Lãnh đạo EU ký Tuyên bố Rome cam kết hướng tới tương lai không có Anh
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 25-3 đã ký "Tuyên bố Rome", trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm đoàn kết châu lục này.
Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome được tổ chức ở thủ đô Rome của Italy.
Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật.
Theo Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung.
Lãnh đạo các nước thành viên EU và giới chức liên minh chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Rome. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu cũng như trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, liên quan đến đường hướng tương lai cho EU, Tuyên bố Rome chỉ kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng khẳng định EU sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập EU sau này.
Một số nhà phân tích đánh giá kết quả đạt được của Hội nghị chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, vào ngày 29-3. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ý bi quan trước việc Anh rời khỏi EU.
Đáng chú ý, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker phát biểu tại Hội nghị rằng Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một "thời khắc rất đáng buồn". Theo ông Juncker, việc Anh rời EU là một "thảm kịch" cho cuộc gặp của 27 quốc gia thành viên EU ở Rome.
Thậm chí Ba Lan ngay tới phút chót mới chấp nhận ký Tuyên bố Rome. Điều này cho thấy sự bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước.
Mặc dù trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ tìm kiếm sự thống nhất và đoàn kết hơn nữa, nhưng đã thừa nhận một thực tế là EU đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, cả trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, chủ nghĩa bảo hộ cho đến những bất bình đẳng kinh tế và xã hội.
Quan trọng nhất, Hội nghị vẫn chưa đề cập được đường hướng tương lai rõ ràng cho EU, chưa quyết định được kịch bản nào mà liên minh này nên theo đuổi trong số năm kịch bản được nêu trong Sách trắng EU công bố mới đây.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome diễn ra trong bối cảnh EU đứng trước nhiều thách thức như: tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ không thuyên giảm (đặc biệt là ở miền Nam), các vụ tấn công khủng bố đeo đẳng châu Âu, làn sóng nhập cư bất hợp pháp tiếp diễn, bất bình đẳng trong Khu vực đồng Euro (Eurozone), Brexit và làn sóng dân túy lan rộng khắp nơi. Đó là chưa kể tới Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, những người đang nhìn EU với ánh mắt dò xét và cả thù hằn. “Giống như những nhạc công vẫn ăn vận chỉnh tề để chơi nhạc trong giờ khắc cuối cùng của con tàu Titanic” – Phóng viên BBC ví von về thời khắc trước lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome.
Việc Thủ tướng Anh Theresa May vắng mặt trong lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome đặc biệt gây sự chú ý của dư luận nhất là vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi một trong những thành viên lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của EU chuẩn bị bước ra khỏi cánh cửa ngôi nhà chung. “Tất nhiên chúng tôi sẽ nhớ bà ấy” – ông Juncker chia sẻ với BBC. “Tôi trải qua mọi cung bậc cảm xúc nhưng không phải là tâm trạng tức giận với nước Anh. Nước Anh là một phần của châu Âu và tôi hy vọng có quan hệ hữu nghị với Anh trong những thập kỷ tới”.
Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc Anh và EU có thể đàm phán được mối quan hệ tương lai như thế nào. EU sẽ phải cân bằng giữa mong muốn giữ quan hệ gần gũi với nước Anh trong khi nhượng bộ một thỏa thuận quá có lợi cho London để tránh kích động hàng loạt quốc gia thành viên khác nối gót ra đi. Chủ tịch EC Juncker nhấn mạnh Brexit là “một sai lầm và một bi kịch” và ông không muốn nhận bất cứ quyết định ra đi nào nữa từ Hà Lan (Nexit), Áo (Oexit), Đan Mạch (Dexit), Pháp (Frexit)… Bởi nếu 3, 4 hay 5 nước thành viên nữa ra đi, EU sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, ông Juncker tin rằng điều đó sẽ không xảy ra, đồng thời khẳng định EU và EC sẽ đàm phán với Anh một cách “thân thiện nhưng không ngây thơ”.
Ngày 25-3, lãnh đạo 27 nước EU chúc mừng “sinh nhật” lần thứ 60 của liên minh này 4 ngày trước khi Anh kích hoạt Brexit. (Ảnh: AFP) |
“Không ngây thơ” cũng chính xác là những gì mà nhà đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier đã nói trong bài phát biểu ngày 23-3 vừa qua. Dù giữ im lặng về con số hơn 50 tỷ bảng Anh (tương đương 63 tỷ USD) cho cuộc chia ly giữa Anh và EU, ông Juncker cho biết con số chính xác sẽ được “tính toán một cách khoa học”. Ông Juncker thừa nhận EU sẽ đề nghị Anh nộp một khoản tiền trước khi ra đi nhưng bác bỏ việc đây là hình thức trừng phạt mà chỉ là để dàn xếp những cam kết Anh đã đưa ra.
Có một điều ông Juncker khẳng định không thể bị đe dọa là số phận của 4,5 triệu công dân EU ở Anh và công dân Anh đang sống trên khắp châu Âu.
“Đây không phải là vấn đề mặc cả. Đây là vấn đề tồn trọng nhân phẩm” – ông Juncker cho biết không ai có quyền đuổi việc hay đuổi họ ra khỏi nhà.
Chủ tịch EC Juncker khẳng định rằng EU vẫn còn trẻ và những gì mà khối này đã đạt được trong 6 thập kỷ qua thực sự đảng kể. “Châu Âu ngày nay là một châu lục ổn định và hòa bình”.
Tuy nhiên phóng viên BBC cho rằng đó là tầm nhìn, là mục tiêu của châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chắc chắn bây giờ “lục địa già” cần một tầm nhìn mới, một thứ gì đó nắm bắt được sự ý tưởng của người dân, để làm họ một lần nữa lại say sưa với ý niệm về Liên minh châu Âu. Gần đây, ông Juncker đã cho công bố Sách Trắng về tương lai của EU, trong đó đưa ra 5 viễn cảnh, từ tăng cường liên minh cho đến giảm độ liên kết xuống mức chỉ là thị trường chung. Và đâu đó ở giữa những viễn cảnh này, Chủ tịch EC thổi vào ý tưởng không lấy làm mới về “một châu Âu hai tốc độ”, nơi các nước chia sẻ quyền tự chủ nhiều hơn trong những lĩnh vực như quốc phòng, nhập cư trong khi những lĩnh vực khác chỉ là phương án lựa chọn.
Đây được xem là đề xuất được ủng hộ nhất trong chính giới và công chức nhà nước. Tuy nhiên, phóng viên Katya Adler, người phỏng vấn ông Juncker, cho rằng đề xuất đó cũng như một lời thừa nhận rằng thực tế không có một tầm nhìn chung nào cho EU. Trong khi sự đoàn kết của 27 nước thành viên còn lại là điểm mấu chốt để EU chứng minh với thế giới rằng liên minh này vẫn đứng vững.
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc