Multimedia Đọc Báo in

Mỹ - Iran tiếp tục cuộc chiến "ăn miếng trả miếng"

10:22, 21/07/2017

Ngày 18-7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 18 cá nhân và tổ chức Iran liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như ủng hộ lực lượng Vệ binh cách mạng Iran phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện điện tử hoặc liên quan đến việc trộm chương trình phần mềm của Mỹ, phương Tây để bán cho Iran. Theo lệnh trừng phạt mới, tất cả các cá nhân và tổ chức này sẽ bị phong tỏa tài sản và giao dịch ở Mỹ.

Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh "quan ngại sâu sắc các hoạt động nguy hại của Iran tại Trung Đông, làm suy yếu an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực". Theo Chính phủ Mỹ, Iran đang ủng hộ các lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas ở Palestine, chính quyền Syria và nhóm phiến quân Hồi giáo người Houthi ở Yemen.

Phía Iran ngay lập tức lên án những biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ, đồng thời thông báo các hành động đáp trả.

Ngày 19-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ "đáp trả thích đáng" những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, song Iran vẫn tiếp tục thực hiện cam kết về thỏa thuận hạt nhân mà quốc gia này đạt được với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng Đức) hồi năm 2015.

Phát biểu trong cuộc họp nội các Iran, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ luôn thực hiện những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thúc đẩy những biện pháp trừng phạt mới dưới bất kỳ lý do nào, Iran sẽ đáp trả một cách thích đáng". Ông Rouhani khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bỏ qua cho những hành động vi phạm của người Mỹ và chúng tôi sẽ chống lại điều đó."

Iran sẽ đáp trả lại bằng những biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân người Mỹ và các thực thể đã có hành động chống lại người dân Iran và người dân các quốc gia Hồi giáo khác trong khu vực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, ngày 18-7, Quốc hội Iran đã bỏ phiếu nhằm tăng khẩn cấp ngân sách cho chương trình tên lửa cũng như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nhằm đối phó với "sự phiêu lưu" của Washington tại khu vực. Đa số các nghị sĩ Iran đã thông qua kiến nghị dành ưu tiên cho dự luật "đối đầu với các hành động khủng bố và phiêu lưu của Mỹ tại khu vực".


Dự luật mới này cho phép chính phủ phân bổ thêm 260 triệu USD cho các lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm "phát triển chương trình tên lửa", và một khoản ngân quỹ tương tự cho Lực lượng Quds - cánh vũ trang hoạt động tại nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Quyết định của Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) năm 2015.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, nước này cũng cho rằng Iran chưa hoàn toàn đáp ứng được tinh thần của thỏa thuận nên Mỹ vẫn phải tiếp tục gia tăng sức ép. Đây là lần thứ 2 Mỹ thừa nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, dù trong lúc tranh cử ông luôn gọi đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất và sẽ hủy bỏ văn kiện ngay sau khi lên nắm quyền.

Là thành công quan trọng trong học thuyết ngoại giao của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và là bước tiến lớn trong chính sách quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được biết đến với cái tên Kế hoạch hành động chung đã được Iran và các cường quốc ký hôm 14-7-2015 và chính thức có hiệu lực nửa năm sau đó.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, vào thời điểm “cuộc sát hạch đầu tiên” đối với việc thực hiện Kế hoạch hành động chung, Chính phủ Mỹ đã kêu gọi đánh giá lại thỏa thuận. Tiến trình này vẫn đang diễn ra và dự kiến sẽ chưa thể kết thúc trước đợt “sát hạch lần thứ 2”, trong 90 ngày tới, tức là vào giữa tháng 10.

Trong lúc này, ông Donald Trump dường như vẫn chưa thôi ý định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận quan trọng đối với nền ngoại giao thế giới này cũng như nỗ lực toàn cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân. Một sự thỏa hiệp đạt được sau 3 năm đàm phán căng thẳng, chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng từng đẩy các bên tới bờ vực một cuộc chiến tranh trong những năm 2000.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc