Báo động tình trạng gia tăng hổ chết ở Ấn Độ
Các nhà hoạt động môi trường đã cáo buộc các nhà chức trách Ấn Độ che giấu tình trạng gia tăng số lượng hổ chết tại nước này. Họ cho rằng có ít nhất 67 con hổ đã chết năm nay, đa số là do bị giết bởi con người.
Hổ tại Ấn Độ chiếm 60% lượng hổ trên thế giới nhưng chúng đang ngày càng mất dần môi trường sống và bị giết để lấy các bộ phận bán sang Trung Quốc và một số nước châu Á.
Các nhà chức trách của Cơ quan bảo tồn loài hổ quốc gia Ấn Độ (NTCA) cho hay trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện xác của 58 con hổ cũng như các bộ phận cơ thể của 9 con hổ khác. Bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ ghi nhận 14 con hổ chết, cao hơn những nơi khác, trong khi bang Madhya Pradesh thống kê được có 13 con hổ chết.
Tuy nhiên, các nhà chức trách của NTCA cho rằng họ không thể tiết lộ nguyên nhân chết của những con hổ nói trên cho đến khi có báo cáo cuối cùng của cơ quan chức năng.
Tình trạng hổ chết đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2015, các nhà chức trách thống kê được 80 con hổ chết và năm ngoái phát hiện tới 120 con hổ chết, con số cao nhất kể từ năm 2006.
Một bộ da hổ bị tịch thu tại Uttarakhan, miền Bắc Ấn Độ vào tháng 5-2016. (Ảnh: WPSI) |
Cách đây 100 năm, Ấn Độ có khoảng 100.000 con hổ. Đến những năm đầu thiên niên kỷ này thì số lượng hổ tại đây đã giảm xuống dưới 1.500 con. Hổ đã được xếp vào danh sách đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Môi trường sống bị con người xâm lấn, bị săn trộm để lấy các bộ phận cơ thể được cho là nguyên nhân chính khiến số lượng hổ sụt giảm ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, những nỗ lực bảo tồn từ năm 2006 đã có hiệu quả. Số lượng hổ tại Ấn Độ đã tăng từ 1.706 lên 2.226 con trong giai đoạn 2011-2016. Dù vậy, các nhà bảo tồn cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng các cơ quan kiểm lâm cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân quanh các khu bảo tồn. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động môi trường còn lo ngại trước tình trạng ngày càng nhiều khách du lịch tham quan môi trường sống của hổ khiến chúng trở nên quen thuộc với sự có mặt của con người, tạo điều kiện cho những kẻ săn trộm dễ dàng tiếp cận loài vật này.
Xung đột giữa hổ và con người đang đặt ra thách thức to lớn trong việc bảo tồn loài động vật này. Diện tích rừng bị thu hẹp đang dẫn đến thức ăn ngày càng khan hiếm và hổ buộc phải tìm đến bắt gia súc tại các ngôi làng. Và hậu quả là chúng bị con người săn tìm, giết hại.
Hồng Thủy (Theo BBC)
Ý kiến bạn đọc