Multimedia Đọc Báo in

Thế giới phẫn nộ về vụ tấn công bằng khí độc tại Syria

09:25, 06/04/2017

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Tây Bắc Idlib của Syria ngày 4-4.

Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, số người chết vì nhiễm phải một loại chất hóa học cực độc đã lên tới 100 người, trong đó có 11 trẻ em. Vụ tấn công đã khiến những nạn nhân bị suy hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa, chảy máu mũi dẫn đến tử vong. Giới chức y tế địa phương lo ngại số người chết sẽ tăng bởi có rất nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch do bị suy hô hấp nặng. Hiện chưa có bình luận hay phản ứng nào từ phía chính quyền Damascus cũng như của các phe phái đối lập tại Syria sau vụ tấn công vừa nêu. 

Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, khí độc hóa học được thả từ các máy bay xuống thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib, hiện do phe đối lập kiểm soát. Các nhà điều tra nghi ngờ rằng, vũ khí hóa học được sử dụng trong vụ tấn công trên là chất độc thần kinh sarin. 

Người đàn ông bế thi thể của một em bé sau một vụ tấn công được cho là bằng khí độc ở thị trấn Khan Sheikhoun nằm trong khu vực phiến quân kiểm soát hôm 4/4.
Người đàn ông bế thi thể của một em bé sau một vụ tấn công được cho là bằng khí độc ở thị trấn Khan Sheikhoun. (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, ngày 5-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một số nạn nhân của vụ tấn công nghi là hóa học ở Syria đã có những triệu chứng như nhiễm một loại hóa chất, trong đó chứa chất độc thần kinh. WHO nhấn mạnh: "Việc thiếu rõ ràng những tổn thương bên ngoài ở các trường hợp (nạn nhân của vụ tấn công) cho thấy sự tấn công nhanh chóng của các triệu chứng tương tự, trong đó có tình trạng kiệt sức vì khó thở cấp tính, là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong". Theo WHO, "một số trường hợp dường như còn có dấu hiệu nhiễm thuốc trừ sâu organophosphorus - một loại hóa chất chứa các chất độc thần kinh".

Đây không phải là lần đầu tiên chất độc hóa học được sử dụng trong cuộc chiến 6 năm qua tại Syria. Tổ chức Cấm phổ biến vũ khi hóa học (OPCW) có những bằng chứng cho thấy, ở những vụ tấn công trước đó, chất độc thần kinh clo được sử dụng một cách hệ thống và liên tục ở khu vực miền Bắc Syria.

Ngay sau vụ tấn công, dư luận quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động man rợ, cho rằng hành động tàn ác đó đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc tế.

Ngày 5-4, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lên án vụ tấn công tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria là "một tội ác chiến tranh và luật nhân đạo quốc tế vẫn bị vi phạm thường xuyên”. Tuyên bố trên của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Guterres được đưa ra tại hội nghị cùng ngày của Liên minh châu Âu (EU) bàn vấn đề viện trợ và tái thiết Syria, diễn ra ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Guterres cho rằng cần điều tra kỹ lưỡng trước khi khẳng định vụ tấn công khủng khiếp ở thị trấn Khan Sheikhun là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Ông cũng nêu rõ cần xem xét để loại bỏ tất cả những nghi ngờ và quy trách nhiệm chính xác cho lực lượng nào đã gây ra vụ tấn công trên.

Các nguồn tin hiện cho thấy L​iên hiệp quốc vẫn thận trọng chưa khẳng định rằng vụ tấn công này được thực hiện bằng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, ngày 5-4, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Recep Akdag thông báo nước này đã có bằng chứng chỉ ra rằng vụ tấn công tại Syria hôm 4-4 là vụ tấn công hóa học. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ không nêu rõ chi tiết các bằng chứng. Quan chức này cũng cho biết hơn 30 nạn nhân Syria đã vượt biên giới tới chữa trị tại các bệnh viện của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo AFP/Reuters, Anh, Pháp và Mỹ ngày 4-4 đã trình Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc​ một dự thảo nghị quyết lên án vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học ở Syria và đề nghị tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ sớm nhất có thể. Dự thảo nêu trên kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo các kết quả điều tra về vụ tấn công xảy ra trước đó tại thị trấn Khan Sheikhun do lực lượng nổi dậy kiểm soát thuộc tỉnh Idlib của Syria. Ngoài ra, dự thảo còn đề nghị Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres báo cáo hằng tháng về việc liệu ​chính phủ Syria có đang hợp tác trong cuộc điều tra quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này hay không.

Từ Brussels (Bỉ) nơi vừa khai mạc Hội nghị hòa bình cho Syria, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini trong cuộc họp báo chung với Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Stafan de Mistura tuyên bố, vụ thảm sát tại Syria tiếp tục là lời nhắc nhở rằng, tình hình thực tế sẽ còn bi thảm tại nhiều khu vực ở Syria đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch, tìm ra những kẻ gây tội ác.

Từ London, với những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên án hành động vô cùng tàn ác này: “Chúng tôi kịch liệt lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong bất kỳ trường hợp nào. Anh kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học khẩn trương điều tra vụ việc. Cùng với đó, tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan đảm bảo về một tiến trình chuyển tiếp dân chủ sớm tại Syria. Chúng ta không thể chứng kiến sự đau khổ giáng xuống người dân vô tội Syria thêm nữa”.

Ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiến hành họp khẩn cấp, nhấn mạnh hành động tàn ác này đang đe dọa nghiêm trọng nền an ninh quốc tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib, Syria là hết sức tàn ác và không thể chấp nhận. Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lệnh ngừng bắn đang được thực hiện ở Syria. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, vụ tấn công ở tỉnh Idlib cho thấy, thế giới cần hành động để buộc Syria phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố tội ác này cần bị lên án và không thể bị bỏ qua trong một thế giới văn minh. Mỹ cam kết sẽ cùng các cùng các đồng minh tiếp tục cuộc chiến tại Syria.

Ngày 5-4, tại buổi gặp gỡ tín đồ giữa tuần tại quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis đã lên án vụ tấn công nghi bằng hóa chất tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, Syria.

Hỗ trợ y tế cho các nạn nhân.
Hỗ trợ y tế cho các nạn nhân trong vụ tấn công. (Ảnh: Reuters)

Cũng trong ngày 5-4, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động đối với vụ tấn công. Ông Hollande nhắc lại sự phẫn nộ của mình đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động phù hợp đối với tội ác chiến tranh này.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Ahmed Aboul Gheit cho rằng vụ tấn công trên là “một tội ác nghiêm trọng”. Ông Gheit nhấn mạnh giết hại dân thường bằng những phương pháp bị cấm như vậy là một hành động dã man và tàn ác. Theo ông, “dù bên nào thực hiện vụ tấn công này thì cũng không thoát khỏi công lý và phải bị cộng đồng quốc tế trừng phạt theo Luật quốc tế và Luật Nhân đạo Quốc tế”.

Ủy ban Điều tra về Syria của Liên hiệp quốc cũng cho biết đã bắt đầu điều tra về vụ tấn công. Trong một tuyên bố, ủy ban này nói rằng, vụ tấn công là rất đáng lo ngại và sẽ làm rõ tình hình xung quanh hành động bị cho là “tội ác chiến tranh”này. 

Sau vụ tấn công, quân đội Syria tuyên bố không dính líu đến vụ việc và quy trách nhiệm cho "các nhóm khủng bố và những kẻ hậu thuẫn chúng". Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày khẳng định, máy bay của quân đội nước này đã không thực hiện vụ không kích nào gần thị trấn Khan Sheikhun. Trong khi đó, Tổ chức đối lập Liên minh Dân tộc Syria đã kêu gọi Liên hiệp quốc điều tra vụ việc mà họ cáo buộc do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc