Sa thải Giám đốc FBI, Tổng thống Trump gây bão chính trị?
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tạo ra một cơn địa chấn chính trị trong nội bộ nước Mỹ bằng việc bất ngờ sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey, vào hôm 9-5 (giờ Mỹ).
Ngày 10-5, phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho hay Tổng thống Trump đã mất niềm tin đối với ông Comey từ vài tháng qua và quyết định cách chức ông này được đưa ra sau khi nhận được những quan ngại tương tự từ Bộ Tư pháp.
Tổng thống Donald Trump gây bão chính trị vì cách thức và thời điểm sa thải Giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Getty Images) |
Động thái sa thải Giám đốc FBI Comey của Tổng thống Trump đã khiến giới chính trị Washington chấn động và vấp phải sự phản đối từ chính một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã công khai cáo buộc Nhà Trắng đang tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra của FBI về khả năng nhiều cố vấn của ông Trump đã “bắt tay” với Nga để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Trước khi bị cách chức, ông Comey phụ trách cuộc điều tra này.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Sanders cũng cho rằng việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt liên quan đến cuộc điều tra về Nga là không cần thiết. Theo bà Sanders, không có bằng chứng về sự liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga. Theo đó, Nhà Trắng mong muốn cuộc điều tra hiện nay sớm kết thúc để tất cả có thể tập trung vào những công việc liên quan đến phần lớn người dân Mỹ.
Cùng ngày, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Mitch McConnell tuyên bố không ủng hộ tiến hành điều tra bổ sung về cáo buộc nói trên. Trong khi đó, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, nghị sĩ đảng Dân chủ, Chuck Schumer một lần nữa kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc, khẳng định vấn đề đang càng trở nên cấp thiết hơn sau khi ông Comey bất ngờ bị sa thải.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày 10-5 với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất điểm trong khi chỉ số Nasdaq lại có mức tăng kỷ lục. Theo giới phân tích, kết quả trên là bởi các nhà đầu tư cho rằng tình trạng lộn xộn mới nhất này tại Washington có thể tác động đến những cam kết giảm thuế và tăng chi cho cơ sở hạ tầng của ông Trump.
Một số nhân vật của đảng Dân chủ còn so sánh động thái trên của Tổng thống Trump với sự kiện Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1973 đã sa thải một công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối Watergate. Nhà Trắng đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng có bất cứ động cơ chính trị nào trong động thái trên của ông Trump.
Trong một lá thư, Tổng thống Trump nói với ông Comey rằng ông chấp nhận khuyến nghị của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions, đó là ông Comey không lãnh đạo hiệu quả cơ quan FBI nữa. Nhiệm kỳ của ông Comey đáng lẽ kéo dài đến tháng 9-2023. Andrew McCabe, Phó của Comey, trở thành quyền Giám đốc FBI. Theo Nhà Trắng, việc tìm kiếm một giám đốc thường trực mới bắt đầu ngay tức khắc.
Cựu Giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: AP). |
Một quan chức FBI giấu tên cho biết, vụ sa thải đã gây sốc cho các nhân viên FBI – đa số họ đều đặt niềm tin vào James Comey bất chấp có những tranh cãi quanh cách ông này xử lý vụ email của bà Clinton. Quan chức nói trên cho biết thêm, trong nội bộ các đặc vụ FBI có mối quan ngại rằng việc sa thải có động cơ chính trị liên quan đến yếu tố Nga.
Các quan chức khác trong lĩnh vực tình báo và thực thi pháp luật của Mỹ cũng nghi vấn cách giải thích của Nhà Trắng đối với việc sa thải Comey. Austin Berglas, một cựu nhân viên FBI, nói: “Ông Trump từng ca ngợi ông ấy vì công việc ông ấy làm trong vụ điều tra email, vậy là không phải như thế nữa rồi. Tôi nghĩ Tổng thống đã nhận thấy quy mô của vụ điều tra về yếu tố Nga đang diễn ra và quyết định loại ông ấy. Đối với tôi, đó là cách giải thích duy nhất logic hiện nay”.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc