EU chia rẽ về cách thức đáp trả trừng phạt của Mỹ đối với Nga
Liên minh châu Âu có thể sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả Mỹ trong trường hợp chính quyền Washington áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga.
Truyền thông châu Âu ngày 24-7 đưa tin Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Trong đó, nhà lãnh đạo EC nhấn mạnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU.
Trong tuyên bố của mình Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean Claude Juncker không nêu cụ thể quan ngại của phía châu Âu là gì nhưng tất cả giới quan sát đều biết, lo ngại lớn nhất từ phía châu Âu đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp dụng với Nga là liên quan đến các dự án hợp tác năng lượng của Liên minh châu Âu với Nga, đặc biệt là dự án xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2”. Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía châu Âu và Nga và có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro, trong đó tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga đóng góp một nửa, còn một nửa còn lại do 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie của Pháp, Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức và OMV của Áo đóng góp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) |
Về tầm quan trọng của dự án này, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ và Nga sáp nhập Crrimea vào đầu năm 2014, Liên minh châu Âu đã đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế rất nặng nề nhằm vào Nga, nhưng riêng dự án hợp tác xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn không bị ảnh hưởng. Lí do là vì dự án này quá quan trọng với cả hai phía Nga và châu Âu, đặc biệt là với nước Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu. Dự án này khi hoàn tất vào năm 2019 sẽ cung cấp 55 tỷ mét khối khí hàng năm cho châu Âu, tức chiếm hơn 1 nửa nhu cầu của nước Đức. Vì lỹ do đó, kể cả trong những thời điểm quan hệ Nga-Liên minh châu Âu xuống thấp nhất trong vài năm qua, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” vẫn không bị ảnh hưởng.
Nhưng, với việc Quốc hội Mỹ sắp thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có việc trừng phạt cả các công ty châu Âu hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, thì rõ ràng dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” mà châu Âu rất coi trọng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là quan trọng nhất, một số dự án năng lượng khác liên quan đến Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng, như dự án đường ống dẫn khí “Hành lang phía Nam” từ biển Caspian đến châu Âu.
Đó là lí do chính mà phía châu Âu đã ngay lập tức lên tiếng phản đối việc chính quyền Mỹ của ông Donald Trump cũng như Quốc hội Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt Nga mà không có sự tham khảo ý kiến từ phía châu Âu. Nói cách khác, Liên minh châu Âu hiện đang phản đối Mỹ không phải là vì bảo vệ Nga mà là để bảo vệ lợi ích kinh tế của chính mình. Tất nhiên, dưới ngôn từ ngoại giao thì Liên minh châu Âu sẽ đưa ra tấm bình phong là sự đoàn kết trong G7 hay lợi ích của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, để phản đối động thái được cho là đơn phương, không tính đến lợi ích của châu Âu, từ phía Mỹ.
Theo nhận định của các quan chức, nhà ngoại giao và chuyên gia, những bước chuẩn bị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ đề xuất nhằm vào Nga nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), vốn đang bị bất đồng về cách thức đối phó với Nga.
Trước đó, giới lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đạt đồng thuận về một dự luật trừng phạt Nga, trong đó có nội dung phạt tiền các công ty hỗ trợ Moskva xây dựng các đường ống xuất khẩu năng lượng.
Cả EU và Mỹ đều áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng như sự ủng hộ lực lượng ly khai tại Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nước Bắc Âu đang tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt mà họ đang phụ thuộc vào Nga.
Nhà máy sản xuất khí hoá lỏng gần Korsakov trên đảo Sakhalin của Nga. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Dự kiến EC sẽ thảo luận các bước đi tiếp theo vào ngày 26-7 tới, một ngày sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật trừng phạt Nga nói trên.
Có một thực tế mà các đa số các nhà quan sát chính trị châu Âu đồng tình, đó là trong 3 năm qua, Liên minh châu Âu thể hiện một thái độ cứng rắn và có các quyết định trừng phạt Nga mạnh hơn so với Mỹ. Đó là điều tương đối ngạc nhiên trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cũng được xem là hợp lý về lâu dài bởi châu Âu dù sao cũng là nơi chịu những tác động trực tiếp về địa chính trị cũng như môi trường an ninh trong quan hệ với Nga, trong khi nước Mỹ thì ngay từ thời cựu Tổng thống Barack Obama đã có ý đứng sau và đẩy châu Âu ra gánh vác trách nhiệm.
Dĩ nhiên, việc châu Âu căng thẳng với Nga sẽ không thể kéo dài mãi mãi và thái độ của chính quyền mới tại Mỹ trong quan hệ với Nga có thể sẽ khiến nhiều quốc gia thành viên EU nhìn nhận lại ưu tiên chính sách đối ngoại của mình trong thời gian tới, để không phải lâm vào thế bị động một khi Mỹ và Nga cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Hà Như (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc