Multimedia Đọc Báo in

Kết thúc tranh luận Trump-Clinton: "Thế trận" đã định hình

07:41, 21/10/2016
Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 3 và cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hàng đầu là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đã diễn ra vào tối ngày 19-10 (giờ địa phương), tức sáng 20-10 giờ Việt Nam tại Đại học Nevada ở Las Vegas. Cuộc tranh luận lần này là thử thách cuối cùng đối với cả hai ứng cử viên trước ngày bầu cử 8-11 tới.
 
Hình thức của cuộc tranh luận giống như cuộc tranh luận đầu tiên đó là mỗi ứng cử viên có 2 phút để trả lời câu hỏi và 1 phút để phản bác phương án của đối thủ.
 
Với tính chất là cuộc so găng cuối cùng trước ngày bầu cử, cuộc tranh luận trực tiếp trong vòng 90 phút được kỳ vọng sẽ gay cấn và có nhiều bất ngờ do cả hai ứng cử viên đưa ra. Trên thực tế, cả hai ứng cử viên đều tỏ ra khá thận trọng trong những phút đầu và thậm chí không bắt tay đối thủ kể cả lúc bắt đầu và kết thúc tranh luận. Trong những phút đầu, cả hai ứng cử viên tỏ ra kiên nhẫn, lắng nghe câu trả lời của đối thủ nhưng càng về sau cuộc tranh luận lại càng gay cấn khi cả hai, đặc biệt là ông Trump, liên tục ngắt lời đối thủ và cả người điều phối để cố đưa ra quan điểm và chỉ trích đối thủ. 
 
Ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3. (Ảnh: Reuters)
 
Ngoài những chủ đề mà người điều phối đã chuẩn bị trước đó như Tòa án Tối cao, nạo phá thai, di cư, phát triển nền kinh tế, tiêu chuẩn trở thành tổng thống, các điểm nóng trên thế giới và nợ quốc gia, các ứng cử viên cũng tiếp tục công kích nhau về những vấn đề cá nhân trước đó đã được đưa ra tại các cuộc tranh luận như đối với ông Trump là vấn đề tôn trọng phụ nữ, công bố thuế thu nhập, chính sách đối với người nhập cư, những bình luận về Tổng thống Putin và vấn đề vũ khí hạt nhân, còn ông Trump tiếp tục chỉ trích đối thủ của mình về vấn đề thư điện tử, chính sách mở cửa biên giới, chính sách của chồng bà Clinton là cựu tổng thống Bill Clinton, việc bà Clinton nói mà không làm trong vòng 30 năm qua, quỹ Clinton, xung đột ở Iraq và Syria, kích động bạo lực và gian lận trong bầu cử.
 
Trên thực tế, những câu trả lời mà cả hai ứng cử viên đưa ra đều không có nhiều điểm mới và bất ngờ so với gì đã được phản ánh qua báo chí và mạng xã hội. Về phần thể hiện, ông Trump ban đầu có vẻ bình tĩnh và kiên nhẫn nhưng càng về sau ông lại trở lại với tính cách của mình khi liên tục ngắt lời và chỉ trích đối thủ. Như mọi khi, ông Trump vẫn không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà lái sang vấn đề khác hoặc quay sang phê phán vấn đề của đối thủ. Trái với cuộc tranh luận trước, ông không có được cách thể hiện liên tục công kích đối thủ, điều mà nhiều người cho rằng ông đã làm tốt để chặn đà giảm uy tín của mình.
 
Đối với bà Clinton, dường như bà có được sự chuẩn bị tốt hơn, tự tin và bình tĩnh hơn mặc dù có những lúc cũng bị cuốn vào việc tranh cãi với ông Trump. Khác với ông Trump, bà Clinton đưa ra được nhiều lập luận và dẫn chứng hơn, đặc biệt là các vấn đề, các câu nói của ông Trump.
 
Trong cuộc tranh luận này, cả bà Clinton và ông Trump đều chú trọng tới các nội dung mang tính quốc gia đại sự, gắn liền với các chính sách đối nội và đối ngoại rõ ràng, đó là nợ công, người nhập cư, phát triển kinh tế, cuộc chiến chống khủng bố, quyền sở hữu súng đạn, nạo phá thai...
 
Hai đối thủ đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt của mình trong từng vấn đề. Nếu như bà Clinton chủ trương tăng thuế đánh vào tầng lớp người giàu để  bảo đảman sinh xã hội, chú trọng đầu tư cho giáo dục, y tế vì các lợi ích lâu dài thì tỷ phú Trump coi đây là giải pháp không thỏa đáng, thay vào đó ông yêu cầu các nước đồng minh phải trả tiền để Mỹ bảo đảm an ninh. Trong vấn đề di cư, ông Trump vẫn bảo lưu quan điểm hồi hương người di cư bất hợp pháp, xây dựng tường rào an ninh dọc biên giới với Mexico, trong khi bà Clinton coi đây là kế hoạch "xé tan" nước Mỹ.
 
Vấn đề tương đối gây chú ý đối với người xem đó là câu trả lời của ông Trump về việc có chấp nhận kết quả bầu cử hay không. Ông Trump không nói cụ thể mà trả lời rằng sẽ có câu trả lời sau. Đây cũng là một vấn đề gây sự chú ý của dư luận trước cuộc tranh luận khi ông Trump tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị gian lận và cáo buộc giới truyền thông thiên vị và không trung thực.       
 
Một điểm theo dõi cuộc tranh luận bên ngoài ngoài trường một trường Đại học ở Las Vegas.
Một điểm theo dõi cuộc tranh luận bên ngoài ngoài trường một trường Đại học ở Las Vegas. (Ảnh Reuters)
 
Khép lại cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng, những cử tri Mỹ còn lưỡng lự dường như đã có thể có được sự lựa chọn cho riêng mình. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về một lựa chọn cuối cùng khi thời gian cán đích còn hơn hai tuần nữa.
 
Sau 3 cuộc tranh luận, có thể nói rằng “ông trùm” bất động sản Donald Trump vẫn tuân thủ chiến lược hướng tới các cử tri vốn trung thành với ông, đặt cược vào sự công kích cá nhân đối thủ, kích động sự hoài nghi về tính minh bạch của hệ thống bầu cử lâu đời tại Mỹ. Điều này là hết sức nguy hiểm và có thể phản tác dụng khi bà Clinton tiếp tục thể hiện bản lĩnh của một chính trị gia có thâm niên qua sự kiềm chế, cũng như những lần lớn tiếng rất đúng lúc trong các cuộc tranh luận. 
 
Theo đánh giá của giới chuyên gia, điều khiến cuộc bầu cử tổng thống năm nay trở nên thú vị chính là việc ông Trump không thể trở thành một chính trị gia chuẩn mực, trong khi bà Clinton đôi lúc bị dư luận đánh giá là nhấn mạnh quá nhiều vào chính sách cũng như việc “sẵn sàng” để bước vào Nhà Trắng. 
 
Có thể nói thế trận cuộc đua vào Nhà Trắng sau ba lần tranh luận trực tiếp đã được định hình với lợi thế đang nghiêng về ứng cử viên Hillary Clinton. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận hiện tại đều cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton ở mức cách biệt khá xa so với ứng cử viên Donald Trump. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải chờ tới “ngày định mệnh” 8-11 tới.
 
Dương Như ( Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.