Multimedia Đọc Báo in

Vụ khủng bố London: Hung thủ là công dân Anh theo chủ nghĩa cực đoan

16:16, 24/03/2017

Sở Cảnh sát New York (Mỹ) đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh tại các cơ sở ngoại giao của Anh tại thành phố này, trong đó có Tổng lãnh sự quán và trụ sở phái đoàn thường trực của Anh tại Liên hiệp quốc.

Phát biểu trước báo giới, cảnh sát trưởng James O’Neil khẳng định không có đe dọa hiện hữu tại New York và chính quyền thành phố hoàn toàn có đủ năng lực để ngăn chặn và đáp trả kịp thời một vụ tấn công tương tự. Theo ông O’Neil, Sở Cảnh sát New York cùng với các đối tác liên bang luôn làm tất cả mọi việc để bảo đảm an toàn cho mọi cá nhân. Trong khi đó, ông Thomas Galati, người phụ trách bộ phận tình báo tại Sở Cảnh sát New York, cho biết cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Anh thông qua văn phòng liên lạc đặt tại London.

Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ tấn công bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh. (Ảnh: PA)
Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ tấn công bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh. (Ảnh: PA)

Ngày 22-3, Sở Cảnh sát New York đã cho tái triển khai lực lượng đặc trách chống khủng bố tại các địa điểm nhạy cảm của Anh ở New York, các khu vực của người Do Thái. Cảnh sát được trang bị súng trường tấn công cũng tăng cường hiện diện bên ngoài Tổng lãnh sự quán Anh ở Đại lộ 3.

Thị trưởng New York Bill de Blasio cùng ngày khẳng định chính quyền thành phố sẽ bảo đảm tăng cường an ninh tại các khu vực được cho là cần thiết. Ông cũng nói rằng vụ tấn công tại London cho thấy thế giới đang ở trong môi trường rất nguy hiểm và những nơi như London hay New York luôn là mục tiêu tấn công hàng đầu của các phần tử khủng bố.

Ngày 23-3, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cảnh báo nguy cơ khủng bố vẫn "cực cao" đồng thời cam kết huy động toàn bộ nguồn lực của Chính phủ để bảo đảm sự an toàn cho nước Pháp. Ông Bernard Cazeneuve nói: "Mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ Pháp là cực cao và đó là nguyên nhân tình trạng khẩn cấp được kéo dài đến ngày 15-7 tới. Chính phủ sẽ sử dụng mọi khả năng tối đa cho đến những giây phút cuối cùng của nhiệm kỳ. Tất cả mọi người đang hành động để bảo vệ nước Pháp tốt hơn".

Đề cập tới vụ tấn công mới nhất bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh tại London khiến bốn người chết và nhiều người bị thương, trong đó có ba người Pháp, Thủ tướng Bernard Cazeneuve đã bày tỏ "sự đoàn kết không lay chuyển" với Anh. Theo ông Cazeneuve, khoảng 230 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp từ năm 2015, đồng thời nước này đã ngăn chặn được 17 vụ tấn công trong năm 2016 và năm vụ từ đầu năm nay.

Theo thông tin mới nhất, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở thủ đô London. Trong một tuyên bố bằng tiếng Arab, tổ chức này cho biết thủ phạm gây ra cuộc tấn công ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh là một chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.

Theo tin của Hãng tin CNN (Mỹ), Thủ tướng Anh Theresa May tiết lộ hung thủ gây ra vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội hôm 22-3 là một công dân sinh ra tại Anh, có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực và từng bị Cơ quan tình báo quốc gia (MI5) giám sát.

Phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp đầu tiên sau vụ tấn công, Thủ tướng Anh cho biết Cơ quan tình báo quốc gia từng điều tra đối tượng này do tình nghi liên quan tới chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, tên này không còn trong danh sách giám sát của giới chức, vì vậy không có tài liệu tình báo nào về âm mưu hay động cơ của thủ phạm. Hiện Chính phủ Anh huy động tất cả các lực lượng để hỗ trợ Cơ quan tình báo Anh và cảnh sát điều tra vụ tấn công khủng bố.

Cơ quan tình báo quân đội Anh (MI5) đang tiến hành điều tra nội bộ về khả năng có thể đã ngăn chặn được Khalid Masood, kẻ tấn công ở London ngày 22-3.

Cuộc điều tra nội bộ của MI5 tập trung vào việc tìm hiểu vì sao một đối tượng đã từng bị cơ quan tình báo nội địa Anh điều tra trong quá khứ với hồ sơ phạm tội lên tới 20 năm như kẻ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Wesminster, London, lại lọt khỏi radar giám sát của họ. Cuộc điều tra này là nhằm xem xét khả năng có thể đã ngăn chặn được Khalid Masood thực hiện vụ tấn công táo bạo ngày 22-3.

MI5 từng điều tra Khalid Masood trong quá khứ vì những mối lo ngại liên quan tới bạo lực cực đoan nhưng sau đó người đàn ông này được loại khỏi radar giám sát.

Cơ quan tình báo nội địa của Anh sẽ phải đặt ra những câu hỏi như họ đã từng phải đối mặt sau vụ đánh bom ở London năm 2005 và vụ sát hại binh sĩ Lee Rigby năm 2013 về việc tại sao kẻ tấn công lại lọt lưới. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh của Anh đã nhiều lần cảnh báo rằng rất khó để có thể phòng vệ trước các vụ tấn công hung hãn, không tinh vi của những cá nhân giống như Masood. Chỉ khi có hơn 1 người lên âm mưu tấn công thì cơ quan chức năng mới có cơ hội lần ra những dấu vết của kế hoạch đó thông qua các nguồn tin hay hoạt động thăm dò điện tử.

tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố trên cầu Westminster đã diễn ra ở thủ đô London, Anh.
Người dân Anh thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố trên cầu Westminster. (Ảnh: Reuters)

Một nhóm của MI5 sẽ xem xét bài học rút ra từ vụ việc của Khalid Masood và liệu họ có đưa ra quyết định đúng khi không tiếp tục theo dõi đối tượng này nữa hay không. MI5 đang xây dựng hồ sơ chi tiết về thân thế của Masood, tái hiện lại những hoạt động và di chuyển của đối tượng này trong vài tuần qua và sẽ phân tích các câu trả lời thẩm vấn của những đối tượng có liên quan tới ông ta.

Cảnh sát và các cơ quan an ninh Anh ước tính có khoảng 3.000 công dân nước này, chủ yếu là người Hồi giáo, có khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố nội địa. Trong số này có khoảng 500 người đang là đối tượng điều tra của cảnh sát và MI5. Nhưng trong 500 người đó chỉ có một số lượng giới hạn nhất định là mục tiêu theo dõi trực tiếp, vốn đòi hỏi nhiều nhân lực hơn.

Việc Thủ tướng Anh Theresa May ngày 23-3 phát biểu trước Quốc hội rằng Khalid Masood thậm chí nằm ở vùng “ngoại biên” cho thấy kẻ tấn công ở London thậm chí còn không nằm trong danh sách 3.000 trên của cơ quan an ninh Anh. MI5 cũng đã phải đối mặt với cac cuộc điều tra không mấy dễ chịu của Ủy ban Tình báo và An ninh của Nghị viện Anh sau các vụ đánh bom London năm 2005 và sát hại Rigy năm 2013 nhưng ở cả 2 lần, cơ quan này đều được miễn trách nhiệm.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.