Hậu quả khủng hoảng Đông Jerusalem có thể vượt ra ngoài Trung Đông
Ngày 24-7, phái viên Liên hiệp quốc về Trung Đông Nickolay Mladenov cảnh báo cần phải có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực Đông Jerusalem giữa người Palestine và Israel trước ngày 28-7, để tránh tình trạng bạo lực leo thang với hậu quả tiềm tàng có thể vượt ngoài khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế các hành động khiêu khích, giữ kiềm chế và hợp tác để tìm ra giải pháp.
Cảnh báo trên được phái viên Mladenov đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiến hành họp khẩn để thảo luận về cuộc khủng hoảng này, theo đề nghị của Ai Cập, Pháp và Thụy Điển.
Binh sĩ Israel gác tại Kubar, phía tây Ramallah trong cuộc xung đột với người biểu tình Palestine ngày 22-7. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Tại cuộc họp kín, ông Mladenov đã hối thúc các nước ủy viên Hội đồng Bảo an sử dụng ảnh hưởng của mình với Israel và Palestine để giảm căng thẳng. Ông khẳng định điều cực kỳ quan trọng là "hiện trạng phải được duy trì ở Jerusalem".
Đại diện nhóm Bộ Tứ Trung Đông, gồm Liên hiệp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga cũng đã nhóm họp trong ngày 25-7. Bên cạnh đó, phái viên của Tổng thống Mỹ, Jason Greenblatt cũng đã tới Israel để thảo luận với giới chức nước chủ nhà để tìm cách làm dịu căng thẳng hiện nay.
Vòng xoáy bạo lực giữa người Palestine và cảnh sát Israel đã leo thang hôm 21-7 vừa qua khi cảnh sát Israel đã bắn chết 3 người biểu tình Palestine bên ngoài thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, trong khi cùng ngày, 1 người Palestine đã đâm 3 người Israel tại khu vực Bờ Tây nhằm phản đối các biện pháp an ninh mà Israel áp đặt tại khu thánh đường.
Thánh đường Al-Aqsa hiện do Jordan quản lý nhưng Israel kiểm soát lối vào. Cảnh sát Israel đã lắp đặt máy dò kim loại tại đây sau khi 2 cảnh sát Israel thiệt mạng trong 1 vụ tấn công bên ngoài thánh đường cách đây 1 tuần. Động thái này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình của người Palestine Hồi giáo bên ngoài thánh đường.
Chính quyền Palestine hiện tuyên bố ngừng mọi liên lạc chính thức với Israel, cho đến khi các biện pháp an ninh nói trên được dỡ bỏ.
Trong một động thái mới nhất, ngày 25-7, Israel đã quyết định tháo dỡ những máy dò kim loại được lắp đặt tại cổng ra vào khu đền linh thiêng ở Jerusalem và thay vào đó là các thiết bị giám sát thông minh, ít gây phiền nhiễu. Chính phủ Israel cho biết đã trích 28 triệu USD từ ngân sách để mua sắm thiết bị giám sát tân tiến nhất và chi trả lương cho số cảnh sát được tăng cường tuần tra.
Liên quan tới căng thẳng Israel – Palestine, ngày 23-7, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm về các động thái gần đây của Israel tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed abu Zeid nêu rõ Ngoại trưởng Shoukry là người chủ động gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, và hai bên đã trao đổi về "tình hình đang trở nên xấu đi ở Jerusalem, cũng như các cuộc tấn công của binh lính Israel vào dân thường Palestine". Cũng theo quan chức trên, cuộc điện đàm này nhằm phối hợp các biện pháp khả thi do các thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) thực hiện liên quan đến các vi phạm của Israel tại đền thờ Al-Aqsa. Thổ Nhĩ Kỳ hiện giữ cương vị Chủ tịch OIC, trong đó Ai Cập là thành viên.
Cảnh sát Israel khống chế một người Palestine. (Ảnh: Reuters) |
Những diễn biến mới nhất ở Jerusalem cũng là nội dung bao trùm cuộc điện đàm cùng ngày giữa Ngoại trưởng Algeria Abdelkader Messahel và người đồng cấp Jordan Ayman Safadi. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về "tình hình căng thẳng sau khi các biện pháp chống người Palestine được thực thi".
Ngoại trưởng hai nước nhất trí "thúc đẩy các nỗ lực cần thiết trong việc tham vấn cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia Arab và Hồi giáo cũng như các tổ chức quốc tế, nhằm bảo đảm việc bảo vệ người Palestine và các thánh tích, trong khi gây sức ép để lực lượng chiếm đóng Israel chấm dứt leo thang căng thẳng".
Cũng trong ngày 23-7, Liên đoàn Arab (AL) cho biết phiên họp khẩn của ngoại trưởng các nước Arab về tình hình tại khu vực đền thờ Al-Aqsa đã được dời sang ngày 27-7. Theo tuyên bố của AL, Jordan cùng một số nước Arab đã đưa ra đề nghị trên, nhằm bảo đảm có nhiều ngoại trưởng tham gia nhất.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc