Multimedia Đọc Báo in

Xuất hiện thế hệ thánh chiến cực đoan mới tại Syria

15:23, 25/03/2017

Mới đây, một chỉ huy phiến quân ở Syria xuất hiện trong một video clip kêu gọi đoàn kết các lực lượng để chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sở dĩ video clip trên được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đến từ Hashem al-Sheikh, một người sinh ra và lớn lên ở thành phố Aleppo, nơi từng là cứ địa quan trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Hashem vào tù năm 2005 vì tội danh ủng hộ thánh chiến và được thả vào năm 2011. Giờ đây, trong đoạn video clip vừa phát, Hashem tuyên bố đã thành lập một nhóm vũ trang “hùng mạnh” có tên Hayat Tahrir al-Sham (HTS), gồm toàn các phần tử cực đoan. Nur al-Din al-Zenki, một trong những nhóm phiến quân được xem là tàn bạo nhất, từng được Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chống lưng, đã gia nhập HTS theo tiếng gọi của Hashem. Đáng chú ý hơn cả là sự góp mặt của nhóm Jabhat Fateh al-Sham (JFS), trước đó với tên gọi là Jabhat al-Nusrah, tổ chức được xem là chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Syria. 

Lực lượng dân chủ Syria trong chiến dịch tấn công thành phố Raqqa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng dân chủ Syria trong chiến dịch tấn công thành phố Raqqa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò thủ lĩnh HTS, Hashem đề ra những mục tiêu hướng đến khi tuyên bố: người Hồi giáo dòng Shiite là kẻ thù, nguyền rủa cộng đồng người Alawite (Tổng thống Assad xuất thân từ cộng đồng này) và chống lại lực lượng của Zoroastrianism, tức Iran - quốc gia hỗ trợ chính quyển Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống IS.

HTS đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Syria nhưng không thể quên cái tên Ahrar al-Sham, một nhóm phiến quân được biết đến với lực lượng đông đảo, được vũ trang đầy đủ. Ahrar al-Sham cùng một số nhóm phiến quân khác đang củng cố quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Idlib, một tỉnh ở Tây Bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Chính phủ Syria kiểm soát Aleppo, giờ Idlib được xem là cứ địa quan trọng nhất của phe nổi dậy. 

Trong lúc quân đội Chính phủ Syria cùng lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria vẫn chưa dẹp bỏ hoàn toàn nỗi kinh hoàng mang tên IS, Syria giờ đây lại phải đối mặt với lứa thánh chiến cực đoan khác. Qua những tuyên bố đầy kích động và hận thù của HTS, người ta nhận thấy một điều rằng các nhóm nổi dậy, khủng bố liên kết, bắt tay nhau sẽ mang đến nỗi ám ảnh mới cho người dân Syria. 

Sáu năm qua, Syria bị tàn phá bởi xung đột và khủng bố. Ít nhất 320.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tha hương vì bạo lực. Trước thềm hội nghị quốc tế về Syria dự kiến diễn ra ngày 5-4 tới ở Brussels, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm hỗ trợ tái thiết Syria, từ việc hỗ trợ tài chính đến các hỗ trợ nhằm soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Hay thông tin về việc các phái đoàn của chính phủ và các nhóm đối lập Syria đã khẳng định sẽ tham dự cuộc hòa đàm dự kiến được nối lại trong tuần này tại Geneva, Thụy Sĩ... khiến nhiều người khấp khởi nghĩ về một cái kết có hậu cho người dân Syria. 

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến cực đoan mới tại Syria, giới quan sát lo ngại rằng thảm cảnh tại quốc gia Trung Đông khó có thể kết thúc sớm như mong mỏi của người dân nơi đây cũng như của cộng đồng quốc tế.

Ngày 24-3, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura cho hay không trông đợi vào những điều kỳ diệu trong vòng đàm phán Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) lần này mặc dù tất cả các bên đều nhất trí về những chủ đề sẽ thảo luận, trong đó có vấn đề chuyển tiếp chính trị và chống khủng bố. 

Nạn nhân bị thương trong các cuộc không kích điều trị tại bệnh viện ở Syria ngày 19/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nạn nhân bị thương trong các cuộc không kích điều trị tại bệnh viện ở Syria ngày 19-3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên Mistura cho biết nghị trình của cuộc hòa đàm Syria lần này, dự kiến kéo dài tới ngày 1-4, bàn về 4 chủ đề: xây dựng hiến pháp mới, bầu cử, quản trị nhà nước và chống khủng bố. Phát biểu với các phóng viên, ông Mistura cho hay ông không trông đợi những bước đột phá trong tiến trình hòa đàm. 

Hai bên tại Syria vẫn mâu thuẫn về những ưu tiên trong đàm phán. Sau cuộc gặp kéo dài 2 giờ với Đặc phái viên Staffan de Mistura, Trưởng đoàn đàm phán Syria, ông Bashar al-Ja'afari nhấn mạnh Damascus ưu tiên hàng đầu vào việc chống chủ nghĩa khủng bố. Ông al-Ja'afari cũng chỉ trích các nhánh vũ trang và chính trị của phe đối lập Syria cùng những lực lượng hậu thuẫn nước ngoài. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) Nasr al-Hariri lại cho biết phe đối lập muốn ưu tiên trước hết cho việc thảo luận về vấn đề chuyển tiếp chính trị. 

Dương Hà (Theo SGGP, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc