Multimedia Đọc Báo in

Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đối đầu không khoan nhượng

14:31, 05/05/2017

Vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang trong giai đoạn nước rút, khi hai ứng cử viên là ông Emmanuel Macron theo đường lối trung dung và bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu, hoàn tất cuộc tranh luận cuối cùng được truyền hình trực tiếp ngày 3-5 - bốn ngày trước khi cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu ra chủ nhân mới của Điện Elyseé.

Trong 150 phút tranh luận, hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đối nội như kinh tế, chống khủng bố,... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga.

Sau phần mở đầu, đi vào từng vấn đề cụ thể, ông Macron đã điềm tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viên, phân tích và giải thích rõ ràng các đề xuất có tính khả thi của mình.

Về các giải pháp cho thị trường lao động, ông cho rằng cần tạo cơ chế uyển chuyển và tăng khả năng thương lượng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp để khuyến khích giới chủ tuyển dụng người lao động. Về bài toán nợ quốc gia, ông chủ trương tiến hành các cải cách mạnh mẽ để có thể tiết kiệm 60 tỷ Euro trong cả nhiệm kỳ, trong đó 10 tỷ sẽ để bù đắp vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp. Ông cũng chủ trương giảm thuế cho doanh nghiệp từ 33,3% xuống còn 25%, nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và tăng sức mua cho người dân. Về các vấn đề an ninh và chống khủng bố, ông Macron đề xuất tăng thêm 10.000 vị trí trong lực lượng cảnh sát và hiến binh, đồng thời tăng cường trang thiết bị để các lực lượng này có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trong phần phát biểu của mình, bà Le Pen đưa ra những hứa hẹn về tăng trợ cấp xã hội, giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống 60.

Về chủ đề châu Âu, bà Le Pen vẫn giữ tư tưởng cực hữu bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại. Bà tuyên bố muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một "liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền", theo đó các quốc gia tự định đoạt tương lai của mình, kiểm soát biên giới và có đồng tiền riêng phù hợp với nền kinh tế để tránh tình trạng thất nghiệp cao.

Trong khi đó, ông Macron nhấn mạnh vào quyết tâm xây dựng một nước Pháp với nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trong một châu Âu có khả năng đảm bảo tốt về an ninh và kinh tế cho người dân.

Cuộc tranh luận đầy những âm sắc lộn xộn, trong bầu không khí căng thẳng không có chút tôn trọng, cảm tình hay thậm chí là lịch sự tối thiểu. Đó là nhận định của báo chí Pháp về cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên tổng thống tối 3-5. Thay vì tập trung vào chương trình, kế hoạch hành động của mình, đưa thêm những điểm mới để thuyết phục cử tri, thì 2 ứng cử viên chủ yếu chỉ trích nhau.

Đặc biệt nực cười là báo chí Pháp nêu ra 19 tuyên bố sai mà bà Le Pen đưa ra trong cuộc tranh luận để chỉ trích đối thủ, trong đó có những điểm sai căn bản như việc tuyên bố nước Anh ổn hơn sau Brexit, tuyên bố các doanh nghiệp Pháp đã sử dụng đồng Euro trong giai đoạn 1993-2002 mà trên thực tế đồng Euro chính thức đi vào lưu hành vào năm 1999… Ứng cử viên Emmanuel Macron đã thẳng thừng gọi đó là những “lời nói dối”.

Nhìn một cách tổng thể, ứng cử viên Emmanuel Macron đã ghi điểm thêm sau cuộc tranh luận, lúc đầu có chút yếu thế trong chủ đề chống khủng bố nhưng ngay lập tức làm chủ tình thế trong chủ đề kinh tế, đồng euro. Ông Macron cũng khẳng định tôn trọng những cử tri đã bầu cho nữ ứng cử viên cực hữu, hiểu được cơn giận dữ của họ, nhưng nhấn mạnh họ xứng đáng nhận được nhiều hơn những gì bà Le Pen có thể đem lại.

Dư luận Pháp nhìn nhận cuộc tranh luận không có gì hơn ngoài một cuộc “cãi vã”, và giúp nhìn thấy “bộ mặt thực sự” của cực hữu là không bao giờ có thể đối thoại. Xuyên suốt cuộc tranh luận, bà Le Pen tỏ sự khinh thường, mỉa mai đối với ứng cử viên Macron – người mà bà gọi là Hollande bé.

Cuộc tranh luận chỉ càng làm rõ thêm thực tế “đối nghịch” hoàn toàn trong quan điểm, trong tư duy giữa 2 ứng cử viên và thậm chí hướng tới những đối tượng người nghe cũng khác nhau.

Tờ New York Times nhận định, cuộc tranh luận này giống như một chương trình truyền hình theo phong cách Mỹ với đầy sự giận dữ, hơn là một cuộc tranh luận có lý lẽ về những vấn đề mà nước Pháp phải đối mặt. Hai ứng cử viên thường xuyên cắt ngang lời đối phương, chỉ trích, công kích lẫn nhau và có những hành động khiến người điều khiển cuộc tranh luận bối rối.

Tờ New York Times chỉ ra những khác biệt giữa hai ứng cử viên, khẳng định cả hai người đều không che giấu sự khinh thường dành cho đối phương, và điều này bắt nguồn từ sự bất đồng của họ trong tất cả mọi vấn đề, từ hội nhập châu Âu, khủng bố đến nền kinh tế trì trệ của Pháp.

Hai ứng cử viên Macron và Le Pen. (Ảnh: Reuters)
Hai ứng cử viên Macron và Le Pen. (Ảnh: Reuters)

Đồng quan điểm trên, kênh truyền hình CNN của Mỹ bình luận rằng, buổi tranh luận kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ này là cơ hội cuối cùng để ông Macron và bà Le Pen thuyết phục các cử tri Pháp rằng họ có đủ điều kiện dẫn dắt Pháp đương đầu với những lo ngại về vấn đề người nhập cư, hội nhập và một nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này gồm rất nhiều lời cáo buộc và ít sự tiết chế.

Bà Le Pen tự nhận mình là ứng cử viên của người dân, của nước Pháp mà mọi người yêu mến, bà gọi ông Macron là một chủ ngân hàng "máu lạnh" sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình hình thất nghiệp tại Pháp. Về phần mình, ứng cử viên trung dung Macron cho rằng bà Le Pen giả dối và trong nhiều năm qua chỉ hưởng lợi dựa trên sự giận dữ của người dân và đẩy mạnh tinh thần chủ bại.

Trong khi đó, tờ The Guardian của Anh cũng cho rằng cuộc tranh luận này thiên về những chỉ trích và xúc phạm cá nhân nhiều hơn là chi tiết về chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Pháp. Theo báo này, cuộc tranh luận giữa ông Macron và bà Le Pen dữ dội hơn bất cứ cuộc tranh luận nào trong lịch sử nước Pháp.

Ông Macron đã thẳng thừng chỉ trích bà Le Pen ăn nói “lung tung” và báo chí Pháp nhận định nữ thủ lĩnh cực hữu sẵn sàng bất chấp mọi điều, khơi gợi nỗi sợ hãi, nhấn sâu vào những vết nứt, đổ vỡ xã hội để tấn công đối thủ.

Đã có một số ý kiến thắc mắc vì sao ông Macron chấp nhận tranh luận với bà Le Pen nếu so sánh với cách đây 15 năm, ứng cử viên Jacques Chirac đã từ chối tranh luận trực tiếp với ông Jean Marie Le Pen – người đã tạo cơn chấn động nước Pháp khi vào được vòng 2.

Tuy nhiên, giới phân tích đều cho rằng, ông Macron sẽ mất điểm nếu từ chối tranh luận, và thái độ thách thức, ngạo mạn của bà Le Pen cộng thêm nhiều tuyên bố, nhận định sai của bà trong cuộc tranh luận, càng có lợi cho ông Macron. Thêm nữa, cuộc tranh luận “đầy khó chịu” này sẽ là minh chứng hùng hồn cho thấy “không thể nào đối thoại được với cực hữu”.

Cuộc thăm dò mới nhất cũng là cuối cùng do tờ Thế giới cùng Cevipof công bố hôm thứ Tư cho thấy, 59% trong tổng số hơn 13.700 người được hỏi cho biết sẽ bầu cho ông Macron; và tỷ lệ cho bà Le Pen là 41%. Các dưh đoán đều khẳng định ứng cử viên của Phong trào Tiến bước sẽ chiến thắng dù có đôi chút mong manh.

Tuy nhiên, nếu thực sự thăm dò này là đúng, thì riêng việc cực hữu có thể đạt tới 41% cũng sẽ là cú sốc lớn trên chính trường Pháp, nếu so sánh với 15 năm trước, cha của bà Le Pen – Chủ tịch Mặt trận Quốc gia giành được 18% trong cuộc đấu với ứng cử viên Jacques Chirac.

Sự so sánh này càng cho thấy sự ủng hộ của cử tri Pháp dành cho cực hữu đang ở mức nguy hiểm cao độ, phần nhiều là do bản thân bà Le Pen đã có nhiều điều chỉnh làm “mềm mỏng” hơn chính sách và cải thiện hình ảnh của cực hữu, nhưng phần nhiều cũng do cử tri chán chường với các chính trị gia truyền thống hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện được ít nên quay sang ủng hộ ứng cử viên cực hữu.

Một chỉ dấu đáng chú ý khác là tỷ lệ đi bỏ phiếu theo thăm dò mới nhất là khoảng 76%, tăng 4 điểm so với cuộc thăm dò vào cách đây 3 tuần. Đây cũng có thể coi là một điểm tích cực cho ứng cử viên Macron bởi phần lớn các cử tri chán nản không đi bầu đều là những người ủng hộ các phe phái truyền thống, và nếu số cử tri không đi bầu càng cao, càng có lợi cho ứng cử viên cực hữu.

Ngoài ra, cuộc thăm dò mới nhất cho thấy mức độ ổn định của các cử tri dành cho ứng cử viên Macron là rất cao, có tới 88 % cử tri đã bầu cho ông trong vòng 1 tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu và 91% tuyên bố sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ông trong vòng hai.

“Khó chịu” là cảm giác của cử tri Pháp khi xem cuộc tranh luận trực tiếp, theo đánh giá của báo chí, và điểm nguy hiểm là cuộc “cãi vã” đó, vốn không có điểm gì mới về chính sách, kế hoạch hành động của hai ứng cử viên, càng không thuyết phục được những cử tri do dự, do dự trong việc có đi bầu hay không, cũng như sẽ bầu cho ai.

Hồng Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.