Multimedia Đọc Báo in

Nhiều thách thức bủa vây tân Tổng thống Hàn Quốc

21:40, 11/05/2017

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 11-5 đã bổ nhiệm hai giáo sư được coi là những người có tính cách thẳng thắn làm thư ký phụ trách các vấn đề dân sự và nhân sự.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết giáo sư luật Cho Kuk, 52 tuổi, thuộc Trường Đại học Seoul đã được bổ nhiệm làm thư ký phụ trách các vấn đề dân sự - một vị trí thường thuộc về các quan chức cấp cao trong ngành công tố. Việc này diễn ra trong bối cảnh những quan chức nắm giữ cương vị trên trong các chính quyền trước đây thường bị cáo buộc là lạm dụng quyền lực để can thiệp một cách phi pháp vào các cuộc điều tra của cơ quan công tố.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Yonhap)

Ngoài ra, Tổng thống Moon cũng bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng Cho Hyun-ock của Trường Đại học nữ Ehwa làm thư ký phụ trách các vấn đề nhân sự, có nhiệm vụ quản lý nguồn nhân lực tại Phủ tổng thống.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc còn chỉ định cựu quan chức thuộc Bộ Tài chính Lee Joung-do làm thư ký phụ trách các vấn đề chung, ông Yoon Young-chan làm thư ký báo chí và Thứ trưởng Bộ Khoa học, ICT và Kế hoạch Tương lai Hong Nam-ki làm người đứng đầu Cơ quan phối hợp chính sách chính phủ.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Phủ tổng thống Im Jong-seok được dẫn lời thông báo, cơ quan này dự kiến sẽ lập một nhóm chuyển giao nhằm bảo đảm quyền lực được chuyển giao một cách suôn sẻ và hiệu quả cho tân Tổng thống Moon.

Trước đó, ngay sau khi nhậm chức ngày 10-5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ định Tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla, Lee Nak-yon, làm tân Thủ tướng Hàn Quốc.

Tân Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ tin tưởng Tỉnh trưởng Lee Nak-yon là người phù hợp để thúc đẩy đoàn kết và thống nhất trong chính phủ mới. Tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống nhận định ông Lee Nak-yon là người có "kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về các vấn đề xã hội, quốc gia và quốc tế".

Tân Tổng thống Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ tự do đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra ngày 9-5 với 41,08% số phiếu bầu, bỏ xa ứng cử viên về thứ hai Hoong Joon-pyo của đảng Hàn Quốc tự do với 24,03% số phiếu ủng hộ và ứng cử viên về thứ ba Ahn Cheon-soo thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả với tỷ lệ ủng hộ là 21,41%.

Ngay sau khi nhậm chức, Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Ông Moon Jae-in ngày 10-5 tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Song song với đó, ông Moon Jae-in cũng đứng trước thách thức phải giải quyết nguy cơ rạn nứt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc có triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hay không.

Trong bài diễn văn đầu tiên ở cương vị Tổng thống, ông Moon Jae-in nhấn mạnh: “Tôi sẽ cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh ngay lập tức. Tôi sẽ luôn tìm kiếm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ bay thẳng tới Washington, tới Bắc Kinh hay Tokyo và nếu điều kiện cho phép, sẽ tới cả Bình Nhưỡng. Tôi sẽ đẩy mạnh liên minh Mỹ-Hàn, sẵn sàng đàm phán với Mỹ, Trung Quốc bằng sự chân thành để giải quyết vấn đề THAAD”.

Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump nói rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề phức tạp, nhưng có thể giải quyết. Mỹ muốn gia tăng sức ép đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp cô lập và trừng phạt, nhưng điều này đi ngược lại chủ trương hòa giải với Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Moon Jae-in bày tỏ cách tiếp cận mềm dẻo hơn khi ứng xử với tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên so với những người tiền nhiệm. Điều này khiến người ta liên tưởng về một triển vọng cho sự quay trở lại của chính sách hòa dịu thời cựu Tổng thống Kim Dae-jung, vẫn được biết đến với tên gọi chính sách Ánh Dương. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến ít vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi ông Moon Jae-in bổ nhiệm 2 vị trí then chốt trong Nội các là những người từng có liên quan mật thiết với chính sách Ánh Dương.

Mặc dù thừa nhận cần phải áp đặt các biện pháp cấm vận và ngăn chặn Triều Tiên, song tân Tổng thống Hàn Quốc cho rằng các biện pháp này chưa đủ để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ việc phát triển chương trình hạt nhân. Đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là một phương án mà tân Tổng thống Hàn Quốc đặt lên bàn.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In (phải) và Chủ nhiệm văn phòng Tổng thống Im Jong-Seok (trái) tại Nhà Xanh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In (phải) và Chủ nhiệm văn phòng Tổng thống Im Jong-Seok (trái) tại Nhà Xanh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế nhưng, giới chức Mỹ lo ngại chủ trương hòa giải với Triều Tiên của ông có thể làm phương hại tới nỗ lực của Mỹ gia tăng sức ép lên Triều Tiên, bởi Mỹ sẽ vẫn theo đuổi đường lối cô lập và trừng phạt hòng làm suy yếu mọi nỗ lực phát triển công nghệ hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ cũng e ngại về việc ông Moon Jae-in có ý phản đối việc triển khai THAAD, nên nguy cơ xảy ra xích mích giữa hai đồng minh là điều có thể xảy ra.

Giới phân tích cho rằng, một mặt tân Tổng thống Hàn Quốc phải tìm giải pháp giải quyết ổn thỏa vấn đề THAAD để làm vừa lòng Mỹ, nhưng không gây mất lòng Trung Quốc, quốc gia vốn phản đối kịch liệt việc triển khai THAAD. Trung Quốc gọi THAAD là mối đe dọa đối với an ninh và tuyên bố sẽ trả đũa một số công ty Hàn Quốc làm ăn ở nước này.

Tân Tổng thống Moon Jae-in cho rằng quyết định cho triển khai THAAD là quá vội vàng và chính phủ của ông sẽ có tiếng nói sau cùng. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, việc rút khỏi thỏa thuận triển khai THAAD là rất khó bởi nó đã được triển khai một phần.

Như vậy, bên cạnh việc đáp ứng kỳ vọng hòa giải với Triều Tiên như mong đợi của cử tri, làm thế nào để làm dịu tranh cãi liên quan đến THAAD để tránh rạn nứt với 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc là bài toán không dễ có lời giải đối với nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc có tư tưởng tự do này.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.