Multimedia Đọc Báo in

Khủng bố từ Tây Âu đến Bắc Âu: Áp lực an ninh đè nặng châu Âu

21:03, 10/04/2017

Sau Tây Âu, các nước Bắc Âu đang tiếp tục trở thành mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố. Na Uy - nước láng giềng của Thụy Điển hôm 9-4 đã nâng mức độ cảnh báo quốc gia sau khi phát hiện một thiết bị nổ tại trung tâm thủ đô Oslo trước đó một ngày.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 9-4, người đứng đầu Cục Cảnh sát An ninh Na Uy (PST), Benedicte Bjoernland cho biết, nguy cơ xảy ra vụ tấn công trong những tháng tới tại Na Uy đã được nâng từ mức “có thể” lên “gần như chắc chắn”.

Cùng với đó, cảnh sát Na Uy cũng đã bắt giữ một công dân Nga 17 tuổi được cho là nghi phạm của vụ đặt thiết bị nổ nghi là bom tại đường phố ở trung tâm thủ đô Oslo ngày 8-4 vừa qua. Nghi can nói trên sống ở Na Uy từ năm 2010 và đã đệ đơn xin cư trú. Theo người đứng đầu Cục Cảnh sát An ninh Na Uy, họ đã biết về đối tượng này từ trước. Hiện cảnh sát Na Uy đang điều tra nhằm xác định rõ ý đồ của đối tượng cũng như xem xét liệu có thêm nghi can khác liên quan hay không.

Cảnh sát phong tỏa khu vực Groenlann ở Oslo, sau khi phát hiện một chiếc hộp tình nghi là một quả bom. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Cảnh sát phong tỏa khu vực Groenlann ở Oslo, sau khi phát hiện một chiếc hộp tình nghi là một quả bom. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trong khi đó, tại Thụy Điển, hoạt động điều tra về nghi phạm vụ tấn công khủng bố bằng xe tải vẫn đang được triển khai tích cực.

Nhiều tờ báo Thụy Điển dẫn nguồn tin cơ quan chức năng hôm 9-4 đã công bố danh tính của kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công trên. Theo hai tờ báo Dailies Expressen và Aftonbladet, nghi phạm là Rakhmat Akilov, một công nhân xây dựng người Uzbekistan. Tên này bị bắt giữ trong tối 7-4 tại Marsta, một khu ngoại ô cách thủ đô Stockholm 40 km về phía Bắc. Theo tờ Dailies Expressen, tên này đã thú nhận ngay tại hiện trường bắt giữ về hành động của mình.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Thụy Điển Jonas Hysing, xác nhận nghi phạm chính trong vụ việc là một người đàn ông Uzbekistan, 39 tuổi song không công bố danh tính. Đối tượng là một kẻ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm 2016, Chính phủ Thụy Điển từng từ chối đơn xin cấp quyền cư trú của nghi phạm này. Từ đó đến nay, đối tượng sống lẩn lút tại Stockholm.

Kẻ khủng bố khai với cảnh sát rằng hắn muốn giết những kẻ “không trung thành”, ám chỉ hắn làm theo lệnh của IS. Theo một tờ báo của Thụy Điển dẫn nguồn trang Facebook cá nhân của tên này, thì tên Akilov đăng tải các phim quảng bá của IS và bày tỏ sự ủng hộ với tổ chức hồi giáo cực đoan Hizb ut-Tahrir.

Cho đến nay, lực lượng chức năng Thụy Điển đã bắt giữ tổng cộng 3 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công trên.

Vụ việc tại Stockholm khiến chính phủ Thụy Điển phải lên tiếng về những đối tượng xin tị nạn nhưng bị từ chối. Thủ tướng nước này khẳng định: những kẻ bị từ chối cần phải rời khỏi lãnh thổ Thụy Điển. Được biết, từ năm 2014-2015, có tổng cộng 250.000 người nộp đơn xin tị nạn tại Thụy Điển. Và theo các cơ quan an ninh Thụy Điển, hiện còn khoảng 12.500 đối tượng đã bị từ chối nhưng vẫn còn sinh sống tại quốc gia này. Cảnh sát Thụy Điển khẳng định rất khó bắt buộc các đối tượng này rời Thụy Điển, trừ các trường hợp tự nguyện, còn lại bản thân việc hạn chế kiểm tra giấy tờ tùy thân cũng khiến cảnh sát không thể phát hiện những người xin tị nạn bị từ chối.

Dù chưa chính thức khẳng định các vụ việc gần đây đều là khủng bố hay có sự giật dây của IS, song có tình huống nguy hiểm mà các quốc gia châu Âu phải lưu ý, đó là sự trùng hợp số phận của những kẻ tình nghi đều là những đối tượng xin tị nạn bất thành. Khi tâm lý chán ghét đối với quốc gia sở tại dâng cao, rất dễ dẫn đến các đối tượng này bị dụ dỗ theo các nhóm cực đoan và không ngần ngại tiến hành khủng bố để trả mối tư thù cá nhân.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: AFP)
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: AFP)

Cuộc chiến chống khủng bố trở nên càng khó khăn phức tạp, khi đồng thời các đối tượng vừa có thể là những “con sói đơn độc” ngay trong những công dân sở tại; và cả những đối tượng nước ngoài xin tị nạn bất thành và sống vất vưởng tại các nước châu Âu.

Theo đánh giá của giới phân tích, vụ khủng bố tại Thụy Điển và vụ đặt bom tại Na Uy là những dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại. Điều này cho thấy, phạm vi hoạt động của lực lượng khủng bố những năm qua đã không ngừng mở rộng từ Tây Âu sang Bắc Âu, nơi vẫn được coi là một trong những địa bàn an toàn và ổn định nhất trên thế giới.

Trước đó, quan ngại về nguy cơ bất ổn an ninh gia tăng, các nước châu Âu đã phải điều chỉnh áp dụng Luật Schengen, qua đó tăng cường kiểm soát nhân thân công dân châu Âu qua lại biên giới khu vực tự do đi lại Schengen. Mọi công dân đều phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân để cơ quan chức năng xác minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thể phát huy hiệu quả khi gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. 

Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến mới nhất trên tại Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia cùng những giải pháp dài hơi để có thể đảm bảo an ninh cho khu vực.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


 


Ý kiến bạn đọc