Multimedia Đọc Báo in

Ông Donald Trump sẽ giải bài toán biến đổi khí hậu ra sao?

10:10, 20/11/2016

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã kết thúc và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Người dân Mỹ và các quốc gia trên thế giới đang rất quan tâm xem chính sách sắp tới của ông sẽ ra sao. Những vấn đề mà Trump đã từng nêu lên trong cuộc tranh cử của mình liệu sẽ có trở thành hiện thực? Trong đó, chương trình chống biến đổi khí hậu cũng như môi trường dự báo sẽ không được Mỹ chú trọng đầu tư, phát triển.

Biến đổi khí hậu là "trò bịp"

Ông Trump đã từng đăng một dòng tweet lên Twitter của mình với nội dung nghi ngờ về sự biến đổi khí hậu: “Khái niệm về sự nóng lên toàn cầu được đưa ra bởi Trung Quốc, nhằm khiến nền sản xuất của Hoa Kỳ không thể cạnh tranh được”. Ngoài ra ông cũng đưa ra nhiều quan điểm khác, bác bỏ các bằng chứng khoa học chứng minh biến đổi khí hậu là có thật. 

Một trong những tuyên bố của Trump trong thời điểm đang tranh cử là nếu làm tổng thống, ông sẽ hủy bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. Trump muốn Mỹ không lãng phí nguồn tài chính vào việc biến đổi khí hậu và việc  bảo đảm thế giới có nước sạch để loại bỏ những căn bệnh như sốt rét hay tăng sản lượng thực phẩm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế thì chủ đề về biến đổi khí hậu và môi trường chỉ là các nội dung nhỏ trong chương trình tranh cử của Trump. Ông chưa nói nhiều đến kế hoạch về biến đổi khí hậu cũng như chưa đề ra lộ trình cụ thể nào về việc giảm ô nhiễm khí hậu. Tuy nhiên, trong các bài phát biểu và tranh luận trực tiếp, ông tuyên bố ủng hộ nước sạch, không khí sạch nhưng lại giảm mạnh chi tiền cho Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. Trump tuyên bố điều khiến cả thế giới lo lắng - tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra - chỉ là “trò bịp”. Trump cũng từng nói rằng ông sẽ từ chối đi gặp các chính khách trên thế giới để thảo luận về Hiệp định Paris hay các vấn đề môi trường. Ông sẽ “hô biến” nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế khác, bên cạnh việc ngừng đầu tư vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc.

Mỹ sẽ cứu Thỏa thuận Paris trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức

Bộ Nội vụ Mỹ đã hoàn tất bộ quy tắc mới nhằm giúp giảm phát thải khí tự nhiên ồ ạt trong hoạt động sản xuất dầu khí, nhằm tránh lãng phí khí tự nhiên cũng như cắt giảm lượng khí thải methane nguy hiểm - một tác nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Đây được coi là một trong những nỗ lực cuối cùng của Chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama trong chống biến đổi khí hậu.

Theo tuyên bố ngày 15-11 của Bộ Nội vụ, quy tắc mới của Cục Quản lý đất đai thuộc bộ trên là bản cập nhật của quy tắc cũ đã áp dụng suốt 30 năm qua về việc quản lý tình trạng thải khí tự nhiên trong sản xuất dầu khí. Sau khi đi vào áp dụng, bộ quy tắc này có thể giúp giảm khoảng 1,1 tỷ m3 khí thải tự nhiên mỗi năm.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Sally Jewell cho biết quy tắc mới hướng tới ngăn chặn lãng phí nguồn cung khí tự nhiên. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ muốn chứng minh có thể cắt giảm khí thải methane có hại trong khi vẫn bảo vệ những tiêu chuẩn có lợi cho nền kinh tế quốc gia. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong khoảng thời gian từ 2009-2015, các nhà sản xuất dầu khí đã thải ra môi trường khoảng 13 tỷ m3 khí tự nhiên, tương đương lãng phí khoảng 23 triệu USD.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu khi đang thăm New Zealand trước khi đến Morocco để tham gia Hội nghị khí hậu Liên hiệp quốc tại thành phố Marrakesh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc sống của con người đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Vì vậy, chính phủ các nước cần phải ưu tiên trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Mặc dù không đề cập cụ thể Tổng thống đắc cử Trump sẽ làm gì với Thỏa thuận Paris, nhưng ông Kerry vẫn hi vọng có sự khác biệt giữa tuyên bố trong giai đoạn tranh cử và khi ông Trump lên nắm quyền thực sự. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, đến ngày 20-1 tới, chính quyền Tổng thống hiện nay mới kết thúc nhiệm kì. Do đó chính phủ sẽ nỗ lực làm mọi điều có thể  để gánh vác trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, giải quyết những thách thức mà hành tinh đang phải đối mặt.

Kể từ khi người dân Mỹ lựa chọn được Tổng thống mới, hàng loạt chính phủ các nước, từ Trung Quốc đến các quốc đảo nhỏ, đều khẳng định sự ủng hộ đối với Thỏa thuận Paris tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc đang diễn ra ở Morocco. Rất nhiều quốc gia kêu gọi Mỹ tiếp tục tham gia Thỏa thuận.  Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho rằng, việc nước Mỹ rút khỏi sự hợp tác về chống biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: “Tôi nghĩ, nếu quyết định Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris sẽ là một điều vô cùng nghiêm trọng. Những cam kết này được đưa ra trong chiến dịch tranh cử để làm hài lòng một số cử tri nhất định, những người không hiểu rằng sự ấm nóng toàn cầu đang ngày càng rõ ràng hơn. Tôi nghĩ rằng khi ông Trump lên nhậm chức, việc ông rút khỏi các cuộc đàm phán đa phương và vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu nước Mỹ”.

Mỹ chiếm khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng toàn cầu và được cho là nước đầu tàu trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris, đã được 109 nước phê chuẩn. Bộ trưởng Môi trường Pháp cũng cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ thay thế vị trí đi đầu của Mỹ nếu nước này rút khỏi Hiệp định Paris.

Mặc dù các nước đều khẳng định tiếp tục thực hiện Hiệp định Paris, nhưng giới quan sát cho rằng, nếu Tổng thống đắc cử Trump thực hiện các cam kết như trong chiến dịch tranh cử sẽ gây khó khăn hơn cho việc Thực hiện Thỏa thuận lịch sử này. Trước hết, các quốc gia đang phát triển sẽ không nhận được đủ số hỗ trợ tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc Mỹ dừng hỗ trợ cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc cũng sẽ đe dọa hoạt động của Quỹ Khí hậu Xanh, giúp các quốc gia phát triển cùng chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh, sạch và chống lại biến đổi khí hậu.

Trong đợt huy động đầu tiên vào năm 2014, Quĩ khí hậu Xanh đã nhận được cam kết của nước giàu, đóng góp khoảng 10 tỉ USD, trong đó có khoảng 3 tỉ USD từ Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện chỉ mới đóng góp được 500 triệu USD và Tổng thống mới của nước Mỹ có thể sẽ từ chối khoản đóng góp còn lại.

Nước Mỹ không thể đứng ngoài vấn đề toàn cầu

Cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là mâu thuẫn tồn tại từ lâu, không dễ giải quyết, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. 

Hồi tháng 9, Mỹ và Trung Quốc chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris, cam kết giảm lượng xả thải. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama tham gia đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hiệp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

Nước Mỹ hiện nay đang đứng thứ 2 trên thế giới về lượng khí thải nhà kính xả ra môi trường, với 15%. Cho nên, nhiều chuyên gia nhận định rằng dù có tuyên bố mạnh mẽ như vậy nhưng ông Donald Trump và chính phủ mới của nước Mỹ sẽ không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chung của thế giới. Những cam kết tranh cử của ông sẽ có những thay đổi nhất định trong tương lai. 

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Trong buổi phỏng vấn mới nhất hôm 11-11, Trump và các cố vấn cũng tuyên bố những đề xuất ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử có thể bị sửa đổi. Hiện tại, như lời Trump nói trên tờ WSJ, ông "muốn tập trung vào giải quyết vấn đề y tế, việc làm, kiểm soát biên giới và cải cách thuế". Thêm một lý do nữa để nhiều quốc gia và các chuyên gia tin rằng chính phủ của ông Donald Trump không thể đi ngược lại với xu hướng mới của thế giới, đó là quyền lợi và vị thế của Mỹ.

Lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ đã nhiều lần chứng minh, không phải bất cứ mục tiêu, kế hoạch tranh cử nào cũng được các tổng thống đắc cử hoàn thành. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những thực tế không thể phủ nhận đó là vị thế siêu cường khiến nước Mỹ khó có thể rũ bỏ các trách nhiệm của mình với thế giới. Đây là một thực tế mà bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào cũng sẽ phải đương đầu khi họ vào Nhà Trắng, bắt đầu cuộc chèo lái nước Mỹ.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.