Multimedia Đọc Báo in

Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ được sửa đổi, ông Erdogan sẽ là siêu Tổng thống?

23:16, 17/04/2017

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 16-4 tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân trước đó cùng ngày nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống, tức nhiều hơn phe phản đối 1,3 triệu phiếu.

Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Phát biểu tại Dinh thự chính thức của mình ở Istanbul, ông Erdogan nhấn mạnh: "Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định về một sự thay đổi quan trọng như vậy bằng ý chí của Quốc hội và nhân dân. Lần đầu tiên tiên trong lịch sử của nước Cộng hòa, chúng ta sẽ thay đổi hệ thống cầm quyền của mình thông qua nền chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao điều này hết sức quan trọng".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, tỷ lệ cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân đạt 51,3% sau khi 99% số phiếu được kiểm. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 86%.

Kết quả này mở ra một cuộc cải cách mạnh mẽ nhất trong lịch sử chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hệ thống lãnh đạo đất nước. Nó cũng sẽ tái định hình các mối quan hệ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là quan hệ với phương Tây.

Với việc sửa đổi Hiến pháp chuyển sang chế độ Tổng thống nắm quyền, Tổng thống Erdogan sẽ có những quyền hạn mở rộng hơn rất nhiều so với hiện nay, tại một quốc gia mà lâu nay chức vụ Tổng thống chỉ mang tính nghi thức và hơn nữa ông còn có thể tiếp tục tại vị đến năm 2029.

Ông Erdogan, từng giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2003-2014 trước khi đắc cử Tổng thống. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi cải cách này là thiết yếu để bảo đảm sự ổn định của đất nước và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với những thách thức lớn về an ninh và kinh tế hiện nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chúc mừng lãnh đạo các đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa (MHP) và đảng Đại Thống nhất (BBP) cực hữu về chiến thắng này.

Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm lại đến 60% số phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Một số thành viên đảng đối lập cho rằng, có nhiều lá phiếu không được dán tem. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử tối cao đã tuyên bố quyết định coi những lá phiếu không dán tem là hợp lệ nếu nó không được chứng minh là gian lận.

Phe nói không cho rằng, quyết định vào phút chót này của Ủy ban bầu cử tối cao đã làm dấy lên câu hỏi về tính hợp lệ của cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Ủy ban này cho biết, quyết định được đưa ra trước khi kết quả được nhập vào hệ thống và thành viên của cả đảng cầm quyền lẫn các đảng đối lập đều có mặt ở hầu hết các điểm bỏ phiếu và ký xác nhận vào các bản báo cáo. Kết quả chính thức của cuộc trưng cầu ý dân sẽ được công bố trong vòng 11 hoặc 12 ngày tới.

Sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý với thắng lợi thuộc về Tổng thống Tayyip Erdogan, cư dân ở nhiều khu phố của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra đường đập phá đồ đạc như một hình thức phản đối kết quả này.

Theo phản ánh từ truyền thông, người dân ở ít nhất 4 quận thuộc Istanbul đã phản đối kết quả sau kiểm phiếu. Cảnh quay và hình ảnh đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy, một số người biểu tình đi xuống đường phố ở một số khu vực.

Tổng thống Tayyip Erdogan (phải) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Istanbul ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Tayyip Erdogan (phải) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Istanbul ngày 16-4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 16-4, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, do kết quả sít sao của cuộc trưng cầu dân ý, Thổ Nhĩ Kỳ cần tìm kiếm sự đồng thuận quốc gia lớn nhất có thể trong những biện pháp sửa đổi hiến pháp của nước này.

Trong một tuyên bố, EC nêu rõ: "Do kết quả sít sao của cuộc trưng cầu dân ý và những ảnh hưởng sâu rộng của những nội dung sửa đổi hiến pháp, chúng tôi kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự đồng thuận lớn nhất có thể trong việc thực thi (hiến pháp sửa đổi)."

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân này cũng có thể góp phần thay đổi mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Một số nước châu Âu đã không cho phép các bộ trưởng trong chính quyền của Tổng thống Erdogan tổ chức các cuộc mít tinh ở nước họ nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc trưng cầu nhằm mở rộng quyền lực cho tổng thống. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố có thể xem xét lại thỏa thuận về người di cư với EU sau khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.

Hồng Như (Theo VOV, TTXV)

 


Ý kiến bạn đọc