủ tướng Orban, bất chấp việc ông này vẫn tuyên bố chiến thắng.
 
Với con số 98.3% cử tri đi bỏ phiếu phản đối việc nhận người nhập cư theo phân bổ của EU, cuộc trưng cầu lẽ ra có thể là chiến thắng vang dội của Chính phủ Hungary nhưng chỉ có 39.9% số cử tri đi bỏ phiếu; và vì thế, cuộc trưng cầu – hay được coi là ván bài lớn do Thủ tướng Orban khởi xướng – đã mất đi tính hiệu lực.
 
Bản thân câu hỏi được Chính phủ Hungary đưa ra trưng cầu cũng đặt cử tri vào tình huống khó có thể nói “đồng ý”, bởi theo đó, Chính phủ Hungary hỏi người dân có chấp nhận đón tiếp những người nhập cư không phải người gốc Hungary do EU yêu cầu mà không thông qua sự xem xét của Quốc hội nước này hay không?
 
Tỷ lệ  cử tri không tham gia bỏ phiếu cho thấy thái độ thờ ơ của người dân Hungary, bất chấp chiến dịch tuyên truyền rầm rộ của Chính phủ phản đối người nhập cư. Và bản thân kết quả cuộc trưng cầu này cũng được xem là không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý theo luật của Hungary, kể cả khi nó có hiệu lực.
Tuy  nhiên, Chính phủ Hungary tiếp tục lập luận rằng con số cử tri đi bầu lần này (3,23 triệu người) còn cao hơn hồi năm 2003, khi chỉ có 3,05 triệu đi bỏ phiếu về việc gia nhập EU.
 
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Hungary khẳng định sẽ tiếp tục phản đối EU bằng cách đề xuất sửa đổi Hiến pháp để khẳng định quyền lực của Quốc hội Hungary đối với các thỏa thuận của châu Âu liên quan đến vấn đề người nhập cư.
 
Ông Orban tiếp tục khẳng định Hungary tự hào là nước đầu tiên ở châu Âu tiến hành trưng cầu ý dân trong vấn đề này và Hungary quyết định chỉ có những người dân quốc gia này mới được quyền chọn ai để tiếp nhận trên lãnh thổ nước mình.
 
Cùng với Hungary, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố EU nên ngừng việc áp đặt kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch đối với các nước thành viên, đồng thời cho rằng mục đích này hoàn toàn không thực tế. Phát biểu với nhật báo Welt am Sonntag của Đức, ông Kurz cảnh báo rằng mọi bất đồng về kế hoạch này có thể đe dọa tính đoàn kết trên toàn EU.
 
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, tháng 9/2015, các nước EU đã thỏa thuận giảm tải cho Hy Lạp và Italy, nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông, theo đó EC quyết định phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước EU. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Ba Lan và Hungary phản đối hạn ngạch trên và không nhận một người tị nạn nào theo sự phân bổ trên mặc dù đã qua một nửa trong thời hạn hai năm.
 
Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh cuộc trưng cầu sẽ không có bất kỳ tác động pháp lý nào đối với những cam kết mà Hungary cũng đã ký. Theo quyết định của EC, Hungary phải nhận 1.294 người tị nạn. Con số này quá ít nếu so với 400.000 người đã vào châu Âu qua lãnh thổ Hungary vào năm 2015.
 
Con số không nhiều này cùng với chiến dịch rầm rộ bị chỉ trích là “thái quá” của Chính phủ Hungary khiến nhiều nước thành viên châu Âu tức giận, tới mức Luxembourg kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Hungary, hay Thụy Điển triệu hồi Đại sứ Hungary để bày tỏ sự phản đối.
 
Cũng trong ngày 2-10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân ở Hungary. Ông cũng nêu vấn đề trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia thành viên EU từ chối thực hiện các cam kết chung của khối. Tuy nhiên, ông Schulz không đồng tình với ý kiến trục xuất Hungary ra khỏi EU theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn. 
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một nhóm người di cư vượt biển. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Trong cuộc khủng hoảng người di cư, Hungary trở thành quốc gia nằm trên đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước EU khác. 
 
Năm 2015, hơn 400.000 người tị nạn đã đi bộ qua Hungary để tới Bắc Âu trước khi Hungary đóng cửa biên giới phía Nam bằng các hàng rào dây kẽm mùa Thu năm 2015 và thông qua luật chống người nhập cư nhằm giảm thiểu dòng người tị nạn đổ về đây. Các quốc gia khác dọc tuyến đường Balkan cũng theo gương Hungary, khiến khoảng 60.000 người di cư bị "mắc kẹt" ở Hy Lạp. 
 
Hồi tháng 12 năm ngoái, Hungary đã nộp đơn lên Tòa án châu Âu “kiện” kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU
 
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu gọi cuộc trưng cầu ý dân mà Chính phủ Hungary đề xuất là “một trò chơi nguy hiểm”, có thể làm lung lay một EU vốn đã bị suy yếu bởi một loạt các cú sốc từ khủng hoảng người tị nạn đến Brexit.
 
Dương Như (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc